Đồng bào Mường làm theo lời Bác

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/7/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Từ những năm bốn mươi của thế kỷ trước, dù ở tận miền Tây Bắc xa xôi, dân trí còn lạc hậu, thiếu thông tin với bên ngoài, nhưng bà con người Mường ở vùng Mường Lò nói chung và ở xã Sơn A, huyện Văn Chấn (Yên Bái) nói riêng, đã sớm biết đến Đảng và Bác Hồ kính yêu. Bởi vì, vùng bà con người Mường sinh sống được xác định là "địa bàn an toàn" nên cán bộ cách mạng thường đến tuyên truyền vận động bà con đi theo cách mạng.

Cũng từ đây, trong cộng đồng người Mường ở Sơn A đã có nhiều người tham gia cách mạng và có những người trở thành đảng viên thuộc những thế hệ đầu tiên của huyện Văn Chấn. Người Mường ở đây, cũng là những hạt nhân đi đầu trong diệt "giặc đói, giặc dốt", giặc ngoại xâm. Do đó, vào những năm 50 của thế kỷ trước, khi đại bộ phận dân trong vùng còn mù chữ thì ở thôn Ao Luông đã nhiều người đi học và đặc biệt là có cô gái trẻ Hoàng Thị Dong đi vào ngành sư phạm. Bà Dong sau đó rất vinh dự được trở thành một trong mấy chục đại biểu xuất sắc của Khu tự trị Thái - Mèo được mời về thủ đô gặp Bác Hồ.

Vào thăm làng Ao Luông I, Ao Luông II và Ao Luông III, là những thôn có 100% đồng bào Mường sinh sống, ta sẽ thấy một hình ảnh rất cảm động, đó là trong ngôi nhà sàn của bà con, ngoài hai bàn thờ tổ tiên nội ngoại thì rất nhiều nhà lập bàn thờ Bác Hồ. Có lẽ cái chất nền nã của một dân tộc có truyền thống văn hoá tốt đẹp, lâu đời, cộng với niềm tin vào Đảng và lòng kính yêu Bác Hồ, đã làm cho những người Mường ở đây luôn sống với tinh thần đoàn kết, nhân ái và nghị lực vươn lên. Trong ba thôn Ao Luông, giờ đây có Ao Luông I là thôn được huyện đánh giá: trong những năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng thì thôn này đã đạt được cả chục cái nhất về kinh tế-xã hội so với mặt bằng chung các thôn xóm ở Mường Lò (Văn Chấn).

 Đó là: xây dựng làng văn hoá sớm nhất; chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ tốt nhất; tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất; người học cao đẳng, đại học và công tác thoát ly nhiều nhất; an ninh trật tự tốt nhất; tinh thần đoàn kết cộng đồng tốt nhất; thực hiện tốt nhất mọi chủ trương chính sách và nghĩa vụ đối với Nhà nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất; môi trường xanh-sạch-đẹp nhất; phong trào văn hoá văn nghệ-thể thao mạnh nhất. Và còn có một "kỷ lục" đáng tự hào nữa, mà theo chúng tôi, cũng là một cái nhất: trong thôn có tới hai người từng là chủ tịch, phó chủ tịch huyện Văn Chấn. Những điều rất đáng tự hào ấy chính là thành quả được xây nên từ bầu nhiệt huyết của một địa phương có truyền thống làm theo lời Bác.

Đặc biệt, từ khi thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" thì tinh thần làm theo lời Bác lại tiếp tục được thắp sáng lên với một khí thế mới, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Việc đồng bào Mường ở đây, vừa hiến đất làm đường có thể coi như là một minh chứng sống động về tinh thần ấy.

Đó là, vào đầu năm 2008, tại khu vực ba thôn Ao Luông triển khai xây dựng công trình đường và cầu treo qua ngòi Thia với số vốn đầu tư là 4,2 tỷ đồng. Cây cầu treo này dài 110 m, rộng 2,5 m và đoạn đường bê tông từ cầu treo nối với quốc lộ dài gần 2km. Với số tiền đầu tư như trên, nếu phải đền bù giải phóng mặt bằng cùng với những biến động về giá cả vật liệu xây dựng, địa hình thi công khá phức tạp thì rất khó có thể có hoàn thành.

Trước tình hình đó, UBND xã họp thông báo với dân, vận động nhân dân thực hiện phương châm "Hy sinh lợi ích nhỏ để phục vụ lợi ích lớn, hiến đất nhận công trình". Có tất cả 48 hộ có đất đai, công trình cá nhân liên quan đến thi công cầu và trục đường đi qua đã phá bỏ hàng trăm cây ăn quả đang thu hoạch, di dời hàng chục công trình và hiến gần 7.500 m2 đất.

Trong đó, riêng đất thổ cư bà con đã hiến tới trên 5 ngàn m2, còn lại là đất ao, đất ruộng. Đất thổ cư của bà con người Mường ở đây là một thứ tài sản vô cùng quý giá. Vậy mà, những đảng viên như: Nguyễn Văn Đoàn-Trưởng thôn Ao Luông I; ông Hoàng Văn Thến-nguyên Bí thư Đảng uỷ xã đã gương mẫu đi đầu trong việc hiến cả trăm mét vuông đất thổ cư. Tiếp đến là gia đình các ông: Lương Nhật Thiết sẵn sàng lấp giếng, lùi nhà bếp, nhà đặt máy xay xát; các ông Hà Văn Điến, Hà Văn Tương, Phùng Văn Bun, Nguyễn Văn Hưởng, Hoàng Văn Chiến, Đào Văn Thừa, Hà Văn Tiến... cũng vui vẻ hiến cả trăm mét vuông đất cho công trình. Đặc biệt có ông Hà Văn Lương ở thôn Ao Luông III, đã hiến gần 500 m2 đất đồi vườn, thổ cư cùng 70 cây nhãn đang độ ra hoa. Ngoài ra, thôn Ao Luông I còn nhường cả ngôi nhà sàn văn hoá khang trang, rộng rãi cho đơn vị thi công tạm trú.

Ông Hưng-người lãnh đạo đơn vị thi công công trình cầu đường ở đây cho biết: "Tôi đã đi nhiều nơi trong nước, chỉ huy thi công rất nhiều công trình, nhưng chưa thấy nơi nào việc giải phóng mặt bằng lại thuận lợi như ở đây". Việc giải phóng mặt bằng do các hộ tự làm và chỉ diễn ra trong đúng một tuần, kể từ khi có thông báo của UBND xã.

Ở nhiều nơi, chuyện giải phóng mặt bằng thi công công trình luôn là vấn đề nan giải. Có những người đã không từ cả thủ đoạn làm cả mộ giả, ăn xương máu của những người đã chết để lấy tiền đền bù. Còn tình trạng đòi hỏi tiền đền bù quá cao, chây ỳ di dời, xây vội tường rào, bể nước, trồng cây...để vụ lợi là việc rất phổ biến. Riêng người Mường ở Sơn A (Văn Chấn) thì dám hy sinh lợi ích cá nhân, sẵn sàng hiến đất và tạo mọi điều kiện thuận lợi về nơi ăn ở cho đơn vị đến thi công. Họ đã làm được những điều cao cả ấy, vì họ luôn sống, học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ kính yêu.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Đồng bào các dân tộc thiểu số Yên Bái luôn hướng về Bác Hồ kính yêu. (Ảnh: Quang Tuấn)

YBĐT - Cách đây 50 năm (ngày 25/9/1958), Bác Hồ lên thăm và nói chuyện với nhân dân các dân tộc Yên Bái. Người đặc biệt nhấn mạnh vấn đề đoàn kết các dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục