Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân
- Cập nhật: Thứ ba, 23/6/2015 | 9:32:48 AM
YênBái - YBĐT - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ, đảng viên không chỉ nằm trong những bài nói, bài viết, trong những tác phẩm của Người, mà còn nằm trong toàn bộ hoạt động thực tiễn, trong cuộc sống, trong con người Hồ Chí Minh. Và quan trọng hơn là trong phong trào cách mạng của cả một dân tộc, trong sự nghiệp vĩ đại mà Người đã cùng với dân tộc mình tạo dựng nên trong thế kỷ XX.
Mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân có rất nhiều biểu biện khác nhau. Tựu trung lại, mối quan hệ này được thể hiện trên các phương diện:
Thứ nhất, cán bộ, đảng viên từ nhân dân mà ra. Dân là gốc của nước, của cách mạng. Với Hồ Chí Minh, dân (nhân dân lao động - công nhân, nông dân, trí thức) là chủ thể tích cực của lịch sử, dân cũng là giá trị quý báu nhất, cao nhất. Tài dân, sức dân là nguồn lực quan trọng nhất của phát triển. Muốn phát huy được nguồn lực quan trọng này để phục vụ sự nghiệp cách mạng, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải “giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng”, phải hiểu dân, phải học từ nhân dân. Còn nếu “cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”.
Thứ hai, cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần gương mẫu, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Để duy trì mối quan hệ khăng khít giữa đảng viên và nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu mỗi cán bộ đảng viên phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng để dân tin, dân yêu. Cán bộ, đảng viên “muốn giáo dục nhân dân, làm cho mọi người đều tốt cả thì cán bộ, đảng viên phải tự giáo dục và rèn luyện hàng ngày”; “phải xung phong, gương mẫu trong sản xuất và trong công tác, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính”.
Thứ ba, cán bộ, đảng viên chịu sự giám sát, phê bình của nhân dân. Tai mắt của nhân dân ở khắp nơi. Chính vì vậy, họ là lực lượng giám sát, phê bình cán bộ đảng viên sát sao nhất. Cán bộ nào xấu, cán bộ nào tốt, ai làm việc gì hay, việc gì dở, nhân dân đều biết rõ ràng. Vì thế, trong công tác cán bộ nên chú ý tới ý kiến của nhân dân. Nếu phát huy tốt vai trò phê bình, giám sát của nhân dân, cán bộ, đảng viên biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân thì sẽ góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, giúp cho cả nhân dân và cán bộ, đảng viên cùng tiến bộ.
Thứ tư, nhân dân có nghĩa vụ và trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, dân có quyền thì đồng thời cũng phải có trách nhiệm và nghĩa vụ với đất nước. “Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Chính phủ thì việc to việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân. Vì vậy, nhân dân lại có nhiệm vụ giúp đỡ Chính phủ, theo đúng kỷ luật của Chính phủ và làm đúng chính sách của Chính phủ, để Chính phủ làm tròn phận sự mà nhân dân giao phó”.
Dù cách mạng là công việc của dân chúng, nhưng để sự nghiệp cách mạng thành công, đòi hỏi phải có một chính đảng lãnh đạo. “Nếu chỉ có sự hăng hái của quần chúng mà không có sự hăng hái của nhóm trung kiên để tổ chức và dìu dắt, thì sự hăng hái của quần chúng sẽ không bền và không thể tiến tới”. Đảng như người cầm lái, người cầm lái có vững thuyền mới chạy.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua cho thấy, tầm quan trọng của mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân. Dù trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau, với những nhiệm vụ cách mạng khác nhau, nhưng nếu biết phát huy mối quan hệ khăng khít giữa Đảng và nhân dân thì dù nhiệm vụ cách mạng có khó khăn đến mấy cũng vẫn sẽ thành công. Có thể nói, những thành quả vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới đất nước chính là minh chứng sinh động cho sức mạnh của mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước hiện nay, mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng đã bộc lộ một số hiện tượng tiêu cực.
Căn bệnh “cá nhân chủ nghĩa” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phê phán, nay xuất hiện ở một bộ phận cán bộ, đảng viên với những biểu hiện: tham danh, trục lợi, tự cao tự đại, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"đã nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.
Ở đâu đó, vẫn còn những “đầy tớ” hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân. Việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở vẫn chưa được thực hiện triệt để. Một số nơi, hoạt động của các đoàn thể nhân dân và các hội quần chúng còn nặng về hành chính hóa, phô trương, hình thức. Có những địa phương chính quyền chưa nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, chưa lắng nghe ý kiến của người dân, có những quyết định không hợp lòng dân… Tất cả những hiện tượng trên làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, đối với tổ chức Đảng, thậm chí gây mất ổn định chính trị, xã hội, ảnh hưởng không nhỏ tới mối quan hệ vốn gắn bó giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thực tiễn sự nghiệp cách mạng của dân tộc đã chứng minh rằng, mối quan hệ máu thịt giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân là một trong những điều kiện quan trọng tạo nên sức mạnh của Đảng, của dân tộc. Những thành tựu của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hơn 80 năm qua, đều dựa trên nền tảng mối quan hệ này. Chính vì vậy, việc duy trì mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Nghiên cứu ngày càng kỹ hơn, sâu hơn, đầy đủ hơn tư tưởng Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ và cũng có thể xem là một giải pháp cấp thiết để củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Quan trọng hơn, là phải đưa những tư tưởng đó vào trong chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, biến tư tưởng đó thành hành động của cán bộ đảng viên và của đông đảo nhân dân.
(Theo Nhân Dân điện tử)
Các tin khác
YBĐT - Sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng về ý nghĩa và hành động trong mỗi cán bộ, đảng viên nhân dân xã Liễu Đô, huyện Lục Yên.
YBĐT - Nhiều năm qua, huyện Trấn Yên đã trở thành điểm sáng toàn tỉnh về phong trào chữ thập đỏ (CTĐ).
Là xã có 99% đồng bào Mông thuộc huyện đặc biệt khó khăn, nhưng nhiều năm qua, xã Xà Hồ (huyện Trạm Tấu) luôn xác định việc thực hiện tốt học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là yếu tố quan trọng tập trung sức mạnh của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân khắc phục khó khăn, từng bước thoát khỏi đói nghèo.
YBĐT - Đúng vào dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Hội đồng Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh huyện Trấn Yên đã tổ chức Đại hội cháu ngoan Bác Hồ lần thứ V. Đây là dịp tốt để thế hệ măng non Trấn Yên tổng kết nhiều phong trào thi đua lớn, dâng lên Bác kính yêu những “bông hoa nghìn việc tốt”.