Làm theo lời Bác, “làm giàu” bản thân
- Cập nhật: Thứ ba, 26/11/2013 | 8:42:38 AM
YBĐT - Người Mông ở Phình Hồ đã vượt qua được rào cản trong tư tưởng, vượt lên những tập tục lạc hậu, không bằng lòng với cuộc sống hiện tại và luôn khát vọng vươn lên. Bởi thế nên cũng mảnh nương ấy, cũng đồng ruộng ấy, cũng cánh rừng ấy nhưng bằng sự kiên trì, siêng năng, dám đổi mới, họ đã đánh thức được tiềm năng, thế mạnh của đồng đất quê hương và khẳng định được giá trị bản thân, thiết thực làm theo lời Bác.
Đồng chí Giàng A Câu (giữa) - Phó bí thư Huyện ủy Trạm Tấu kiểm tra mô hình trồng su su ở xã Phình Hồ.
|
"Người Mông ở Phình Hồ đã hiểu làm theo Bác không hề phức tạp mà chỉ đơn giản bằng những việc làm cụ thể. Đó là có tinh thần sống vì cộng đồng, biết nỗ lực vượt lên khó khăn để chiến thắng đói nghèo lạc hậu, xóa bỏ dần những tập quán không còn phù hợp với nếp sống mới... Vậy nên ở Phình Hồ, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 03 - CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã có nhiều nông dân làm theo lời Bác, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững " - chia sẻ của Bí thư Đảng ủy xã Phình Hồ - Sùng A Đơ đã đưa chúng tôi đến với mảnh đất còn nhiều gian khó và gặp những nông dân làm theo lời Bác.
Dẫn chúng tôi đi thăm nương ngô đã vào kỳ thu hoạch, ông Giàng Dua Ký ở thôn Phình Hồ, xã Phình Hồ (Trạm Tấu) chia sẻ: "Trước đây, cuộc sống khó khăn lắm, thu nhập của gia đình hàng năm chỉ tính bằng mấy bao lúa nương, đói nghèo đeo đẳng. Rồi sau này được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn, cấp giống, cấp phân... và có hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, gia đình biết cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi nên đời sống dần ổn định".
Nói về việc học tập và làm theo lời Bác, ông Dua Ký thật thà kể rằng, trước đây, khi mới nghe đến thì thấy xa xôi, ai cũng bảo Bác Hồ giỏi như vậy thì mình làm theo sao được. Nhưng khi được nghe cán bộ huyện, cán bộ xã về thôn nói đơn giản là cố gắng làm kinh tế giỏi, giúp đỡ người khó khăn hơn mình, sống đoàn kết cũng đã là làm theo lời Bác. “Mình nghĩ, những điều này thì mình có thể làm được mà làm tốt điều đó, cuộc sống của mình, của cả bản sẽ tốt hơn nên mình làm thôi” - ông khẳng định.
Từ suy nghĩ đến hành động, ông vay vốn ngân hàng mua lợn về nuôi, bán quay vòng mua trâu, bò, vừa chủ động sức kéo sản xuất vừa tăng thu nhập cho gia đình. Nhà ông còn mạnh dạn chuyển đổi 2ha lúa nương năng suất thấp sang trồng ngô đồi. Hiện nay, gia đình ông Ký đã có 10 con trâu, 10 con bò, 15 con dê, 12 con lợn thịt, mỗi năm thu được 3,5 tấn thóc, hơn 3 tấn ngô... Người dân nơi này biết đến ông Giàng Dua Ký như một triệu phú của vùng đất khó Phình Hồ.
Ông Ký chia sẻ: "Muốn làm giàu, trước hết phải chịu khó, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, biết tận dụng nguồn vốn vay, chủ động phòng trừ dịch bệnh cho trâu bò, dự trữ rơm khô và đã mua gia súc về thì phải chăm sóc, bảo vệ nó cho tốt. Nói chung là phải chăm chỉ lao động và không ngừng học hỏi". Không chỉ biết cách làm kinh tế, ông còn là một tuyên truyền viên tích cực của phong trào xây dựng đời sống văn hóa. Ông quan niệm, đời ông cha ít chữ đã thiệt thòi nên các con cháu trong gia đình phải đi học, học không phải để làm lãnh đạo mà học để biết cách làm người có ích cho gia đình và xã hội.
Cùng với tấm gương ông Giàng Dua Ký, ở thôn Phình Hồ còn có ông Giàng Sông Lồng là người giỏi làm ruộng, thực hiện tốt chủ trương của huyện về chuyển đổi các diện tích lúa nương, sắn cho năng suất thấp sang trồng ngô. Ông đã cùng gia đình chuyển đổi hết diện tích 2ha sắn sang trồng ngô 2 vụ, khai hoang ruộng nước mở rộng diện tích gieo cấy lúa nước. Ông Lồng chia sẻ: "Cấy lúa là để có gạo ăn, không lo bị đói. Trồng ngô là để chăn nuôi gia súc và tăng thu nhập cho gia đình. Nuôi gia súc là để chủ động sức kéo và có của để dành".
