“Hãy giữ lấy cái đầu và lo cho tính mạng!”
- Cập nhật: Thứ tư, 15/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trên đường Hoà Bình - thành phố Yên Bái (Yên Bái), chiếc mô tô chạy khá nhanh rồi lao thẳng vào chiếc xe công nông. Oành! Hai người đi mô tô ngã vật xuống đường, người ngồi sau là ông Hoà Ước ở xã Việt Cường (Trấn Yên); các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiên lượng, bệnh nhân không có khả năng sống nên không chuyển lên tuyến trên và không tiến hành phẫu thuật. Sau đó, gia đình ông Hoà Ước quyết tâm chuyển ông đi Bệnh viện Việt - Đức với tinh thần "còn nước còn tát" nhưng ông đã tử vong trên đường đi. Đội mũ bảo hiểm vì sự an toàn của người tham gia giao thông.
Đội mũ bảo hiểm vì sự an toàn của người tham gia giao thông.
|
Trước đó, cậu con trai của ông Hoà cũng không may bị tai nạn xe máy gẫy chân và đang trong thời kỳ hồi phục. Đúng là "Hoạ vô đơn chí", hai lao động chính một đã chết, một tật nguyền. Câu chuyện của bố con ông Hoà Ước ở Việt Cường chỉ là một trong hàng trăm vụ tai nạn giao thông trên địa bàn Yên Bái mỗi năm và các vụ tai nạn giao thông cho dù nhẹ là sầy tí da, chảy tí máu, nặng hơn là gẫy tay, què cẳng hoặc hơn nữa là tử vong đều để lại hậu quả dù nhiều dù ít cả về sức khoẻ, tính mạng và tiền bạc.
Bác sỹ Bùi Hải Bằng - Trưởng khoa Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khi đưa chúng tôi đi thăm các phòng bệnh. Tầng một, tầng hai rồi tầng ba, phòng nào cũng chật bệnh nhân, người băng đầu, người bó tay; có cậu thanh niên vai và ngực dọc ngang những vết xước như thể bị ai đó cào bằng bàn chải sắt, có lẽ là ngã xe khi đang chạy với tốc độ lớn. Có cô gái trẻ, mặt và đầu dính mấy vết thương, chắc chắn khi khỏi, khuôn mặt khó mà “trả lại cho em” được nữa.
Theo số liệu thống kê, năm 2006 riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 1611 người phải vào viện điều trị vì tai nạn giao thông, còn từ đầu năm đến nay có tới 1.055 người. Hàng trăm ca chuyển lên tuyến trên viện không biết kết quả và hàng chục ca khác không còn hy vọng nên xin về nhà. Bình quân mỗi tháng, Bệnh viện tỉnh tiếp nhận trên một trăm bệnh nhân tai nạn giao thông, đặc biệt trong tháng 6 vừa qua có tới 293 người phải nhập viện. Đó là một sự thật, sự thật cần phải nhìn thẳng vào rồi tự mỗi người phải hành động sao cho đúng để lo cho mình, lo cho cộng đồng, mỗi khi tham gia giao thông.
Trong một lần trò chuyện, bác sỹ Hoàng Sỹ Hiền - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ tâm sự: “Hãy giữ lấy cái đầu và lo cho tính mạng !”. Là người làm nghề, bác sỹ Hiền giải thích thêm: “Lo cho cái đầu là việc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy. Ai cũng biết, nếu đội mũ bảo hiểm khi không may bị ngã thì ít chấn thương sọ não và ngược lại, nếu tai nạn dẫn đến chấn thương sọ não thì rất khó chữa, dễ gây tử vong, cứu được cũng hao tiền tốn của lại khó hồi phục. Còn lo cho tính mạng thì bằng nhiều cách, trong đó có cả việc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy và chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông”.
Không ai thống kê nhưng cũng có thể nhận thấy đội ngũ xe ôm hàng trăm người đón khách ở nhà ga và bến xe Yên Bái - chính họ là những người “trên từng cây số” nhưng lại rất ít gặp tai nạn, có chăng cũng chỉ là va quệt nhỏ. Họ là người gặp may ư? Chắc chắn không phải! Câu giải thích chỉ có thể là ý thức của người tham gia giao thông rất cao, quan sát kỹ khi đi trên đường; không rượu bia, không phóng nhanh vượt ẩu và nhất là đều đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô.
Anh Lê Văn Việt, ở thôn Bình Trà, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên - lái xe ôm chuyên nghiệp tâm sự: “Suốt ngày đi trên đường nên mình phải rất cẩn thận, lỡ không may khổ mình, khổ vợ, khổ con. Riêng cái mũ bảo hiểm thì đúng là mùa hè có hơi nóng nhưng đổi lại, được an toàn. Chịu nóng hơn hay chịu đau, chịu chết hơn?”. Nói rồi, khuôn mặt sạm nắng cười tươi, anh lại chụp cái mũ AMORO cũ kỹ lên đầu vào sân ga đón khách.
Khi bị tai nạn, người ta hay đổ “tại số” như: “Số nó chết”, “Đúng là số nó bị tai nạn rồi!”... sao không thấy phê bình nhau là: “Rượu say thế mà phóng xe máy thì làm gì không tai nạn” hay: “Giá mà hôm ấy đội mũ bảo hiểm thì làm gì vỡ được đầu” hoặc: “Thằng đó chuyên đánh võng, buông hai tay, bốc đầu xe máy... không tai nạn mới lạ”... rồi từ đó rút ra bài học cho mình rằng: đi xe máy nhớ đội cái mũ bảo hiểm; có hơi rượu, không đi xe máy...?
Chính phủ vừa ra Nghị quyết 32 về tăng cường các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, trong đó có việc áp dụng bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên mô tô, xe máy trên các tuyến quốc lộ bắt đầu từ ngày 15/9/2007. Riêng với Yên Bái, tỉnh đã chỉ đạo cán bộ công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang phải đội mũ bảo hiểm từ 1/9/2007.
Hy vọng là Nghị quyết của Chính phủ sẽ được triển khai mạnh mẽ, ý thức của người dân được nâng lên khi tham gia giao thông, ít nhất là mọi người đồng loạt chấp hành việc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy trên các tuyến quốc lộ và cả các tuyến đường khác, vì đội mũ bảo hiểm là “giữ lấy cái đầu”chứ không phải là “đội cho công an”, nâng cao ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông để bảo vệ tính mạng cho chính mình và mọi người.
Tấn Đạt
Các tin khác
YBĐT - Sáng 13/8, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh đã chủ trì hội nghị.