Trong thi đua lao động sản xuất, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh phát triển các ngành, nghề thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Là tỉnh miền núi, với nền nông nghiệp là chủ đạo và trên 80% dân số làm nông nghiệp, thực hiện Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", hàng năm, toàn tỉnh có hàng trăm nghìn hộ nông dân đăng ký tham gia thực hiện. Qua đó, góp phần tạo khí thế thi đua sôi nổi, thúc đẩy các hộ nông dân phát triển sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và hình thành nên những vùng chuyên canh rộng lớn.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gồm: lương thực có hạt, chè, cây ăn quả, đàn gia súc chính, thủy sản, quế, sơn tra, tre măng Bát độ, dâu tằm, gỗ nguyên liệu. Các vùng sản xuất hàng hóa phát triển ổn định mang lại những giá trị kinh tế cao cho người dân. Nhiều mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao như: quế, chè, tinh bột sắn, măng và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng với kim ngạch xuất khẩu hàng chục triệu đô la, chiếm từ 30 - 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Kết thúc năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh đã đạt được những kết quả ấn tượng như: tốc độ tăng tổng sản phẩm nông - lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 5,29%, vượt 0,29% so với kế hoạch, cao nhất vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; cơ cấu tổng sản phẩm nông - lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 22% trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Toàn tỉnh đã phân hạng và công nhận 227 sản phẩm OCOP; trong đó, có 21 sản phẩm đạt 4 sao, 206 sản phẩm đạt 3 sao; có trên 23.096,2 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, quế hữu cơ; cấp được 77 mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu…
Hưởng ứng phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”, 5 năm qua, nhân dân trong tỉnh đã hiến trên 2.000 ha đất, đóng góp trên 500 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, kiên cố kênh mương nội đồng và các công trình công cộng. Đồng thời, tích cực tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; xây dựng "thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc”, "gia đình hạnh phúc”…
Hiện tại, tỷ lệ gia đình văn hóa toàn tỉnh đạt 83%; tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đạt 71%; chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 65,62% (tăng 12,32% so với năm 2020). Yên Bái tiếp tục dẫn đầu trong phong trào xây dựng NTM ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc với 106/150 xã đạt chuẩn NTM, 37 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 18/23 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; thành phố Yên Bái được công nhận đô thị loại II trực thuộc tỉnh; 4/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Làm theo lời Bác, đội ngũ cán bộ luôn sâu sát cơ sở, động viên người dân phát triển kinh tế. Trong ảnh: Lãnh đạo thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn thăm mô hình trồng ớt xuất khẩu của hội viên nông dân.
Đồng chí Giàng A Tông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh bày tỏ: "Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”, thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp, triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; các phong trào, cuộc vận động trong đoàn viên, hội viên và nhân dân, góp phần xây dựng tỉnh phát triển về mọi mặt”.
Đi đôi với tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng NTM, thời gian qua, phong trào "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" cũng đã lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh, thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, thu hút sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc.
Việc học tập và làm theo Bác đã trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục, lâu dài của mỗi cơ quan, đơn vị và nhiều cá nhân. Những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến phải kể là: mô hình thôn người Mông đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu của Chi bộ thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên; mô hình xây dựng cộng đồng dân cư hạnh phúc của Đảng bộ xã Nghĩa Lộ; mô hình giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc, thị xã Nghĩa Lộ; mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế của Thôn Yên Dũng, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên…
Ghi nhận từ hàng ngàn tập thể, cá nhân tiêu biểu, có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong học tập và làm theo Bác, hơn 2 năm qua, đã có 461 tập thể, 598 cá nhân được khen thưởng; trong đó, có 5 tập thể, 7 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen.
Những kết quả đạt được trong các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. An ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. Năm 2023 vừa qua, tuy chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng kinh tế của tỉnh vẫn tăng trưởng ở mức khá so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 6% (đứng thứ 7/14 tỉnh trong khu vực, đứng thứ 36/63 tỉnh, thành phố); tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 3 năm (2021-2023) ước đạt 7,22%/năm, bình quân 5 năm giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 7,52%; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,76%, vượt kế hoạch đề ra.
Nhằm tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được, đồng thời vững bước trên con đường cách mạng vẻ vang mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương Yên Bái anh hùng, không ngừng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đổi mới, sáng tạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững; chăm lo phát triển đồng bộ, hài hòa, vững chắc văn hóa - xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh có trên 7.800 tập thể, cá nhân (trong đó, có 3.912 tập thể, 3.897 cá nhân) đăng ký xây dựng điển hình tiên tiến học tập và làm theo Bác, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2015 - 2020. Qua rà soát, đánh giá, có 6.944/7.809 tập thể, cá nhân đạt các tiêu chí mô hình, điển hình tiên tiến, đạt 88,9%.
|
Hồng Oanh