Nghĩ như vậy nên ông đã không ngần ngại đầu tư vào đồng ruộng và chăn nuôi. Tất nhiên, kết quả của ngày hôm nay cũng "hao tâm tổn trí" của ông rất nhiều. Ông bảo: "Bà, vợ và các em, ai cũng quen với lối sản xuất cũ, vận động học cái mới rất khó, cứ sợ vay không trả được, bỏ sắn trồng ngô nó không lên được lấy gì cho lợn, gà ăn... Mình bảo, không mạnh dạn làm thì làm sao thay đổi được cuộc sống, phải biết tin vào chủ trương của huyện, của xã chứ".
Thấm cái chủ trương đổi mới cộng với hăng say làm kinh tế, ông Lồng cũng trở thành "một viên ngọc sáng" trong làm ăn kinh tế khi mỗi năm thu về 4 tấn ngô, 4 tấn lúa và hiện có 5 con trâu, 4 con bò, 10 con lợn.
Không riêng gì thôn Phình Hồ mà những điển hình làm kinh tế giỏi có ở hầu hết các bản làng người Mông. Ở Tà Chử có Giàng Nhà Chểnh, Giàng Chừ Ninh; ở Chí Lư có Sùng BLa Súa, Giàng A Sà; ở Suối Xuân có Giàng A Tu, Giàng Sấu Ký... Tất cả họ dù chưa được gọi là triệu phú nhưng đó đều là những tấm gương vượt khó đáng khâm phục. Họ đã vượt qua được rào cản trong tư tưởng, vượt lên những tập tục lạc hậu, không bằng lòng với cuộc sống hiện tại và luôn khát vọng vươn lên. Bởi thế nên cũng mảnh nương ấy, cũng đồng ruộng ấy, cũng cánh rừng ấy nhưng bằng sự kiên trì, siêng năng, dám đổi mới, họ đã đánh thức được tiềm năng, thế mạnh của đồng đất quê hương và khẳng định được giá trị bản thân, thiết thực làm theo lời Bác.
Cũng như nhiều cuộc vận động khác, để có được những điển hình làm theo lời Bác, Đảng bộ xã Phình Hồ cũng đã trải qua một quá trình tuyên truyền, vận động kiên trì và sáng tạo trong vận dụng vào thực tế ở các bản làng. Đảng bộ xã đã xây dựng chương trình hành động cụ thể, phù hợp với địa phương như gắn học tập và làm theo lời Bác với phong trào phát triển kinh tế, thực hiện hương ước và quy ước thôn bản, đoàn kết dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững an ninh - quốc phòng. Mỗi cán bộ, đảng viên làm bản cam kết với kế hoạch cụ thể và Đảng bộ sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch ấy. Trước hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu trong giữ gìn phẩm chất đạo đức lối sống, tiên phong trong phát triển kinh tế, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Mỗi đoàn thể đều đưa nội dung học và làm theo Bác vào quá trình sinh hoạt, đặc biệt là các chi bộ coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu.
Tinh thần học tập và làm theo lời Bác đã thấm nhuần trong từng cán bộ, đảng viên nên việc tuyên truyền đến nhân dân không còn là trở ngại. Người dân hăng say phát triển kinh tế, gieo trồng 56ha lúa, 130ha ngô hai vụ, canh tác bền vững 89,4ha chè Shan. Đặc biệt, nhiều hộ đã mạnh dạn đưa mô hình cây su su vào trồng thử nghiệm nhằm tìm cây trồng phù hợp, giúp dân xóa đói giảm nghèo.
Ở Phình Hồ hôm nay, việc học tập và làm theo lời Bác đã đi vào cuộc sống của từng hộ dân. Đồng bào nơi đây đều chung ước mong xây dựng quê hương giàu đẹp, sống đoàn kết, định canh, định cư phát triển kinh tế. Nhân rộng được nhiều tấm gương làm theo lời Bác, chắc chắn một ngày không xa, Phình Hồ sẽ thoát nghèo.
Phương Thùy - Lộc Chầm
Các tin khác
YBĐT - Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, huyện Lục Yên bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ, tạo sự chuyển biến tích cực về nhiều mặt, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
YBĐT - Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) đã có những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
YBĐT - Hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Đảng ủy Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái xác định phải làm sao để cuộc vận động thực sự thiết thực, không hình thức, chung chung và gắn chặt với các hoạt động của doanh nghiệp.
YBĐT - Cách làm của Đảng bộ xã Nghĩa Phúc (thị xã Nghĩa Lộ) khi thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là cụ thể hóa việc học và làm theo Bác thành những việc cụ thể của cán bộ, đảng viên.