Phòng tránh tai nạn giao thông cho trẻ em
- Cập nhật: Thứ hai, 27/9/2010 | 9:07:05 AM
YBĐT - Thời gian qua, cùng với sự gia tăng đột biến của các phương tiện giao thông thì cùng với đó là các vụ tai nạn giao thông mà nạn nhân là trẻ em cũng gia tăng đáng kể. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, mỗi năm có khoảng có khoảng 12.000 người bị chết, 20.000 người bị thương do tai nạn giao thông, trong đó, nạn nhân là trẻ em chiếm khoảng 35%.
Học sinh tiểu học làm quen với các kiến thức về Luật Giao thông đường bộ trên mô hình trực quan.
|
Thực trạng đáng lo ngại
Rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra với hậu quả vô cùng thương tâm mà nạn nhân trẻ em thường là bị tử vong ngay tại chỗ hoặc mang thương tích nặng. Mới đây hẳn không ít người từng biết đến vụ tai nạn giao thông vô cùng thương tâm xảy ra với một bé gái 2 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyên nhân chỉ vì tiếng còi hơi của chiếc xe bồn quá lớn khiến người mẹ giật mình, phanh gấp làm cho em bé đứng ở phía trước xe ngã sang bên cạnh vừa đúng lúc chiếc xe bồn trờ tới, bánh xe đã nghiến nát đầu làm em bé tử vong ngay tại chỗ. Hay trường hợp một bé trai 2 tuổi ở xã Yên Thành, huyện Yên Bình khi được mẹ và thím dâu chở bằng xe máy lưu thông trên tuyến đường liên xã, do tránh nhau với một chiếc xe máy đi ngược chiều nên người mẹ mất lái, cả người và xe đổ vật ra đường, người lớn chỉ bị thương nhẹ, riêng bé trai bị tử vong tại chỗ do văng vào gầm chiếc xe tải và bị bánh sau xe chèn vỡ hộp sọ.
Theo thống kê, tình hình tử vong do tai nạn giao thông của trẻ em trong độ tuổi từ 0-19 năm 2007 chiếm tới 28% tổng số tử vong do tai nạn thương tích, năm 2008 tăng lên là 32,5%. Trong khoảng 22 triệu trẻ em, thiếu niên cả nước, ít nhất có khoảng 2/3 đến trường bằng xe đạp và đi bộ, phần lớn là học sinh các trường cấp I, cấp II, III, tập trung chủ yếu tại địa bàn nông thôn. Trong khi đó, tai nạn giao thông đường bộ ở Việt Nam chiếm tới trên 95% về số vụ tai nạn và hơn 95% về số người chết, bị thương trong đó có nhiều vụ tai nạn thương tâm là các bạn đang độ tuổi cắp sách tới trường.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông thương tâm trên, nhưng chủ yếu vẫn là do ý thức và nhận thức về an toàn giao thông của các bậc phụ huynh và bản thân các em nhỏ còn rất hạn chế. Không ít các bậc phụ huynh coi thường tính mạng con em mình khi chở trẻ em trên sáu tuổi bằng xe máy mà không đội mũ bảo hiểm mặc dù bố mẹ đều đội mũ cẩn thận. Việc trẻ em đội mũ bảo biểm khi tham gia giao thông vẫn còn rất ít, trong khi đó ở Việt Nam, mô tô, xe máy là phương tiện đi lại chính của các gia đình.
Do vậy, thương tích do tai nạn giao thông đường bộ gây nên là nguyên nhân thứ 2 dẫn đến tử vong ở trẻ em. Rồi việc cha mẹ chở theo con cái nhưng cũng không tự giác chấp hành luật an toàn giao thông như vi phạm các lỗi: phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, đi hàng hai hàng ba trên đường... Chính điều này vô hình chung khiến cho trẻ em tưởng rằng cha mẹ mình không tuân thủ thì mình cũng không cần phải tuân thủ và việc không tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông không nguy hiểm gì cho tính mạng của bản thân và những người tham gia giao thông khác.
Vì thế, khi lưu thông trên những tuyến đường có trường học mới thấy mối nguy hiểm về tai nạn giao thông đang rình rập các em học sinh từng giờ, từng phút, nhất là vào giờ tan trường. Từng tốp học sinh dàn hàng hai, hàng ba thậm chí là hàng bốn đạp xe trên đường, nhiều em chỉ điều khiển xe bằng một tay, còn một tay thì che ô và vừa đi vừa cười đùa, trêu chọc lẫn nhau mà không để ý đến những người tham gia giao thông khác đang vừa bức xúc, vừa lo lắng vì tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào vì sự vô tư phạm luật của chính các em mặc dù các nhà trường đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến rất nhiều về an toàn giao thông cũng như quy tắc tham gia giao thông đường bộ.
Thậm chí có những em mới học lớp hai, lớp ba cũng đã được cha mẹ cho tự điều khiển xe đạp đi học, mặc dù tay lái của các em còn rất chệnh choạng và lại điều khiển những chiếc xe vượt quá tầm vóc của mình nên các em chỉ biết điều khiển xe theo bản năng, thích sang đường là sang, có khi đến giữa đường lại đột ngột vòng trở lại…Rồi việc đi bộ cũng không đúng quy tắc giao thông, vô tư chơi đùa ở lòng đường, vỉa hè, băng qua đường đột ngột mà không chú ý quan sát cũng đã gây ra không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà nạn nhân đáng thương nhất luôn là các em nhỏ thân yêu của chúng ta.
Cảnh sát giao thông hướng dẫn học sinh THCS cách đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
(Ảnh: Thái Hoàng)
Giải pháp nào hạn chế ?
Để hạn chế thấp nhất việc con em gặp tai nạn giao thông khi đi xe đạp, xe máy, đi bộ, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các bậc phụ huynh. Phải luôn tự giác chấp hành và nhắc nhở con em mình những vấn đề sau: cho trẻ em đi xe vừa với tầm vóc của mình; không cho trẻ dưới 12 tuổi đi xe đạp và trẻ dưới 18 tuổi đi xe máy ra đường; không tham gia cổ vũ đua xe trái phép; đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; luôn giúp trẻ bảo đảm xe hoạt động tốt; dạy và hướng dẫn trẻ các kỹ năng đi xe đạp, kỹ năng xử lý tình huống trên đường; nhường đường cho người đi bộ; dừng và đi theo tín hiệu đèn giao thông; không lạng lách, đánh võng trên đường; không dàn hàng ngang, không che ô khi điều khiển xe máy xe đạp vì như thế sẽ hạn chế tầm nhìn của bản thân và các phương tiện khác; đi đúng phần đường, đúng tốc độ cho từng loại xe; tuân thủ đúng các loại biển báo; không cho trẻ chơi đùa dưới lòng đường hoặc gần đường giao thông, vỉa hè khu vực đỗ ô tô; phải chú ý quan sát xung quanh trước khi qua đường và nên giơ tay cao để tăng sự chú ý của mọi người.
Đặc biệt, các bậc cha mẹ và người lớn phải luôn làm gương cho trẻ trong việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm chỉnh luật an toàn giao thông. Khi không may xảy ra tai nạn giao thông với trẻ em cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nơi nguy hiểm và gọi mọi người giúp đỡ. Tìm kiếm sự giúp đỡ nhanh nhất trên nguyên tắc sơ cứu tại chỗ, rửa vết thương bằng nước sạch, cầm máu, chống choáng, nếu nạn nhân bị thương vào đầu hoặc nghi có gãy xương cần nẹp cố định, bất động chỗ gãy sau đó nhanh chóng tìm cách đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.
Các ngành chức năng và nhà trường cần tuyên truyền để các em thấy rõ những tình huống dẫn tới tai nạn giao thông, những nguy cơ và hiểm họa của tai nạn giao thông đối với sức khỏe, qua đó giúp các em có hiểu biết và tuân thủ tốt hơn các quy tắc và luật lệ an toàn giao thông; tổ chức các hoạt động tuyên truyền do các em làm chủ như thành lập nhóm tuyên truyền, câu lạc bộ tuyên truyền trong chi đội, chi đoàn, khu phố, cụm dân cư để cung cấp cho các em những kiến thức thiết thực về an toàn giao thông; thường xuyên tổ chức các hình thức thi tìm hiểu về luật an toàn giao thông, thi thực hành các kỹ năng tham gia giao thông để giúp trẻ có thói quen tốt tuân thủ luật mỗi khi ra đường.
Cuối cùng, một thông điệp mà bản thân mỗi người chúng ta phải luôn ý thức được rằng: hãy coi mọi đứa trẻ và những người bạn thấy trên đường như con cái và người thân của mình và hãy nhớ rằng những gì bạn xử sự trên đường với họ cũng là những gì người khác đối xử với con bạn và người thân của bạn!
Tân Nhân
Các tin khác
Thông tin từ bến phà Vàm Cống, khoảng 1h sáng nay (23/9), đã xảy ra vụ va chạm giữa hai chiếc phà 100 tấn và 200 tấn tại bến phía Đồng Tháp. Phà Vàm Cống là tuyến phà nối thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang với huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp.
YBĐT - Thực hiện kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) năm 2010, ngay từ đầu năm, thị xã Nghĩa Lộ đã tập trung huy động lực lượng triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) tại tất cả các xã, phường trên địa bàn.
YBĐT - Khoảng 9 giờ 45' ngày 22/ 9, trên đường Điện Biên, tại khu vực tổ 57 -phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái đã xảy ra vụ tai nạn giao thông làm hư hỏng 2 ôtô.
YBĐT - Văn hóa giao thông là nói tới hình thức biểu hiện bằng hành vi chấp hành đúng pháp luật theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông.