Tuyên truyền ATGT tại Trạm Tấu: Vấn đề còn nhiều nan giải
- Cập nhật: Thứ năm, 15/4/2010 | 9:26:35 AM
YBĐT - Hiện nay, Trạm Tấu (Yên Bái) có trên 40% dân số không biết đọc, trong khi đó mới chỉ có 4/12 xã được trang bị hệ thống loa truyền thanh, 40% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia nên công tác tuyên truyền pháp luật về TT ATGT đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nhận thức của người dân vùng cao còn nhiều hạn chế nên việc tuyên truyền pháp luật giao thông cần đi thẳng vào những nội dung cụ thể.
|
Những năm gần đây đời sống người dân vùng cao Trạm Tấu đã có nhiều đổi thay. Hệ thống đường giao thông không ngừng được đầu tư nâng cấp, lượng xe máy tăng nhanh, đã giúp bà con rút gắn thời gian đi lại và vận chuyển các loại hàng hóa nông, lâm sản.
Tuy nhiên, do đại bộ phận dân trí thấp, cộng với việc công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TT ATGT) chưa phát huy hiệu quả... nên đến nay, không ít người dân Trạm Tấu vẫn còn nhận thức khá mơ hồ về Luật Giao thông đường bộ (GTĐB). Nhiều người tham gia giao thông khi bị kiểm tra xử lý vẫn ra sức phân bua vì không biết mình vi phạm lỗi gì?
Thiếu kinh phí + thiếu tài liệu = hiệu quả tuyên truyền thấp
Giờ đây, chỉ cần sau mỗi vụ ngô, sắn hoặc vay mượn ít tiền đặt cọc mua trả góp là người dân có thể mua xe máy. Tuy nhiên, mua rồi làm thế nào để có giấy phép lái xe? làm thế nào để nắm được những quy định cơ bản của Luật GTĐB...? và khi lưu thông chấp hành đúng luật, thì đó lại là cả một vấn đề. Thói quen “đường ta, ta cứ đi” vẫn còn trong suy nghĩ của rất nhiều người dân.
Thực tế, quan sát tại đoạn đường từ thị trấn Trạm Tấu, đến trung tâm xã Hát Lừu, không quá khó để bắt gặp những người vi phạm Luật GTĐB. Trường hợp vi phạm như: không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định hay đi không đúng phần đường quy định, xuất hiện ngày càng nhiều. Phải chăng bà con chưa được tuyên truyền luật?.
Ông Lò Văn Khẹn, Chủ tịch UBND xã Hát Lừu cho biết: “Hàng năm xã đều phối hợp với các ngành chức năng của huyện để xuống thôn, bản, tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục Luật GTĐB. Tuy nhiên, tỷ lệ bà con trong xã không biết chữ còn nhiều nên khi tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hầu hết đội ngũ cán bộ xã đều phải dùng phương pháp truyền khẩu.
Trong khi đó, do chưa có tài liệu được biên soạn sang tiếng dân tộc, nên xã mới chủ yếu chỉ tập trung phổ biến những quy định cơ bản như: đi xe phải đội mũ bảo hiểm, không được chở quá số người quy định, không được uống rượu khi đi xe máy...”. Nhìn tủ sách pháp luật của xã, sau gần 30 phút tìm kiếm với sự giúp sức của cán bộ tư pháp thì giật mình khi biết rằng, cả xã Hát Lừu chỉ có duy nhất một quyển Luật GTĐB (được in từ năm 2004).
Tìm hiểu thêm bên Công an xã, cũng không có gì khá hơn, khi chỉ có một số công văn, kế hoạch đôn đốc chỉ đạo của ngành cấp trên. Tuy nhiên, vẫn không thấy bóng dáng của quyển Luật GTĐB sửa đổi năm năm 2008 hay các văn bản hướng dẫn tuyên truyền về những điểm (sửa đổi) của Luật GTĐB. Hệ thống văn bản, tài liệu thiếu thốn, nên những hoạt động tuyên truyền pháp luật về TT ATGT và Luật GTĐB sửa đổi tại Hát Lừu cũng không có nhiều điều đáng nói. Thời lượng tuyên truyền chủ yếu là lồng ghép, nội dung lại chưa phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết của người dân.
Điều đáng nói hơn cả là đối tượng tuyên tuyền chủ yếu mới chỉ dừng lại ở nhóm đối tượng chủ gia đình có độ tuổi bình quân từ 45 - 55, mà đây lại không phải nhóm lứa tuổi thường xuyên vi phạm Luật GTĐB.
Những khó khăn và hạn chế trên, không chỉ là của riêng xã Hát Lừu mà còn là vấn đề chung của rất nhiều xã, thị trấn trong huyện Trạm Tấu. Ông Trần Văn Long - Phó ban Thường trực Ban ATGT huyện Trạm Tấu cho biết: Hiện nay, Trạm Tấu có trên 40% dân số không biết đọc, trong khi đó mới chỉ có 4/12 xã được trang bị hệ thống loa truyền thanh, 40% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia nên công tác tuyên truyền pháp luật về TT ATGT đang gặp rất nhiều khó khăn.
Huyện thì không có nguồn kinh phí cố định cho công tác ATGT, chủ yếu chỉ dựa vào cân đối từ nguồn xử phạt vi phạm nhưng nguồn này cũng rất ít. Năm 2009, kinh phí hoạt động của Ban ATGT huyện vẻn vẹn có 2,4 triệu đồng, nên nhiều lúc muốn tổ chức hoạt động, làm các bảng thông tin tuyên truyền trực quan hay in ấn tài liệu... cũng không triển khai được.
Vì thế, hiện nay tất cả các hoạt động tuyên truyền về ATGT, huyện đều giao cả cho Phòng Tư pháp và Công an huyện, nhưng số lượng các buổi tuyên truyền cũng rất hạn chế.
Cần đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền
Vẫn biết rằng, việc phổ biến kiến thức pháp luật về TT ATGT cho đồng bào dân tộc ít người là rất khó khăn, song cũng không thể đổ hết lỗi do thiếu kinh phí, thiếu tài liệu, vì nếu biết khắc phục, tập trung đầu tư đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền thì chắc chắn ý thức tham gia giao thông của ngươi dân vùng cao Trạm Tấu sẽ có những chuyển biến tích cực.
Kinh nghiệm tuyên truyền Luật GTĐB nói chung, tại nhiều địa phương trong cả nước cho thấy, do đặc điểm nhận thức của người dân vùng cao còn nhiều hạn chế nên việc tuyên truyền luật cần đi thẳng vào những nội dung cụ thể như: các hình ảnh cụ thể về các vụ tai nạn, biển báo, biển chỉ dẫn hay những quy định được biên soạn ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu.
Người cán bộ tuyên truyền, cần nói rõ cho bà con biết đâu là hành vi nguy hiểm, vi phạm Luật GTĐB, đâu là biển cấm, đâu là biển báo hiệu đường nguy hiểm... hoặc vì sao Nhà nước lại xây dựng những quy định bắt buộc khi điều khiển mô tô xe máy tham gia giao thông. Một lần tuyên truyền, bà con chưa hiểu thì tuyên truyền lần 2 hoặc 3, khi bà con đã hiểu và tự giác chấp hành thì hiệu quả đạt được sẽ rất lớn.
Theo ông Vũ Quỳnh Khánh - Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu, để từng bước tháo gỡ những khó khăn và nâng cao ý thức chấp hành Luật GTĐB của người dân, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, tập trung triển khai tuyên truyền Luật GTĐB trong các trường học, từ đó giáo dục các em về vận động gia đình và người thân nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT.
Đối với các hoạt động tuyên truyền tại cơ sở, bên cạnh việc cân đối nguồn vốn, giao cho chính quyền các xã chủ động tổ chức các hoạt động, huyện xác định sẽ tổ chức vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, tham gia hỗ trợ đóng góp. Phấn đấu đến hết năm 2010, huyện sẽ có thêm 3 cụm xã được đầu tư hệ thống loa truyền thanh, 100% các xã, thị trấn có bảng thông tin tuyên truyền trực quan, được trang bị tài liệu về Luật GTĐB sửa đổi và những văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng nhanh chóng biên soạn những nội dung cơ bản của Luật GTĐB sang hai thứ tiếng là Mông và Thái.
Đức Thành
Các tin khác
Lúc 7g40 ngày 13-4, xe container biển số 57L-7259 khi đang lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương đã đâm gãy rào chắn và lao xuống ruộng tại khu vực km48 (gần Trung tâm Quản lý đường cao tốc - huyện Châu Thành, Tiền Giang).
Từ ngày 20/5 người lớn chở trẻ em trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm hoặc không cài dây sẽ bị phạt 100.000 đến 200.000 đồng.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Chủ tịch UBND 7 tỉnh cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc để số người chết do tai nạn giao thông trong tháng 1/2010 và trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Vào khoảng 10h15 sáng 6.4, tại thị trấn Văn Điển (Hà Nội), tàu nhanh Bắc - Nam mang số hiệu D19E- 924 đã đâm vào một chiếc xe tải chở sỏi, đá mang BKS 34L-8407 chạy từ trong làng Âu ra ngoài quốc lộ 1. Vụ va chạm đã khiến tài xế xe tải thương nặng.