Về lại Quyết Tiến

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/1/2016 | 10:58:58 AM

YBĐT - Tôi xa quê đã hai chục năm có lẻ. Ngày ấy, quê tôi - Đội 6 (nay là thôn 6B, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên) nghèo lắm! Chẳng có điện, chẳng có đường, xung quanh um tùm chè vè, lau lách. Tuổi thơ chúng tôi là những bữa cơm độn sắn và chuỗi ngày “rơi chữ” trên nương chè, đồi cọ... Ngày trở lại thật nhiều cảm xúc, không chỉ bởi "cảnh cũ, người xưa" mà vì quá ngỡ ngàng trước sự đổi thay của miền đất này!

Cây chanh đang dần trở thành cây chủ lực ở thôn Quyết Tiến.
Cây chanh đang dần trở thành cây chủ lực ở thôn Quyết Tiến.

Dẫn cô bạn đồng nghiệp về nơi mình đã sinh ra mà cứ tưởng đi lạc. Chẳng còn dấu tích những nhà tranh, chè vè, lau lách. Giờ là con đường bê tông phẳng phiu uốn lượn bên những nương chè, những ngôi nhà xây khang trang kiểu biệt thự hai tầng, nối nhau san sát. Tôi đang mê mải, thì có tiếng gọi:

- Có phải Sơn không?

- Vâng, cháu là Sơn, cháu nhìn bác quen quen!

- Cha bố anh, lớn thế rồi cơ à? Không nhận ra bác sao? Bác Ngoan đây, ngày xưa bế anh suốt đấy. Cũng mấy chục năm rồi còn gì!

Bác Ngoan là người quen cũ của gia đình tôi. Trước bác cũng như bố mẹ tôi và bao người khác của khu Nông trường Chè Âu Lâu nghe theo tiếng gọi của Đảng đi xây dựng vùng kinh tế mới. Bác Ngoan bảo, từ ngày gia đình tôi chuyển đi, cuộc sống của mọi người nơi đây đã dần khấm khá hơn. Riêng gia đình bác, con cái đều đã trưởng thành. Bác tuy đã nghỉ hưu, song luôn cảm thấy hài lòng vì chọn vùng đất này để định cư...

Đang mải chuyện, bác Ngoan chợt dừng lời, hỏi tôi: “Cháu có nhìn thấy mấy người đang đi lên kia không? Các ông các bà đều là những người đi công nhân cùng với bố mẹ cháu đấy! Bà đội nón, quàng khăn xanh là bác Kha. Ông mặc áo bảo hộ và cầm cuốc là chú Hải...”.

Câu chuyện với bác Ngoan khiến hồi ức thơ bé trong tôi sống lại. Giờ tôi lại được biết thêm về cuộc sống của mỗi người ở thực tại, chẳng ai giống ai, niềm vui có, nỗi buồn có nhưng với họ mảnh đất này đã thực sự hóa yêu thương.

Thôn chúng tôi, hai mươi năm về trước có tên là Đội 6, Nông trường Chè Âu Lâu, thuộc xã Việt Cường, huyện Trấn Yên. Hồi ấy, cả Đội vỏn vẹn vài chục hộ, chủ yếu là người miền xuôi quê Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định... nghe theo tiếng gọi của Đảng đi khai hoang ở vùng kinh tế mới. Cuộc sống của "dân khai hoang" (theo cách gọi ngày đó) vô cùng khó khăn. Những ngôi nhà tranh tre lọt thỏm giữa đồi rừng, heo hút chè vè, lau lách.  Bố mẹ tôi, cũng như các bác, các cô, chú công nhân nông trường chè, hết "sũng áo" trên nương chè lại về mặt đỏ lựm, nứt nẻ bên những ụ bếp đất sấy chè và những cái nia to đùng phơi sắn độn cơm... 

Ngày ấy, giao thông vô cùng khó khăn, toàn đường mòn. Bác Kha bồi hồi kể: “Từ bến đò Chanh ngoài Yên Bái vào đến đây, phải đi bộ mất gần ngày giời. Vất vả nhưng mọi người đều cưu mang, bảo ban, đoàn kết, động viên nhau định cư, cùng nhau phát nương, vỡ đất trồng ruộng lúa, trồng ngô sắn, rồi đào ao thả cá kiếm kế sinh nhai”.

Tôi còn nhớ, khi vào lớp 1, muốn đến điểm trường tại trung tâm xã Việt Cường chỉ cách chừng 4, 5 cây số mà phải đi xuyên rừng, vượt đồi, lội suối đến Đội 10, qua Đội 7, trượt dốc hơn tiếng đồng hồ mới đến. Sáng 5 giờ dậy, mẹ nắm cơm cho hai chị em, học, ăn tại trường đến tối mịt mới về nhà. Bài vở cũng theo dốc, theo khe chữ được, chữ mất.

Quá khó khăn, bố mẹ phải gửi chúng tôi về quê ngoại Thái Bình và cũng ngày đó tôi xa mảnh đất này. Câu chuyện của chúng tôi chỉ dừng lại khi cô Mai lên tiếng: “Đó là chuyện ngày xưa thôi, chứ hôm nay thôn 6B khác lắm rồi. Cô muốn cháu cùng mọi người xuống nhà bác trưởng thôn. Đây cũng là người rất thân với bố mẹ cháu đấy”.

Ai chứ bác Đỗ Văn Chuyên - Trưởng thôn 6B (Quyết Tiến), xã Việt Cường, huyện Trấn Yên thì chẳng cần mọi người giới thiệu, cũng nhận ra tôi. Lại thêm bác Nguyễn Văn Giao, nguyên là đội trưởng, phó thôn và Đội trưởng Đội sản xuất Quyết Tiến giai đoạn 1981 - 2006. Toàn những đồng nghiệp cũ của bố mẹ tôi. “Thước phim” quay chậm từ những ngày gian khó mà đầy ắp yêu thương. Theo những mốc thời gian ấy, thì sự thay đổi, phát triển đi lên của thôn 6 mới khoảng 10 năm trở lại đây, đặc biệt là từ năm 2010, khi thôn 6 được chia tách thành thôn 6A (Đồng Thiều) và thôn 6B (Quyết Tiến). Thôn 6B là nơi có nhà tôi thời thơ bé.

Từ khi chia tách, bà con thôn 6B được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương tạo điều kiện quan tâm đầu tư, hỗ trợ về giống cây, con; được chuyển giao khoa học kỹ thuật, được hướng dẫn cách phát triển các mô hình sản xuất, thâm canh, tăng vụ. Là thôn có địa bàn rộng, song diện tích trồng chè lại chiếm phần lớn và trực thuộc Công ty Chè Yên Bái. Thực tế cả thôn 6B chỉ có 10 ha ruộng nước thì đã 5 ha là ruộng xấu khó thâm canh và 10 ha rừng, còn lại là mặt nước. Chăn nuôi thì mỗi nhà 1, 2 con lợn chăm cả năm chỉ để dành mổ tết...

Hộ anh Đoàn Ngọc Quân thôn Quyết Tiến, xã Việt Cường (Trấn Yên) phát triển mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa.

Rồi cuộc sống chuyển vần, tư duy con người cũng tự "chuyển" trước cái mới. Đảng ủy, chính quyền chỉ đạo, người dân quyết tâm đổi mới, với toàn bộ 5 ha ruộng xấu, lần đầu tiên nhân dân trong thôn đã thử nghiệm chuyển sang trồng cây chanh tứ thời. Cây chanh trồng xuống gặp đất tốt, quả sai, bán chạy thế là theo nhau, từ 2, 3 hộ trồng rồi dần đến hơn 50 hộ và nay thì chanh tứ thời đã trở thành cây trồng chủ lực của thôn.

Ngoài chanh, bà con còn tranh thủ trồng bồ đề, keo và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá. Những hộ gia đình thuộc khu tập thể Đội 6 cũ cùng bố mẹ tôi ngày ấy lại càng nhanh nhạy. Họ sống với chè, lập nghiệp từ chè lên đã mạnh dạn đứng ra đấu thầu diện tích chè để chăm bón, thu hoạch, sau đó bán lại cho Công ty Chè Yên Bái. Nhà ít thì 2 đến 3 ha, nhà nhiều thì cả chục héc-ta. Vẫn thủy chung với cây chè nhưng cuộc sống của họ đã thực sự “lên đời”. Chú Bắc bảo: “Tính sơ sơ cũng đã có tới 4, 5 gia đình có diện tích chè lớn như: Long Kim, Hải Lê, Mai Quỳnh... toàn từ 10 ha trở lên, chưa kể những nhà có từ 1 - 5 ha thì nhiều lắm. Như nhà Hải Lê, thằng con trai thứ 2 còn mua cả ô tô mấy trăm triệu để vận chuyển và thu mua chè đấy”.

Còn bác Ngoan liệt kê cho biết: “Trồng chanh tứ thời quy mô từ 600 đến 700 gốc có nhà Hoàng Văn Thiện, Đoàn Ngọc Quân, Bồ Xuân Đạo... hàng năm, trảy bán 7 đến 8 lượt với năng suất trên 20 tấn/ năm, trừ chi phí  mỗi năm thu về từ 200 đến 300 triệu đồng. Chăn nuôi phải kể đến các gia đình Đoàn Ngọc Quân, Hoàng Văn Thiện, Hoàng Tiến Sỹ, Trần Văn Công..., quy mô toàn từ 100 đến 200 con. Riêng nhà Quân thì 10 con lợn nái và trên 200 lợn thịt, một năm xuất chuồng trên 30 tấn thịt cho thu nhập sau chi phí cũng gần 300 triệu đồng/năm”.

Bác Kha thêm vào: “Từ chè, chăn nuôi và chanh, nhiều gia đình đã tạo công ăn, việc làm cho khá nhiều người dân nơi đây lúc nông nhàn đấy”... Chẳng thế, thôn 6B có 108 hộ và 350 khẩu mà xe máy, máy giặt, tủ lạnh, ti vi đời mới nhiều nhà có đủ. Bác Chuyên - Trưởng thôn thì cho biết: “Cùng với sự định hướng, chỉ đạo, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, trong năm 2016 này, thôn sẽ tiếp tục tuyên truyền để bà con đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, hình thành các mô hình sản xuất hàng hóa trong đó có cây chè và chanh tứ thời”.

Điều mà mọi người cùng mong muốn là tiếp tục được bê tông hóa con đường vào sâu trong khu vực đội 6 cũ và khu đầm Vân Hội khi tuyến chính đi các thôn đã được hoàn thành để thuận hơn cho việc giao thương. Nhưng so với mươi mười lăm năm trước thì khó khăn giờ đây không đáng kể, những câu chuyện, những sẻ chia về cuộc sống mới trên quê  hương thứ hai của các cô, các bác đã khiến tôi thấy ấm lòng!

Tôi chia tay miền quê ấy với những cái bắt tay thật chặt, những lời hỏi thăm, gửi gắm tới bố mẹ tôi của các cô, các bác khiến tôi thật sự xúc động bởi cái tình, cái nghĩa nghĩa của những người công nhân chè ngày nào. Trong đó cô Xuân còn nhắn nhủ: “Hỏi mẹ cháu xem có còn nhớ câu thơ: “Xuân Sang Hoa Đào Mai Nở/ Thâm Thì Ngắn Rụt Lại Xòe Lên” không nhé!”.

Cô Xuân vừa đọc xong thì tất cả đều cười vang, thì ra đó là câu thơ được ghép bởi tên của tất cả các nữ công nhân nông trường ngày ấy. Thật thú vị bởi sự lạc quan và yêu đời của thế hệ đi trước. Trên đường hướng về thành phố, qua gò cọ (ngã ba hướng về Đội 6 cũ), tiếng tập đọc i tờ của các cháu tiểu học vang vang từ ngôi trường khang trang, tôi bồi hồi nhớ lại tuổi thơ  "khoai sắn" và tự dưng buột miệng với cô bạn đồng nghiệp: “Quyết Tiến đã tiến xa thật rồi!”.

Ngọc Sơn - Thanh Chi

Các tin khác
Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng tỷ lệ học sinh tại điểm trường Háng Gàng luôn đạt cao.

YBĐT - “Có công mài sắt có ngày nên kim”, vượt bao khó khăn vất vả, công sức, mồ hôi và nước mắt các thầy giáo, cô giáo đang ngày đêm “gieo chữ” ở Háng Gàng đã gặt hái những thành công.

Lễ trao giải thưởng Lương Định Của là hoạt động nổi bật của Festival Thanh niên nông thôn toàn quốc lần thứ Nhất.

YBĐT - Một con đường đi riêng, khó khăn cũng niềm riêng nhưng với Nguyễn Văn Thắng, Hà Văn Cường, Hà Quang Hành vẫn có những điểm chung. Những điểm chung ấy đã quyết định thành công của họ ngày hôm nay. Trước hết, đó là sự mạnh dạn, tự tin, không ngại việc mới.

Đoàn viên Nguyễn Việt Thắng, xã Y Can, huyện Trấn Yên là điển hình phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá.

YBĐT - Họ đều thuộc thế hệ 8X. Họ đều tham gia công tác Đoàn. Họ đều là những thanh niên mang trong mình khát vọng làm giàu chính đáng, trước hết cho chính bản thân.

Thi giã bánh dày của đồng bào dân tộc Mông trong dịp tết Nguyên đán.

YBĐT - 5 năm trước, lên Mù Cang Chải vào tháng 12 tôi đã say chất ngất bởi men rượu ngô, bởi bát thắng cố, bởi phố chợ ồn ào, náo động mua sắm đón tết và tiếng cụng ly, tiếng vòng bạc, xà tích quấn quanh váy áo các mẹ, các chị vang lên giữa các quán phở nóng, bên chân ngựa đợi đón chồng về...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục