Gia tăng TNGT do ý thức kém và tâm lý “cả nể”

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/11/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Gần đây, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) có những diễn biến phức tạp. Đến hết tháng 10/2009, toàn tỉnh Yên Bái xảy ra 64 vụ TNGT, làm chết 68 và bị thương 33 người, hư hỏng 23 ôtô, 89 môtô, thiệt hại tài sản ước tính gần 1 tỷ đồng.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại phường Đồng Tâm thành phố Yên Bái.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại phường Đồng Tâm thành phố Yên Bái.

Những biện pháp kiềm chế TNGT thực hiện khá đồng bộ và tương đối phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương song lại thiếu tính liên tục. Ở nhiều địa phương, mỗi khi chính quyền và lực lượng chức năng tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền kết hợp tăng cường tuần tra kiểm soát thì tình hình TT ATGT được đảm bảo. Hết đợt cao điểm thì đâu lại vào đó, cá biệt có những địa phương số trường hợp vi phạm lại có dấu hiệu tăng cao.

Dường như các hoạt động tuyên truyền hay các biện pháp cưỡng chế vẫn chưa đủ mạnh để “thấm” và thay đổi ý thức chấp hành luật của người dân.

Nguyên nhân

TNGT gia tăng, đầu tiên phải kể đến đó là ý thức quá kém của một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn, những thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Quan sát và làm việc tại một số địa phương, không quá khó để nhận thấy, người dân chưa nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Những trường hợp không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, sử dụng rượu, bia quá nồng độ cho phép, họp chợ không đúng nơi quy định, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông (ATGT), đi đò qua sông không mặc áo phao cứu sinh… diễn ra khá phổ biến và thường xuyên.

Tại nhiều tuyến đường đã kẻ vạch quy định làn đường cho các phương tiện giao thông hay kẻ vạch sang đường cho người đi bộ, tuy nhiên rất ít phương tiện và người tham gia giao thông chấp hành nghiêm túc quy định này. Người đi bộ có thể sang đường bất cứ chỗ nào, xe máy, ô tô chạy lấn tuyến khiến người cùng tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn.

Các ban ATGT cấp xã, lực lượng công an mặc dù đã được phân cấp tuần tra kiểm soát và được hướng dẫn cụ thể, chi tiết đến từng phần việc, song vẫn chưa phát huy hiệu quả. Ý thức của người tham gia giao thông kém, cộng với tâm lý “cả nể” với các mối quan hệ dòng tộc, làng xóm... chính là rào cản lớn khiến họ khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Người ta rất dễ dàng bỏ qua cho nhau nhiều lỗi vi phạm với lý do rất đơn giản: trong đường làng khó có thể gây ra TNGT.

Bên cạnh những nguyên nhân về ý thức và hạn chế trong hoạt động của chính quyền cấp xã thì việc xuống cấp của hệ thống hạ tầng giao thông cũng đang là một yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác đảm bảo TT ATGT. Đơn vị thi công chủ yếu chỉ chú trọng đến chất lượng mặt đường mà chưa thật sự quan tâm đầu tư lắp đặt các biển báo giao thông, làm gờ giảm tốc ở những nơi đường giao cắt nguy hiểm hoặc trang bị hệ thống đèn chiếu sáng. Rất nhiều tuyến đường nối với tỉnh lộ, quốc lộ hay đi qua khu vực trường học, bệnh viện, khu đông dân cư, đường sắt chưa được được lắp biển báo hiệu...

Loại bỏ những yếu kém, kiềm chế TNGT

Để kiềm chế hiệu quả TNGT và đảm bảo trật tự ATGT trong những tháng cuối năm, không có giải pháp nào hiệu quả hơn việc các ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần tăng cường thực hiện đồng bộ các hình thức tuyên truyền giáo dục Luật Giao thông đường bộ cho người dân. Việc làm này phải được tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền bằng hệ thống loa truyền thanh tại các xã; bằng các tờ rơi, khẩu hiệu, panô, áp phích, biên dịch và tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng dân tộc...

Nội dung tuyên truyền cần đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, phải gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân tại từng địa phương, nhất là đối với những thôn, bản vùng sâu, vùng xa, những nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Hiện nay, một trong những hình thức tuyên truyền được rất nhiều địa phương sử dụng đó là in các khẩu hiệu về ATGT trên các bảng thông tin cố định tại những khu vực đông dân cư và khu vực trung tâm. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả tuyên truyền hơn nữa, nên chăng chính quyền các cấp cần nghiên cứu thay thế các khẩu hiệu chung chung bằng các quy định của Luật Giao thông đường bộ như: các mức xử phạt hành chính khi vi phạm luật, các tác hại của việc uống rượu, bia khi tham gia giao thông, hệ thống biển báo hiệu giao thông...

Bên cạnh giải pháp về nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, cần có những biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để đối với những người điều khiển môtô, xe máy trực tiếp gây TNGT; kiên quyết đình chỉ lưu hành đối với các trường hợp vi phạm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; xoá sổ các phương tiện đã hết niên hạn sử dụng; phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp xe quá tải, quá khổ và chở quá số lượng khách theo quy định; kiên quyết xử lý những người đi môtô, xe máy không đội mũ bảo hiểm và các trường hợp học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe nhưng vẫn cố tình điều khiển môtô, xe máy.

Các trường hợp vi phạm, bên cạnh việc lập biên bản và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật thì các cơ quan chức năng cần phải xác định rõ nhân thân của người vi phạm, thông báo về nơi công tác, học tập, cư trú… để tiếp tục giáo dục, kiểm điểm. Lực lượng cảnh sát giao thông và công an các xã cần thực hiện tốt việc tuần tra kiểm soát, phát hiện vi phạm, đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ, các tuyến đường liên tỉnh và trong thành phố để kịp thời phòng ngừa TNGT, chủ động đấu tranh ngăn chặn kịp thời tình trạng tụ tập, đua xe, phóng nhanh vượt ẩu mất trật tự ATGT...

Tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe, nâng cao chất lượng kiểm định phương tiện, đào tạo, quản lý lái xe. Đối với các cơ quan chức năng cần tập trung nâng cao hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước về ATGT; cần nhanh chóng xác định và có những biện pháp thiết thực khắc phục những điểm “đen” TNGT; đầu tư lắp đặt các biển báo giao thông đường bộ, làm gờ giảm tốc ở những nơi đường giao cắt nguy hiểm, giải phóng hành lang ATGT, kịp thời nâng cấp, sửa chữa hệ thống hạ tầng giao thông cho kịp với tốc độ phát triển kinh tế xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho người dân tham gia giao thông an toàn...

Việt Lâm

Các tin khác
Hiện trường vụ tai nạn.

Xe đầu kéo đã bị lật khi xuống đèo Quán Cau (Phú Yên) gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Ngày 5/11, tại thôn Tấn Lộc, xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa hai xe ô tô chở khách, làm 1 người chết tại chỗ và 17 người khác bị thương.

YBĐT - Ngày 5/11, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội nông dân tỉnh Yên Bái tổ chức tập huấn và tuyên truyền về an toàn giao thông cho cán bộ hội viên nông dân thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông.

YBĐT - Sau Tháng an toàn giao thông (ATGT) quốc gia, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp. Chỉ trong tháng 10, toàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8 người, bị thương 2 người, hư hỏng 2 ôtô, 9 môtô (so với cùng kỳ tăng 6 vụ, 7 người chết, 2 người bị thương).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục