Những hạt nhân “đỏ” ở Trúc Lâu

  • Cập nhật: Thứ năm, 31/12/2015 | 10:32:53 AM

YBĐT - Xác định vai trò của chi bộ là đặc biệt quan trọng, cán bộ và đảng viên giữ vai trò nòng cốt, quyết định hiệu quả thực hiện các nghị quyết của Đảng, Đảng bộ xã Trúc Lâu, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã quan tâm lãnh đạo, gắn công tác xây dựng Đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Sự tham gia tích cực và gương mẫu của các đảng viên là nhân tố quan trọng thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế ở địa phương…

Bí thư Đảng ủy xã Trúc Lâu - Hoàng Trọng Tuyên (phải) thăm mô hình làm kinh tế giỏi của đảng viên trẻ Nguyễn Anh Thắng - Chi bộ thôn Trung Tâm.
Bí thư Đảng ủy xã Trúc Lâu - Hoàng Trọng Tuyên (phải) thăm mô hình làm kinh tế giỏi của đảng viên trẻ Nguyễn Anh Thắng - Chi bộ thôn Trung Tâm.

Gương mẫu làm kinh tế

Chúng tôi đến thôn Tu Trạng, xã Trúc Lâu và phấn khởi khi được thông tin đây là thôn có nhiều chuyển biến tích cực nhất của xã: tỷ lệ kiên cố hóa giao thông, thủy lợi, nước sạch và vệ sinh môi trường, học sinh đỗ các trường cao đẳng, đại học đều đạt những kết quả tích cực và có nhiều hộ làm kinh tế giỏi.

Trên con đường bê tông dài 3,5 km từ trung tâm xã đến chân núi Con Voi, tôi đã thấy từng đàn trâu béo tròn, thong dong; những đàn vịt bầu trông xa như những dải trắng di động trên cánh đồng lúa qua vụ ăm ắp nước. Tôi hỏi Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Trọng Tuyên:

- Ruộng nhiều, thủy lợi phát triển như vậy, sao bà con không trồng cây vụ ba, đồng chí?

- Cho đất nghỉ đấy! Hai vụ lúa thắng lợi rồi, vụ này dân trồng ngô đồi được lắm. Từ khi làm xong đường giao thông, bà con chỉ việc thu ngô rồi lăn xuống đường là xong. Vả lại, chăn nuôi gia súc kinh tế hơn trồng màu nhiều - đồng chí Bí thư lý giải thuyết phục.

Tôi theo chân đồng chí Bí thư Đảng ủy xã đi thăm một vòng mà ngỡ ngàng khi bắt gặp rất nhiều những ngôi nhà phủ bạt xanh, bên trong là màu vàng xuộm của ngô, nhìn đến lóa mắt. Nhà sàn, nhà gỗ, nhà xây trên lưng đồi, còn dưới bờ ruộng chỗ nào cũng thấy phủ bạt xanh, sự ấm no lấp ló tràn đầy.

- Bác Thành có nhà không? Có nhà báo đến thăm nhé!

- Có đây, mình vừa đi nương về...

Tôi ngắm nhìn ngôi nhà sàn 5 gian khang trang của Bí thư Chi bộ thôn Tu Trạng - Hoàng Trung Thành, dưới gầm sàn ngô đổ tràn đầy, máy tuốt, máy cày, máy bừa, máy tẽ ngô, chuồng trâu, chuồng nhím, ao bèo... - một sự sung túc của nhà nông! Ông Thành quần vẫn xắn lưng gối, chiếc áo còn đẫm mồ hôi, rót chén trà nóng cho chúng tôi rồi phân trần vừa đi thăm nương quế về. Tôi gợi chuyện:

- Bí thư luôn chân, luôn tay thế, còn thời gian nào dành cho công tác chi bộ ạ?

- Có chứ, ngày đi làm, tối vẫn họp. Các đồng chí khác cũng thế mà. Khi triển khai công việc thì cùng trưởng thôn đi vận động từng nhà, lắng nghe ý kiến của nhân dân, chia sẻ tâm tư nguyện vọng của bà con. Vận động nhân dân làm đường giao thông nông thôn thì phải quyết tâm vì dân ở thưa, đường dài, kinh phí đóng góp cao, nhưng nhìn thấy địa phương khác mọi người đi lại thuận tiện, thu hoạch ngô đồi, cây lâm nghiệp không tốn nhiều công sức, ai cũng hiểu, phấn khởi rồi hiến đất, góp công, góp của tham gia làm đường giao thông. Còn mình, là đảng viên, là bí thư thì phải làm trước, làm được, làm giỏi thì bà con mới nghe và làm theo.

Vừa nói, Bí thư Thành vừa đứng lên lấy tập tài liệu cất trong hộc tủ rồi cho biết:

- Việc sinh hoạt chi bộ theo định kỳ được thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, khi có công việc cụ thể từ Đảng ủy, Chi bộ họp và triển khai kịp thời. Trong các cuộc họp, mỗi tháng chúng tôi phải đề ra một nghị quyết cụ thể. Ví dụ như: kế hoạch phát triển kinh tế trong nuôi trâu bán công nghiệp. Chi bộ thông qua, nhất trí 100%, sau đó phân công đảng viên tham gia họp cùng các thôn, tiếp tục triển khai Nghị quyết của chi bộ, cùng bàn bạc giải quyết khó khăn, cùng làm đến cùng cho thành công.

- Chi bộ thôn ai cũng làm giỏi như Bí thư cả chứ ạ?

- Chi bộ chỉ có 6 đảng viên, các đảng viên rất gương mẫu, làm kinh tế giỏi như đảng viên Vũ Thị Yến, Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Hải Khuyến… đều là hạt nhân đi đầu trong phát triển kinh tế VAC cả. Nhân dân nhiều người cũng khá lắm, bà con làm theo đảng viên mà họ theo mình thì mình càng phải cố gắng cô ạ!.

Câu chuyện của Bí thư Thành như nước đun trên bếp củi, càng lúc càng xôm, xua hết cái giá lạnh của cơn mưa chiều đông. Nào là chuyện gia đình anh Nguyễn Văn Kha tích cực chăn nuôi gia súc, trồng ngô, lúa và quế mỗi năm trừ chi phí cũng thu về hàng trăm triệu đồng; là Tu Trạng giờ đã có 20/60 hộ dân trong thôn đã khá giàu.

Tôi nhìn những tấm ảnh trên tường, biết con cái của Bí thư Thành rất trưởng thành, đều đi công tác ở thành phố Yên Bái. Giờ nhà chỉ có 2 vợ chồng nhưng nhưng vụ nào nhà Bí thư cũng thu hoạch được trên 3 tấn lúa, gần 3,5 tấn ngô; trồng, chăm sóc cả một vườn ươm quế; trâu, bò tất thảy 15 con, lại còn nhím, gà, vịt... Thật quá khâm phục!

Rời Tu Trạng, chúng tôi đến với Bản Lẫu, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Trọng Tuyên giới thiệu mô hình đảng viên làm kinh tế rất giỏi cũng là Trưởng thôn Bản Lẫu - ông Nông Văn Cộng.

Với sự năng động, mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp hiện đại, ngoài ra còn mở đại lý phân bón và vật tư nông nghiệp, tổng thu mỗi năm trừ chi phí cũng để ra trên 100 triệu đồng. Ông cũng là người nhiệt tình, trách nhiệm trong các hoạt động phong trào, vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Hai cô con gái của ông đang theo học Đại học Y Thái Nguyên, đó là tấm gương được nhân dân noi theo.

Khi hỏi về chuyện làm kinh tế và tham gia các hoạt động của xã, ông Cộng khiêm tốn: “Mình làm kinh tế trước là vì gia đình, con cái, dòng họ mình, sau còn làm gương để nhân dân trong xã làm theo”.

Trong câu chuyện với Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Trọng Tuyên, ông chia sẻ rất tự hào: “Nếu như, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2011 là 9 triệu đồng thì đến năm 2015 đã tăng gấp hơn hai lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên 15%; tất cả trẻ em trong độ tuổi được đến trường; công tác y tế, khám chữa bệnh được đảm bảo. Đây là sự cố gắng của tập thể cấp ủy Đảng, chính quyền”…

Những đảng viên “09”

"Gốc cội rễ bền" trong làm kinh tế ở nông thôn trước đây thường là những người lớn tuổi, có kinh nghiệm, điều kiện đất đai sẵn có thì nay là sự góp mặt hùng hậu của lớp trẻ. Họ không những biết học hỏi kinh nghiệm của thế hệ đi trước mà còn biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, tận dụng lợi thế tự nhiên phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ...

Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ xã Trúc Lâu kết nạp mới 54 đảng viên, đạt 154% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra. Đó là kết quả thực hiện Đề án số 09 của Tỉnh ủy Yên Bái về “Kết nạp đảng viên là đoàn viên thanh niên giai đoạn 2012 - 2015”. Thành công nhất là những đảng viên đó không chỉ có tuổi trẻ, mà còn là những người có năng lực thực sự, có trình độ, nhiệt tình, trách nhiệm và làm kinh tế giỏi.
Anh Đặng Văn Xuân, sinh năm 1984, ở thôn Khe Giang là đảng viên trẻ mới kết nạp theo Đề án 09 của Tỉnh ủy Yên Bái. 31 tuổi nhưng Xuân có trong tay khối tài sản đáng nể. Ngoài ngôi nhà sàn giá trị, Xuân sở hữu trên 3 ha rừng, hơn 1 ha ngô đồi, chăn nuôi nhiều trâu, lợn, gà vịt.

Đặng Văn Xuân tâm sự: “Em rất tự hào khi được kết nạp vào Đảng, đó là nguồn động viên lớn để mình vượt qua mọi khó khăn, tập trung phát triển kinh tế. Đồng thời, cũng thấy trách nhiệm của mình cao hơn, nỗ lực học hỏi, hàng ngày phải gần gũi nhân dân, tuyên truyền cổ vũ mọi người cùng đoàn kết, xây dựng đời sống văn hoá trên địa bàn và phát triển kinh tế xoá đói, giảm nghèo”.

Trẻ trung, năng động, Nguyễn Anh Thắng sinh năm 1986, cũng lớp đảng viên “09” ở Chi bộ thôn Trung Tâm - cựu sinh viên khoa Tin học, Đại học Sư phạm I (Hà Nội). Thắng đã tận dụng địa thế cạnh đường quốc lộ, vận dụng các kỹ năng làm kinh tế, mỗi năm thu về gần tỷ đồng.

Trong ngôi nhà mới, hiện đại, ông Nguyễn Văn Thân - bố của Thắng tâm sự: “Cũng may, nó là người có chí và sống lạc quan, sau khi tốt nghiệp đại học, cầm tấm bằng đi xin việc khắp nơi không được, nó quay về đề xuất gia đình giúp đỡ một phần kinh phí, phần còn lại vay ngân hàng để mở xưởng sản xuất vật liệu xây dựng, cống bê tông để phục vụ nhu cầu xây dựng của nhân dân trong và ngoài xã. Đến nay, công việc thuận lợi, uy tín sản phẩm ngày được nâng cao, khách hàng đến với xưởng vật liệu ngày một đông, nhiều khi còn cháy hàng”.

Hiện nay, Thắng đã mua thêm một chiếc ô tô 1,5 tấn để chở hàng hoặc cho thuê. Phân xưởng của Thắng còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/ tháng.

Thắng chia sẻ: “Em chỉ nghĩ một điều đơn giản, vào Đảng là để được rèn luyện, giáo dục, từ đó sống và làm việc theo đúng đường lối của Đảng. Dù không làm trong cơ quan Nhà nước, nhưng mình biết vận dụng kiến thức của mình vào cuộc sống, làm giàu cho bản thân và quê hương là mình đã đóng góp phần nhỏ bé của mình vào xây dựng Đảng bộ xã vững mạnh...”.

Đặng Văn Xuân, Nguyễn Anh Thắng chỉ là 2 đảng viên trẻ điển hình trong 9 đảng viên trẻ vừa kết nạp theo Đề án 09 ở Đảng bộ Trúc Lâu. Còn nhiều đảng viên trẻ tuổi khác, như: Hoàng Văn Tuyệt, Nông Thị Thoan, Trịnh Ngọc Thảo ở Chi bộ thôn Bản Pạu; Nguyễn Thanh Hậu - Chi bộ thôn Cửa Khập; Hoàng Văn Hoài - Chi bộ thôn Bản Chang; Trần Tuyết Lan - Chi bộ Trường THCS; Mai Thị Trang - Chi bộ Trường Mầm non... đều là những đảng viên trẻ năng động làm kinh tế giỏi, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động phong trào của xã.

"Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", những đảng viên như Bí thư Hoàng Trung Thành, Trưởng thôn Nông Văn Cộng; đảng viên trẻ Đặng Văn Xuân, Nguyễn Anh Thắng đang là những hạt nhân đi đầu, góp phần làm cho chi bộ tốt, Đảng bộ mạnh ở Trúc Lâu.

Thanh Thủy

Các tin khác
Ông Nguyễn Văn Hinh (đứng giữa) trao đổi cách luyện tập dưỡng sinh với hội viên.

YBĐT - Ông Hinh tâm sự: “Luyện tập và truyền thụ thể dục dương sinh, tôi như tìm được một chân lý sống: sống vì cộng đồng, vì sức khỏe của bản thân và của mọi người”.

Đám cưới của đôi bạn trẻ người Mông ở Trạm Tấu được tổ chức theo nếp sống mới.

YBĐT - Vận động đồng bào không để người chết lâu trong nhà đảm bảo vệ sinh và giảm chi phí ăn uống tốn kém cho con cháu, tiếp đó phải kể đến việc vận động đồng bào Mông thực hiện "ba bỏ" cây thuốc phiện.

Bí thư Đảng ủy xã Sùng A Dê (thứ 2, trái sang) trao đổi về kế hoạch sản xuất đông xuân với lãnh đạo thôn Lìm Mông.

YBĐT - Ở miền xuôi, làm vụ đông xuân là điều đương nhiên trong sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Nhưng ở những địa phương vùng cao như Mù Cang Chải, chỉ quen làm một vụ mùa để có những thửa ruộng vụ đông xuân xanh mạ, vàng bông là cả sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Cô giáo Nguyễn Thị Gấm trong giờ lên lớp.

YBĐT - “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”- đó là đánh giá, cảm nhận của lãnh đạo, bạn bè, đồng nghiệp và học sinh về cô giáo Nguyễn Thị Gấm - giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong, thị trấn Yên Thế (Lục Yên). Chị cũng là tấm gương tiêu biểu “giỏi việc nước, đảm việc nhà” của ngành giáo dục huyện Lục Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục