Tròng trành đò ngang

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/9/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mặc dù các cơ quan chức năng đã không ngừng tăng cường công tác quản lý nhưng đến nay hoạt động đưa đón khách trên các phương tiện vận tải thuỷ tại nhiều bến đò ngang dọc sông Hồng vẫn chưa đi vào nề nếp. Bất chấp nguy hiểm rình rập, những chuyến đò không bảo đảm an toàn vẫn dập dềnh chở khách qua sông.

Được đăng ký sức chở tối đa là 12 người nhưng chuyến đò ngang này ở bến đò Cổ Phúc - Y Can (Trấn Yên) đã rời bến với 17 người???
Được đăng ký sức chở tối đa là 12 người nhưng chuyến đò ngang này ở bến đò Cổ Phúc - Y Can (Trấn Yên) đã rời bến với 17 người???

Bến đò “quên” an toàn

Đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thời gian qua, tại Yên Bái các bến đò ngang mọc tràn lan đây cũng chính là mối nguy hiểm tiềm ẩn cho giao thông đường thuỷ. Phần nhiều những người làm nghề đưa đò đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên dù muốn cũng rất khó để đầu tư cho một bến bãi đảm bảo an toàn. Do vậy, hầu hết các chủ đò đều chuẩn bị tinh thần trốn được ngày nào thì trốn, còn không thì chấp nhận nộp phạt nếu bị cảnh sát giao thông hay cơ quan chức năng phát hiện.

Trong số trên 30 bến đò ngang đang hoạt động, chỉ có chưa đầy 1/3 được cấp phép mở và được trang bị đầy đủ các thiết bị cứu hộ, phòng chống cháy nổ cũng như các điều kiện bến bãi bắt buộc khác. Còn lại đều không đủ điều kiện an toàn, không phao cứu sinh, bến bãi không biển báo, không nội quy, không niêm yết giá vé hoặc nếu có thì phao cứu sinh và các thiết bị phòng chống cháy nổ lại không đặt đúng vị trí, đúng nơi quy định… Không những thế, đường lên xuống đò thường cao và khi mưa thì trơn trượt, tiểm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Điển hình như bến đò ngang Yên Hợp (Văn Yên) nằm gần trung tâm huyện, hàng ngày luôn có lưu lượng người qua lại khá đông. Phương tiện qua đò chủ yếu là xe máy và xe đạp, thế nhưng cả chủ và khách đều “quên” các tiêu chuẩn an toàn. Nhiều người vẫn tỉnh bơ chễm chệ ngồi trên xe hút thuốc, một số người khác thì vô tư chen lấn hoặc đứng trên mạn đò. Đáng ngại hơn cả là tất cả đều không mặc áo phao.

Gần 11h trưa, giữa dập dềnh sóng nước, mặc dù đã khá đông nhưng chiếc đò ngang mang số hiệu YB006... do anh Th. ở Yên Hợp điều khiển vẫn cố nán lại đón những vị khách cuối cùng của buổi sáng. Một người, hai người rồi bẩy, tám người đã lên mà chủ đò vẫn chưa muốn xuất phát. Đợi một lúc thấy không còn ai đi nữa, chiếc đò mới miễn cưỡng rời bến.

Oằn mình cõng 14 sinh mạng với 8 chiếc xe máy, 3 xe đạp, con đò chòng chành trườn qua những lớp sóng. Đoạn sông rộng hơn 500m nhưng chủ đò phải đánh võng ngược dòng nước để đò có thể cập được đúng bến bờ bên kia.

Thấy chúng tôi có vẻ lo lắng, anh Th. thản nhiên nói: "Mấy hôm nay mưa nhiều nước sông lên cao, nhìn thì thấy sợ thế thôi chứ gia đình tôi sinh sống bằng nghề này hàng chục năm qua mà có vấn đề gì đâu. Đò tôi có phao xốp nhưng chưa bao giờ phải dùng tới nó!".
- Thế đò không có áo phao hả anh?
- Áo thì để làm gì cơ chứ! Bao lâu nay có ai đi đò chịu mặc đâu!

Nghe anh Th. Nói như vậy, anh bạn đồng nghiệp đi cùng ngán ngẩm lắc đầu và quay sang hỏi một hành khách đi đò vì sao không yêu cầu chủ đò cho mặc áo phao thì cũng nhận được một câu trả lời thờ ơ không kém: “Mặc làm gì, trời nóng như thế này, mặc vào người ta lại tưởng mình ở hành tinh khác đến. Vả lại thời gian qua sông chỉ khoảng vài phút, chưa kịp mặc xong đã phải cởi ra, mặc làm gì cho thêm phiền hà”.

Bến đò Cổ Phúc - Y Can (Trấn Yên) cách đây không lâu đã xảy ra một vụ tai nạn đường thuỷ làm chính chủ đò thiệt mạng. “Mất bò mới lo làm chuồng”, người chủ mới của chiếc đò này đã chống chế bằng một “thiết bị” cứu hộ có một không hai, đó là một ống thép bít kín hai đầu, chiếc “phao cứu sinh” (theo như cách gọi của chủ đò) có đường kính khoảng từ 120 – 140cm, chiều dài khoảng từ 70 – 80cm và nặng khoảng trên dưới 2 kg.

Chưa ai dám chắc về độ an toàn của những chiếc phao cứu sinh tự chế kiểu như thế này nhưng có lẽ nếu có trường hợp bất trắc xảy ra thì những thiết bị này cũng không thể phát huy tác dụng vì nó đã được chủ đò “cất” rất cẩn thận.

Đợi một lúc chiếc đò mang số hiệu YB 009... bắt đầu rời bến, giữa tròng trành sóng nước mà chủ đò vẫn rất sốt sắng chạy đi, chạy lại thu tiền và “thoải mái” để 3 chiếc xe máy cùng với chủ nhân của nó đứng chênh vênh trên mũi đò mà không cần bất kỳ một thiết bị an toàn nào.  

Cần những biện pháp mạnh 

Không thể phủ nhận những cố gắng của các cấp chính quyền địa phương khi những tháng đầu năm nay đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng, các trạm quản lý đường sông đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng bến bãi, mua sắm, trang bị phao cứu sinh, thiết bị phòng cháy rồi cấp miễn phí cho các chủ đò.

Tuy nhiên, đến nay hình thức tổ chức quản lý này vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả. Nhà đò vì lợi nhuận không đầu tư nâng cấp bến bãi, người dân vì “bất tiện” mà không quan tâm đến an toàn. Thậm chí có những bến đã được cấp áo phao nhưng chủ phương tiện lại không mang ra sử dụng hoặc nếu có lại bố trí ở nơi không thuận tiện để hành khách có thể sử dụng trong những tình huống khẩn cấp.

Việc các bến đò thường xuyên hoạt động trong tình trạng không đảm bảo an toàn không còn là chuyện quá mới mẻ, vì vậy để đảm bảo an toàn tính mạng và tải sản của nhân dân cần phải tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước đối với các loại phương tiện này. Các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường thuỷ nội địa đối với các chủ phương tiện và mọi người dân.

Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm minh các chủ phương tiện cố tình không chấp hành cũng như các địa phương lơ là trong việc quản lý để xảy ra tình trạng lập bến bất hợp pháp hay các bến bãi không đủ tiêu chuẩn hoạt động.

Thiết nghĩ, nếu hoạt động trong ATGT đường bộ, người điều khiển môtô, xe máy bị bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông thì cũng đã đến lúc các cơ quan chức năng nên áp dụng việc bắt buộc mặc áo phao đối với tất cả mọi người khi đi trên các phương tiện thủy.

Vẫn biết để giải quyết triệt để tình trạng vi phạm này không thể chỉ làm trong thời gian ngắn, nhưng việc đảm bảo an toàn cho các bến khách ngang sông đang cần được sự quan tâm, chung sức của toàn xã hội. Chỉ khi nào mọi người cùng đồng lòng thực hiện tốt các quy định về trật tự ATGT giao thông đường thuỷ nội địa thì những con đò đưa khách qua sông mới được đảm bảo an toàn.

Đức Thành

Các tin khác
Xử lý vi phạm ATGT trên địa bàn thành phố Yên Bái. Ảnh Quang Thiều

Trước tình hình tai nạn giao thông (TNGT) diễn biến hết sức phức tạp, mới đây thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) từ nay đến hết năm 2008 và xa hơn.

YBĐT - Để lập lại trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn, trong Tháng ATGT, Công an tỉnh Yên Bái đã huy động tối đa lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, cảnh sát 113 và lực lượng công an xã tham gia tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm.

4 người trong một gia đình gồm hai vợ chồng và hai con trai đã chết thương tâm trong một vụ tai nạn giao thông xảy ra vào đêm 7/9, tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai).

YBĐT - Thiết thực hưởng ứng Tháng An toàn giao thông quốc gia, Tỉnh đoàn Yên Bái vừa tổ chức lễ ra quân tuyên truyền giữ gìn trật tự an toàn giao thông năm 2008.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục