Chuyện giao thông ở vùng cao: Đi "ngựa", dựa lý "cùn"
- Cập nhật: Thứ tư, 3/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Có thể nói những năm gần đây, xe máy - một loại phương tiện thuận lợi đã phát triển đến các hộ dân cư trong huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), với trên 3.000 chiếc các loại. Xe máy tăng nhanh trong khi nhận thức của đa số người dân về loại phương tiện này còn nhiều hạn chế đã dẫn tới tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp.
Ở vùng cao, xe máy đã trở thành phương tiện khá phổ biến song ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân còn rất yếu.
(Ảnh: Sùng Đức Hồng)
|
Xe máy - "ngựa sắt"
Trước kia, đồng bào Mông ở Mù Cang Chải thường dùng ngựa để thồ lương thực, thực phẩm, phân bón, đồ dùng phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Thực tế cho thấy, ngựa là một loại "phương tiện" rất hữu dụng trong đời sống của đồng bào. Vì một nguyên nhân dễ nhận ra đó là, đường giao thông liên thôn, bản ở Mù Cang Chải lúc bấy giờ chỉ là những con đường mòn và chỉ có ngựa mới thay người vận chuyển được. Hơn nữa, cuộc sống của nhân dân còn rất nghèo nàn và lạc hậu, chưa được tiếp cận với các phương tiện giao thông hiện đại. Những năm gần đây, thông qua các chương trình, dự án, Đảng, Nhà nước đã đầu tư mạnh để xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm, nước sạch, chợ nông thôn... cho vùng cao.
Cùng với sự phát triển chung đó, mạng lưới giao thông cũng đóng một vai trò quan trọng và được mở rộng đến các thôn bản. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trụ sở xã và đã có trên 80km đường liên thôn bản đi được bằng xe máy. Từ đó, đời sống của nhân dân trên địa bàn cũng được nâng lên rõ rệt. Cũng vì vậy mà những năm gần đây, xe máy - một loại phương tiện thuận lợi đã phát triển đến các hộ dân cư trong huyện, với trên 3.000 chiếc các loại. Xe máy tăng nhanh trong khi nhận thức của đại đa số người dân về loại phương tiện này còn nhiều hạn chế đã dẫn tới tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp.
Người dân mua xe với mục đích thay ngựa và họ còn thường gọi xe máy là "ngựa sắt". Quan niệm của họ là ai "cưỡi" được thì sẽ đi được, trên đường mạnh ai thì người ấy đi chẳng có gì phải sợ cả. Vì thế, trong gia đình cứ mua được một chiếc xe máy thì ai cũng đều đi được, không cần quan tâm đến tuổi tác, có bằng lái hay không, giấy tờ xe như thế nào, xe đi theo luật lệ nào. Vì lẽ đó nên tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn huyện luôn là nỗi lo khôn nguôi của ngành chức năng.
Theo thống kê của Công an huyện, chỉ tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã có 573 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó 517 trường hợp lái xe máy và 20 trường hợp lái xe ô tô, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2007. Lực lượng cảnh sát giao thông huyện Mù Cang Chải đã xử phạt trên 135 triệu đồng nộp vào ngân sách Nhà nước, trong đó, lỗi không đội mũ bảo hiểm chiếm trên 61%, không có giấy phép lái xe 37%, không có đăng ký xe 25%... Có nhiều trường hợp vi phạm cả 4 lỗi: không giấy phép, không đăng ký, không đội mũ bảo hiểm và chở người quá quy định.
Thời gian qua trên địa bàn huyện đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết 3 người của xã Púng Luông, làm hỏng một xe ô tô và một xe máy. Nguyên nhân là do người điều khiển xe máy không chấp hành Luật Giao thông đường bộ vừa chở 3 người trên một xe, lại không ai đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe.
Một vụ tai nạn giao thông xảy ra tại xã Nậm Có, đối tượng là người của xã và do không đội mũ bảo hiểm, bị tai nạn, thoát chết nhưng hậu quả để lại rất nặng nề: khuôn mặt bị biến dạng, ảnh hưởng đến trí não và còn rất nhiều vụ tai nạn giao thông nguy hiểm xảy ra trên các tuyến đường thôn bản nhưng không được các xã thống kê báo cáo vì chưa đến mức nghiêm trọng chết người. Và "ngộ nghĩnh" hơn: nếu có ngã xe máy người dân cũng chỉ coi là cưỡi ngựa bị ngã mà thôi.
Một lần đi bản Ma Lừ Thàng - xã Zế Xu Phình dự đám cưới, tôi đã được chứng kiến những "tay lái lụa", chẳng cần mũ bảo hiểm, chẳng cần giấy tờ gì, cứ ngồi lên xe là phóng ầm ầm, mạnh ai người ấy đi, chẳng theo quy luật nào cả. Điều đáng nói ở đây là, 100% xã của huyện Mù Cang Chải đều chưa có lực lượng làm công tác tuần tra, kiểm soát giao thông tuyến xã, trong khi đó cảnh sát giao thông huyện quá mỏng so với địa bàn nên ít khi xuống được các thôn bản. Do đó, những trường hợp vi phạm an toàn giao thông ở cơ sở chưa được kiểm soát và xử lý kịp thời.
Đội mũ bảo hiểm phải trở thành ý thức thường trực mỗi khi đi xe máy. (Ảnh: Vũ Chiến) |
Lý sự "cùn"
Ngày 31/12/2007, Chính phủ đã quy định người đi mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Hàng năm thông qua các đợt phát động phong trào "Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc" ở các xã, thị trấn, Công an huyện đã lồng gắn nội dung về trật tự an toàn giao thông để tuyên truyền đến từng hộ dân. Đồng thời, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên tích cực tuyên truyền đến các đối tượng từ 18 tuổi trở lên để thực hiện tốt các quy định về an toàn giao thông.
Như vậy, sau gần một năm quy định phải đội mũ bảo hiểm trên các tuyến đường, thực tế, đại đa số ý thức của người dân nơi đây vẫn chưa được nâng lên. Họ chưa hiểu hết các quy định của luật là như thế nào, nhiều trường hợp bị bắt cảnh sát giao thông giải thích mãi vẫn "chi pâu" (tiếng Mông - nghĩa là "không biết") và không chịu nộp phạt. Một lần đi cùng các chiến sỹ cảnh sát giao thông, chúng tôi được chứng kiến một thanh niên dân tộc Mông, 16 tuổi, Vàng A Cháng, bản Háng Bla Ha A, xã Khao Mang lý sự: "Bố tao mới mua được cái xe, tao chỉ lấy đi thử thôi mà. Nếu công an lấy mất xe, tao chỉ có mỗi việc là ăn lá ngón để chết. Không thì về nhà bố tao cũng đánh chết tao...". Những trường hợp như thế cảnh sát giao thông chỉ còn cách cho dắt xe về, không ngộ nhỡ ra… còn khổ hơn!
Một trường hợp khác cũng nực cười được cảnh sát giao thông kể lại: hai vợ chồng ở xã Chế Tạo vừa bon bon chiếc xe WIN trên dốc Kim Nọi xuống quốc lộ 32 (chồng đưa vợ đi khao xe mới), cả 2 vợ chồng không đội mũ bảo hiểm, bị cảnh sát giao thông giữ lại. Thế là bà vợ làu bàu với ông chồng: "Tao đã bảo mày mua con trâu, con bò thì nó còn đẻ được con, bán được tiền, mày không nghe tao lại đi mua xe máy vừa phải mua xăng cho nó ăn lại còn phải nộp tiền phạt...". Nói xong, bà vợ khóc ầm lên, trả vờ kêu đau bụng đòi chồng đưa vào bệnh viện khám. Những lý sự kiểu này quả thật cảnh sát giao thông cũng phải bó tay.
Hiện nay còn nhiều người dân vốn nhận thức đã hạn chế lại không có điều kiện được nâng lên, đã gây không ít khó khăn cho ngành chức năng. Anh Nguyễn Đình Huân - Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao tthông huyện cho biết thêm: "Rất khó khăn cho chúng tôi trong việc giải thích để họ hiểu khi phạm lỗi. Khó khăn nhất là giao thông tĩnh của 100% xã đều chưa có, vì giao cho xã nhưng xã lại không đảm nhiệm được. Lực lượng của chúng tôi thì mỏng, trong khi địa bàn lại rộng nên chỉ kiểm soát được 77km tuyến quốc lộ 32. Còn các xã, thôn bản thì chưa thường xuyên vào được...".
Cần lắm cảnh sát giao thông tuyến xã
Với đặc thù là một huyện vùng cao, trình độ dân trí còn thấp, đường giao thông liên thôn bản còn quá nhỏ, dốc cao, hầu hết đều có ta luy âm và chưa có hệ thống biển báo. Hơn nữa, quốc lộ 32 đã đưa vào sử dụng cách đây 4 năm nhưng dọc tuyến đường trên địa phận Mù Cang Chải chưa có đủ các loại biển báo hiệu. Mặt khác, còn tồn tại nhiều điểm đen về giao thông nên chưa bảo đảm cho các loại phương tiện và người qua lại. Ngày 15/11/2008, Bộ Công an quy định đội mũ bảo hiểm phải cài quai theo đúng quy cách, không hiểu rồi đây người dân vùng cao Mù Cang Chải sẽ thực hiện ra sao, bởi hầu hết họ chỉ quen để đầu trần khi đi xe máy? Rồi tình hình an toàn giao thông trên địa bàn liệu có tốt hơn không?.
Để các quy định về trật tự an toàn giao thông đi vào cuộc sống của người dân vùng cao, thiết nghĩ các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên để tìm ra hình thức tuyên truyền phù hợp, bằng các phương tiện tuyên truyền sao cho đạt được hiệu quả nhất và cần phải tăng cường lực lượng để thường xuyên tuần tra, kiểm soát.
Đặc biệt, hơn lúc nào hết, Mù Cang Chải cần đưa lực lượng giao thông tuyến xã vào hoạt động, nhằm tuyên truyền, giáo dục về pháp luật và an toàn giao thông, làm cho mọi người dân hiểu, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, cũng như các quy định về giao thông và tai nạn giao thông trên địa bàn huyện, góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn, để an toàn giao thông mang lại hạnh phúc cho mọi nhà.
Thanh Xuân
Các tin khác
YBĐT - Để thực hiện tốt Nghị quyết 32 của Chính phủ về tăng cường các biện pháp kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông, tháng 8/2007, huyện Yên Bình là địa phương rất tích cực triển khai đến lực lượng công an xã, công an viên thực hiện xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, trên các tuyến đường liên thôn, liên xã. Cũng từ đây, người dân thôn quê gọi vui họ là "cảnh sát thôn".
YBĐT - Những năm qua, tai nạn giao thông (TNGT) ở Trấn Yên (Yên Bái) có chiều hướng gia tăng và diễn biến khá phức tạp. Hàng năm, bình quân Trấn Yên xảy ra trên 70 vụ tai nạn, va quệt giao thông, làm hàng chục người bị chết và bị thương, đó là chưa kể đến hàng nghìn vụ va quệt, tai nạn giao thông không ghi vào biên bản hồ sơ. Tai nạn giao thông (TNGT) đã làm thiệt hại hàng tỷ đồng.
Chỉ trong chưa đầy 5 giờ đồng hồ, trên cùng một tuyến đường, 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên tiếp xảy ra, cướp đi sinh mạng của 6 người.
Khoảng 23h ngày 17/11 trên quốc lộ 1A, đoạn phía bắc đèo Rọ Tượng (ngay trước quán cơm Thùy Trang, xã Ninh Lộc, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.