An toàn giao thông trong học đường - nỗi lo còn đó
- Cập nhật: Thứ hai, 8/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Còn 10 phút nữa mới đến giờ tan học, vậy mà trước cổng Trường Tiểu học số 1 thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên - Yên Bái) đã rất đông phụ huynh học sinh đứng chờ đón con. Thời buổi bây giờ, nhà giàu thì có xe máy xịn, còn nhà nghèo cũng có xe máy tàng tàng để đi lại, nên thường ngày các cháu được cha mẹ đưa đón tới trường. Bình quân mỗi năm, Trường Tiểu học số 1 thị trấn Cổ Phúc có trên 400 học sinh theo học ở các khối lớp.
Như vậy tại đây, vào mỗi buổi tan học sẽ có gần 400 phương tiện, chủ yếu là xe máy tham gia giao thông trên một đoạn đường hẹp chỉ rộng chừng 3m. Thêm vào đó, khi buổi học kết thúc, các cháu ùa ra khỏi lớp rồi nháo nhác chạy tìm cha mẹ hoặc người thân của mình đang đợi ngoài cổng trường. Điều này đã gây cản trở và ách tắc giao thông, bởi nếu có việc đi ngang qua cổng trường vào thời điểm này cũng phải len lách toát mồ hôi mới qua được.
Có một thực tế đang diễn ra hàng ngày trong việc đưa đón học sinh tới trường đó là không một ông bố hay bà mẹ nào cho con đội mũ bảo hiểm khi ngồi sau xe máy. Họ cho rằng, chỉ người lớn mới phải đội mũ bảo hiểm, hoặc viện lý do đoạn đường quá ngắn nên việc đội mũ bảo hiểm cho con là không cần thiết, trong khi Nghị quyết 32/CP của Chính phủ đã quy định rõ: "Tất cả mọi người tham gia giao thông đều phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy", điều này có nghĩa không phân biệt giữa người lớn hay trẻ em. Dù vậy, mặc nhiên các ông bố bà mẹ vẫn cứ "phớt lờ", họ chỉ cần nhanh chóng đón được con mà không nghĩ rằng tai nạn giao thông sẽ xảy ra bất cứ lúc nào và chính bản thân con em họ sẽ phải chịu hậu quả trước tiên.
Qua trao đổi với cô giáo Lê Thị Thường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 thị trấn Cổ Phúc được biết, hàng năm nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật An toàn giao thông (ATGT), lồng ghép vào các giờ chào cờ, sinh hoạt, các tiết học đạo đức hay tự nhiên xã hội để nâng cao ý thức cho học sinh khi tham gia giao thông. Trong đó, nhà trường đã phối hợp với Đội cảnh sát giao thông Công an huyện Trấn Yên, tổ chức các buổi học ngoại khóa tuyên truyền Nghị quyết 32 của Chính phủ, đồng thời cũng quy định phụ huynh không được đi xe máy đưa đón con em ngay tại sân trường. Quy định này đã được các bậc phụ huynh chấp hành nghiêm chỉnh nên vấn đề đảm bảo an toàn giao thông đã phát huy hiệu quả trong khuôn viên trường học. Còn trên thực tế, hầu hết các em học sinh tiểu học đều là những đối tượng không trực tiếp tham gia và điều khiển phương tiện giao thông nên công tác tuyên truyền Luật ATGT trong trường học mới chỉ dừng ở mức độ giáo dục nhận thức. Đương nhiên, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông và chấn thương do không đội mũ bảo hiểm vẫn chưa được kiềm chế tới mức tối đa.
Thực tế cho thấy, ATGT trong học đường đang là vấn đề đáng lưu tâm trong xã hội, bởi những tiềm ẩn của tai nạn giao thông không chỉ ở lứa tuổi học sinh tiểu học mà còn xảy ra tại các trường THCS và THPT. Hàng ngày, tại khu vực Trường THPT Lê Quý Đôn, vào giờ tan học, người ta lại được chứng kiến cảnh nhốn nháo gây mất trật tự ATGT của các học sinh nơi cổng trường, rồi từng tốp các em đi đạp xe dàn hàng 3, hàng 4 trên đường, vừa đi vừa thản nhiên cười đùa, mặc cho xe máy, ô tô nhấn còi inh ỏi, nhiều khi do giật mình và không tự chủ tay lái dẫn đến hậu quả các em bị ngã chồng lên nhau. Không những thế, khi đến ngã 3, các em chẳng hề để ý xin đường mà cứ thế phóng thẳng qua rất dễ gây tai nạn.
Được biết, hàng năm cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật ATGT, nhà trường còn tổ chức ký cam kết không vi phạm Luật ATGT tới 100% giáo viên và học sinh, nghiêm cấm học sinh không đi xe máy tới trường học. Tuy nhiên, việc chấp hành Luật ATGT dường như cũng chỉ có hiệu quả trong khuôn viên trường học, còn khi đã qua khỏi cổng trường thì hầu hết học sinh từ THCS trở lên đều là những đối tượng trực tiếp sử dụng phương tiện và tham gia giao thông, song chỉ có lực lượng cảnh sát giao thông và công an xã mới có quyền nhắc nhở, xử phạt.
Dẫu biết rằng, để ngăn chặn tình trạng mất ATGT trong học đường không phải là việc làm một sớm, một chiều, vả lại càng không phải của riêng một cấp, một ngành nào đó, nhưng trước hết vẫn là do ý thức của người tham gia giao thông. Thiết nghĩ cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội cùng các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền một cách tích cực, cụ thể hơn và cũng nên có những biện pháp xử lý kiên quyết đối với cả học sinh và phụ huynh. Làm được điều này mới mong Luật ATGT thực sự có hiệu quả trong học đường.
Bích Nụ - Thu Phượng
Các tin khác
Theo Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng Phòng điều tra, hướng dẫn xử lý tai nạn giao thông, Cục CSGT đường bộ - đường sắt, xe ô tô vi phạm trong dịp Tết Nguyên Đán sẽ bị đình chỉ lưu hành bằng hình thức tạm giữ đăng ký, biển số đăng ký gắn phía trước xe....
Đó là kết luận của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đưa ra tại đề tài: “Nghiên cứu luận cứ khoa học và thực tiễn về kiểu dáng mũ bảo hiểm (MBH) đảm bảo chất lượng và phù hợp với người Việt Nam”.
YBĐT - Thực hiện Quyết định 1164 của UBND tỉnh Yên Bái về việc tổ chức giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông, từ đầu năm đến nay các lực lượng chức năng của tỉnh đã tổ chức thống kê các trường hợp vi phạm và tổ chức được 3 đợt giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn.
YBĐT - Là một trong huyện có tỷ lệ người bị thương và tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) cao, thời gian qua huyện Văn Chấn đã tích cực tập trung huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phấn đấu giảm nhanh những thiệt hại do TNGT gây ra. Tuy nhiên, bên cạnh những cố gắng của các cấp, các ngành thì công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TT ATGT) tại Văn Chấn (Yên Bái) vẫn còn nhiều khó khăn.