Yên Bái: Để quản lý, bảo vệ tốt hành lang ATGT đường bộ

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/6/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tình hình vi phạm hành lang ATGT đường bộ trên địa bàn tỉnh Yên Bái còn diễn biến phức tạp, nhiều tổ chức, cá nhân chưa thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật. Tại nhiều địa phương, khi lập quy hoạch sử dụng đất dọc hai bên đường chưa gắn với quy hoạch phát triển giao thông.

Quốc lộ 32 đi Mù Cang Chải có nhiều nguy cơ sạt lở cao do có nhiều sườn dốc và ta luy cao.
Quốc lộ 32 đi Mù Cang Chải có nhiều nguy cơ sạt lở cao do có nhiều sườn dốc và ta luy cao.

Hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường bộ là bộ phận quan trọng của tuyến đường, nhằm bảo đảm bền vững của công trình và ATGT cho hoạt động giao thông vận tải ở tỉnh Yên Bái. Phạm vi, giới hạn hành lang an toàn đường bộ, nhiệm vụ quản lý và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ.

Kể từ khi Nghị định số 186/NĐ-CP ngày 5/11/2004 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành được thực hiện việc bảo vệ hành lang ATGT đã có những chuyển biến đáng kể.

Tuy nhiên, tình hình vi phạm hành lang ATGT đường bộ trên địa bàn tỉnh Yên Bái còn diễn biến phức tạp, nhiều tổ chức, cá nhân chưa thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật. Tại nhiều địa phương, khi lập quy hoạch sử dụng đất dọc hai bên đường chưa gắn với quy hoạch phát triển giao thông. Đất dành cho hành lang an toàn đường bộ không được cấp quyền sử dụng đất, công tác giải phóng hành lang chỉ căn cứ theo nghị định của Chính phủ và vận động nhân dân tự giác thực hiện, chưa có chính sách đền bù hỗ trợ việc giải phóng và xử lý dựa trên cơ sở pháp luật. Hầu hết, đất dành cho hành lang ATGT được cấp có thẩm quyền địa phương cấp quyền sử dụng đất cho các cá nhân và vào các mục đích khác; các điểm vi phạm chưa được phát hiện để ngăn chặn kịp thời và đến khi phát hiện thì không
được xử lý dứt điểm, dẫn đến các vi phạm vẫn tồn tại.

Trong khi đó, thanh tra giao thông đường bộ không đủ thẩm quyền cưỡng chế, giải toả, đến khi đề nghị chính quyền địa phương giải quyết theo thẩm quyền thì việc xử lý còn hình thức, né tránh, thậm chí còn bỏ qua cho các vi phạm vì nể nang và vì liên quan đến lợi ích kinh tế của địa phương… Trước thực trạng đó, thời gian qua, ngành giao thông vận tải đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật; chỉ đạo tổ chức cắm mốc chỉ giới hành lang an toàn đường bộ và công bố rộng rãi cho nhân dân địa phương biết và thực hiện; xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa cơ quan quản lý đường bộ với chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ mốc chỉ giới, quản lý đất hành lang.

Lực lượng thanh tra giao thông tích cực kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm hành lang, đồng thời quy định cụ thể về công tác phối hợp và chế độ trách nhiệm giữa lực lượng thanh tra giao thông với lực lượng bảo đảm ATGT của các địa phương trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành lang an toàn đường bộ. Cho đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra, thống kê các trường hợp nằm trong hành lang ATGT trên quốc lộ 32, 32C, 37 với tổng chiều dài 293 km, có tới 7.168 trường hợp nằm trong hành lang ATGT. Đối với tỉnh lộ có chiều dài gần 400 km nhưng có trên 5.000 trường hợp, trên 30.000 m2 các công trình nhà, tường rào nằm trong hành lang đường sắt…

Để thực hiện Quyết định 1164 và Kế hoạch số 43 của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố đã thành lập các ban giải phóng hành lang ở cơ sở và đề ra các bước cụ thể như tổ chức học tập, tuyên truyền, thống kê các trường hợp để phân loại các vi phạm, ký cam kết và vận động tháo dỡ, tổ chức giải toả các vi phạm. Nhân dân đã tự giác tháo dỡ, di dời cây cối, vật kiến trúc… ảnh hưởng tới tầm nhìn, vi phạm hành lang giao thông. Cơ quan chức năng đã phát hiện 33 vị trí điểm đen trên quốc lộ, đã xử lý bước I như: phát ta luy, cắm bổ sung biển báo, sơn gờ cưỡng bức giảm tốc; tiếp tục bước II, xử lý cơ bản việc nắn tuyến, cải tạo, mở rộng tầm nhìn...

Để bảo đảm hành lang đường bộ an toàn, thông thoáng, thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện các giải pháp về đề án tăng cường đội ngũ thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông theo tinh thần Nghị quyết 32 của Chính phủ; đầu tư trang bị đầy đủ phương tiện để giải quyết nhanh, triệt để các trường hợp vi phạm, đủ sức ngăn chặn mọi hành vi vi phạm theo pháp luật. Bên cạnh đó, cần tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương trong thực hiện chỉ thị của trên về ATGT, xây dựng kế hoạch đảm bảo hành lang an toàn giao thông cho phù hợp thực tế địa bàn cơ sở.

Huy Văn

Các tin khác

Báo cáo tình hình tai nạn giao thông (TNGT) 5 tháng đầu năm 2008, trung tướng Phạm Văn Đức, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát, cho biết: “TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra nhiều và chủ yếu liên quan đến xe ô tô chở khách”.

Hiện trường vụ tai nạn.

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe khách lại xảy ra trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn ngay km 1711+700, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận làm 3 người chết và 18 người bị thương.

7h sáng nay, 12/6, một vụ tai nạn nghiêm trọng lại xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong điều kiện trời mưa, đường trơn khiến 3 người chết tại chỗ và hàng chục người khác bị thương.

YBĐT - Trong thời gian qua, các cấp chính quyền huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục