Nâng cao nhận thức pháp luật cho thanh niên nông thôn: Gió lành thổi gió độc!
- Cập nhật: Thứ sáu, 11/9/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Bên cạnh những tấm gương sáng về ý chí tự lực, tự cường, biết vươn lên bằng sức trẻ của nhiều thanh niên nông thôn, thời gian qua, các phương tiện thông tin liên tục đưa tin về các vụ vi phạm pháp luật, cá biệt có những vụ án nghiêm trọng mà đối tượng vi phạm là một bộ phận thanh niên nông thôn. Điều này, khiến không ít người tỏ ra lo ngại trước thực tế gia tăng của các vụ phạm pháp hình sự xảy ra ở khu vực nông thôn. Vậy nguyên nhân của thực trạng này do đâu? Giải pháp nào giúp thanh niên nông thôn không vi phạm pháp luật?
Vũ Mạnh Tiền - xã Vũ Linh (Yên Bình) trước vành móng ngựa.
|
Thực trạng
Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu vừa qua, dư luận không khỏi bàng hoàng trước hai vụ án mạng liên tiếp xảy ra trên địa bàn xã Vũ Linh – huyện Yên Bình. Chỉ vì nóng giận mà Vũ Mạnh Tiền và Hà Quốc Tuyến đều trú tại xã Vũ Linh đã cố tình cướp đi sinh mạng của hai người khác. Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, xét xử lưu động tại UBND xã Vũ Linh hai vụ án giết người trên với 4 bị cáo và tuyên phạt ba bị cáo, mỗi bị cáo hai mươi năm tù, một bị cáo 12 năm tù. Đau xót hơn cả là trong đó có hai anh em ruột cùng bị truy tố về tội giết người.
Vụ Lý Văn Mão – sinh năm 1975 ở Lâm Giang – Văn Yên phạm tội giết người cũng bị tuyên phạt 20 năm tù. Tráng A Thắng và Sùng A Chua đều là người dân tộc Mông – trú ở thôn Khuôn Bổ, Hồng Ca, Trấn Yên chỉ vì lười lao động đã lao vào con đường làm ăn phi pháp, đã bị Tòa án nhân dân huyện Trấn Yên đưa ra xét xử bằng một phiên tòa lưu động, tuyên phạt mỗi bị cáo từ bảy đến bảy năm rưỡi tù về tội mua bán chất ma túy. Ngoài ra, một số vụ hiếp dâm trẻ em, buôn bán phụ nữ, trẻ em, buôn bán, vận chuyển chất ma túy xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua mà thủ phạm là thanh niên nông thôn chiếm số lượng không nhỏ.
Bên cạnh những vụ vi phạm pháp luật hình sự, thì có một bộ phận không nhỏ thanh niên nông thôn thường xuyên vi phạm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân – gia đình và đặc biệt là việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông. Tại một số xã vùng cao, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra khá phức tạp như xã Xuân Long, Vĩnh Kiên (Yên Bình) mà đối tượng vi phạm đều là những “trai làng”. Còn trên các tuyến đường liên thôn, liên xã, rất dễ bắt gặp cảnh 2, 3, thậm chí là đến 4 thanh niên chở nhau trên một xe máy, không đội mũ bảo hiểm, và cũng không có giấy phép lái xe…
Đi tìm nguyên nhân
Cơn gió văn minh đô thị thổi về các làng quê kéo theo sự ra đời của hàng loạt các dịch vụ vui chơi giải trí như: quán cà phê, karaoke, bàn bi - a, các quán ăn uống, dịch vụ game – Internet tốc độ cao đã thu hút khá đông thanh niên nông thôn tham gia. Chẳng biết, sự văn minh tiến bộ được những thanh niên này thấm nhuần được bao nhiêu, nhưng “nhàn cư vi bất thiện” đã làm nảy sinh nhiều hiện tượng xã hội đáng báo động. Đó là, tâm sinh lý của nhiều thanh niên ngày càng thay đổi theo chiều hướng phức tạp, có thể đơn giản chỉ là qua một ánh mắt nhìn, một cử chỉ thiếu thiện chí nào đó mà dẫn tới phạm tội, thậm chí là tước đoạt tính mạng của người khác.
Thứ hai, do quen thói ăn chơi, đua đòi dẫn tới việc trộm cắp nhằm thỏa mãn nhu cầu bản thân.Thứ ba, việc quá dễ dàng để có các bộ phim video “đen” tràn lan trên thị trường băng đĩa lậu, hay chỉ cần một cú “click” chuột là cũng có thể “lôi” trên mạng về cả một “kho” phim “sex” đã khiến đạo đức, nhân cách của một bộ phận thanh niên nông thôn trở nên xuống cấp. Thứ tư, do tác động của tệ nạn ma túy đang xảy ra hàng ngày đã khiến cho nhiều gia đình nông thôn rơi vào cảnh tan nát, chia lìa.
Một nguyên nhân khác cũng vô cùng quan trọng đó là sự tác động của gia đình đối với tâm lý, tình cảm và thái độ sống của thanh niên. Sự giáo dục của cha mẹ đối với con cái, sự êm ấm, thuận hòa, biết sống yêu thương và có trách nhiệm với nhau của các thành viên trong gia đình cũng là những yếu tố tác động rất mạnh đến tâm sinh lý của mỗi người.
Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan trên, còn là việc hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Nhiều khi công tác này mới chỉ hoạt động mang tính hình thức, chưa đem lại hiệu quả thiết thực. Ngoài ra cũng cần xét đến vai trò của các cơ quan, tổ chức đoàn thể trong việc tham gia giáo dục, định hướng cho thanh niên, đặc biệt là tổ chức Đoàn thanh niên cơ sở. Ở nhiều địa phương, Đoàn thanh niên mới chỉ hoạt động mang tính bề nổi chứ chưa thực sự đi sâu vào đời sống thanh niên, chưa tổ chức được nhiều phong trào tập thể, chưa phát huy được vai trò, chức năng của tổ chức mình trong thanh niên. Cùng với tỷ lệ thanh niên nông thôn chưa có việc làm ổn định, không muốn lao động vất vả, cực nhọc trên đồng ruộng cũng là những nguyên dẫn tới hậu quả tiêu cực cho gia đình và xã hội…
Thực tế triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhân dân cho thấy, việc đưa pháp luật đến với thanh niên nông thôn nhiều khi rất khó khăn. Bởi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân ở các địa phương hiện nay hầu như chỉ thông qua hình thức lồng ghép vào các cuộc họp thôn, bản và trên hệ thống loa truyền thanh của xã.
Theo tâm sự của một số lãnh đạo xã, trong các cuộc họp thôn, bản hay hội nghị của xã thì chỉ thường là cán bộ chủ chốt, người cao tuổi hay phụ nữ đi họp, còn các đối tượng thường hay vi phạm pháp luật ít khi chịu tham gia dự họp và nghe tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Còn tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh có ưu điểm là chủ động về thời gian phát sóng, gần gũi, thân thiết với người dân, có thể tuyên truyền nhanh, kịp thời, thường xuyên các văn bản luật và có khả năng tác động đến nhiều đối tượng cùng một lúc, nhưng hiện nay mới chỉ thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ là 100% thôn, bản có loa truyền thanh, còn hầu hết các địa phương khác mới chỉ đáp ứng khoảng 60% các thôn, bản.
Việc tuyên truyền trên loa truyền thanh hiện cũng mới chỉ dừng lại ở giới thiệu chung chung về các quy định của pháp luật, chứ chưa có sự đổi mới trong cách giới thiệu; thời lượng phát sóng không nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả tuyên truyền của hình thức này.
Giải pháp nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho thanh niên
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên nông thôn chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chuyên môn với các tổ chức đoàn thể tại địa phương, các tổ chức đoàn thể chưa phát huy hết vai trò của mình trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên của tổ chức mình. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở nhiều khi còn quá cứng nhắc, nặng về hình thức, chưa có sự vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền để thu hút các đối tượng tham gia... |
Đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hình thức mở các phiên tòa lưu động, hay thông qua hình thức sân khấu hóa với việc động viên, khuyến khích thanh niên tham gia sáng tác, diễn xuất; tăng cường và thường xuyên có sự đổi mới trong tuyên truyền pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở; thường xuyên tổ chức các hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi; có biện pháp động viên, khuyến khích các điển hình, các hạt nhân tiên tiến có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở địa phương; tăng cường việc kiểm tra, quản lý chặt chẽ các dịch vụ, các điểm vui chơi, giải trí, tổ chức các phong trào hoạt động xã hội hấp dẫn thu hút thanh niên; liên hệ, phối hợp với các cơ sở dạy nghề, trung tâm tư vấn tổ chức hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên.
Hơn nữa, tổ chức đoàn thanh niên cơ sở phải thật sự đi sâu, đi sát để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thanh niên; xây dựng kế hoạch phối hợp với ban tuyên truyền, phổ biến pháp luật của địa phương trong công tác nâng cao nhận thức pháp luật cho thanh niên, xây dựng các mô hình câu lạc bộ thanh niên tuyên truyền pháp luật giỏi với việc đưa một số thanh niên thường có hành vi vi phạm pháp luật tham gia sinh hoạt câu lạc bộ; tích cực vận động, giáo dục thanh niên lầm lỗi, tạo điều kiện để thanh niên hòa nhập cộng đồng. Đối với gia đình, cần thể hiện thái độ quan tâm hơn nữa đối với con cái, phải là tấm gương, là nền tảng để con cái dựa vào, noi theo...
Làm tốt những giải pháp này chính là đã tạo ngọn gió lành thổi luồng gió độc trong môi trường văn hoá của mỗi làng quê.
Khánh Thư
Các tin khác
YBĐT - Ngày 4/9/2009, Ban ATGT tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị khiển khai kế hoạch tuyên truyền trật tự an toàn giao thông quý IV năm 2009.
YBĐT - Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) tại Văn Chấn (Yên Bái) liên tục có những diễn biến phức tạp. Để kiềm chế hiệu quả TNGT và hướng ứng Tháng An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, UBND, Ban ATGT huyện xác định sẽ tập trung huy động tối đa mọi lực lượng tham gia tuyên truyền kết hợp chặt chẽ với công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó, thanh thiếu niên sẽ là đối tượng hướng đến chủ yếu trong các hoạt động tuyên truyền, nhắc nhở.
Lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý 26.572 trường hợp vi phạm TTATGT. Kho bạc Nhà nước thu 6 tỷ 745 triệu đồng; tạm giữ 57 xe ô tô, 3661 xe mô tô.
YBĐT - Trong thời gian qua, mặc dù cấp uỷ, chính quyền các địa phương cùng lực lượng chức năng đã triển khai tương đối đồng bộ và tích cực các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT), song đến nay tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh Yên Bái vẫn gia tăng, gây ra những thiệt hại lớn về người và tài sản đối với nhân dân.