Tết này ở Mù Cang Chải
- Cập nhật: Thứ ba, 12/1/2016 | 9:47:34 AM
YBĐT - 5 năm trước, lên Mù Cang Chải vào tháng 12 tôi đã say chất ngất bởi men rượu ngô, bởi bát thắng cố, bởi phố chợ ồn ào, náo động mua sắm đón tết và tiếng cụng ly, tiếng vòng bạc, xà tích quấn quanh váy áo các mẹ, các chị vang lên giữa các quán phở nóng, bên chân ngựa đợi đón chồng về...
Thi giã bánh dày của đồng bào dân tộc Mông trong dịp tết Nguyên đán.
|
Năm nay khác hẳn. Tôi vẫn say, nhưng là say cái say của sự đoàn kết dân tộc, của tình làng nghĩa xóm ấm nồng bên những tràn ruộng xâm xấp nước ở các xã khu bốn, bên những đon mạ bé xinh đang chờ tay người xuống cấy, say mùi lưu huỳnh trong suối nước nóng bốc hơi nghi ngút giữa trời đông của người Mông, người Thái mãi Làng Minh, xã Nậm Khắt và màu xanh non trải dài trên ruộng thí điểm trồng lúa mì, khoai tây của các trưởng bản, già làng tiên phong gương mẫu đi đầu...
Thế mới biết, ở vùng cao không có chủ trương, nghị quyết nào hay và nhanh đi vào cuộc sống mà không có sự vào cuộc đồng bộ, nhiệt tình của cả hệ thống chính trị cơ sở. Đây là năm thứ 5, đồng bào Mông ở Mù Cang Chải thực hiện ăn chung một tết Nguyên đán cùng cả dân tộc theo chủ trương của tỉnh, cũng là một trong những thành công lớn của Đảng bộ huyện trong nhiệm kỳ 2011 - 2015. Ăn chung một tết, lệch thời gian so với tết Mông của đồng bào đúng 1 tháng.
1 tuần sau ăn tết, bà con phải có mặt ngoài đồng để tháo nước ra ruộng, đảm bảo cho lịch đông xuân đúng kế hoạch. Nói là vậy, nhưng làm là cả vấn đề, bởi tết của đồng bào Mông được bắt đầu từ tháng 12 Âm lịch đã là phong tục bao đời. Bởi làm lúa nước một vụ với tập quán tự cung, tự cấp đã ăn sâu trong suy nghĩ đồng bào nên từ con người cho tới cái cày, cái cuốc, con trâu đều được nghỉ đón tết. Tháng 12, nếu con cái đi học chưa về thì phong tục của tổ tiên, ông bà, cha mẹ vẫn phải làm tết, đứa nào nhớ tết, muốn ăn tết có thể "bỏ học về một tí cũng không sao". Những đứa chăm hơn thì cứ học cũng được, rồi đến tết Nguyên đán “của người Kinh”, cô giáo cho nghỉ, về nhà gia đình lại mổ lợn ăn sau.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải trao đổi kỹ thuật cấy lúa xuân với nông dân.
Đồng chí Giàng A Tông - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải tâm sự: "Năm 2011 bắt đầu thực hiện chủ trương ăn chung một tết, bà con đã hỏi tôi khi đó đang làm Chủ tịch huyện: Cháu làm thế có được không? Phong tục bao đời của dân tộc mình chả lẽ giờ phá vỡ? Số hiểu biết hơn lại thắc mắc: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) bảo giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa cơ mà? Vậy là cả hệ thống chính trị cùng phải vào cuộc để tuyên truyền, vận động giúp bà con thấy cái lợi, cái thiết thực với cuộc sống và thấy chủ trương của tỉnh là đúng đắn. Đặc biệt, phải gắn việc tuyên truyền ăn chung một tết với vận động bà con làm vụ đông xuân vì tết Mông hàng năm trùng vào lịch gieo cấy".
Nhờ quyết tâm đó của huyện nên từ năm thứ hai trở đi, 100% số hộ đồng bào Mông ở Mù Cang Chải đều tự giác thực hiện ăn chung một tết và làm vụ đông xuân.
Đồng chí Mùa A Tòng - Bí thư Đảng ủy xã Púng Luông bộc bạch: Để chủ trương của tỉnh đi vào cuộc sống, xã phải thành lập ban chỉ đạo sản xuất đông xuân rất cụ thể. Phải khẳng định, chủ trương của tỉnh, của huyện đã mang đến thắng lợi lớn về kinh tế cho xã". Được biết, Púng Luông là một trong những xã làm vụ đông xuân sớm (từ năm 2009) nhưng chỉ gieo cấy 5 ha ở bản Nả Háng A và Nả Háng B. Đến vụ thứ hai bà con thực hiện ăn chung một tết, dành thời gian cấy lúa nước nên diện tích đã tăng gấp ba lần. Năm 2014, xã làm 60 ha, năng suất đạt trên 43 tạ/ha và vụ đông xuân năm nay diện tích gieo cấy của xã tăng lên 75 ha, chủ yếu bằng các giống ĐS-1 và Nhị ưu 838...
Đi đầu làm vụ đông xuân của xã là các ông: Lù Vàng Phà - già làng bản Nả Háng B, Mùa Vàng Phử - già làng bản Nả Háng A, Lù Sáng Chu (A) - già làng bản Púng Luông. Ông Giàng Thào Páo - một hộ dân ở bản Nả Háng B kể: "Bà con trong xã còn học cách làm lúa đông xuân từ chính bố đẻ của Bí thư Huyện ủy ở xã La Pán Tẩn. Dân xã đó làm trước, chúng tôi được vận động nên cũng cấy lúa đông xuân cho năng suất trên 40 tạ. Giờ không phải cứu đói nữa, dân phấn khởi lắm - đồng chí Mùa A Tòng phấn khởi cho biết thêm.
Trước đây, cũng vào thời điểm này người Mông ở Mù Cang Chải đang nô nức chuẩn bị đón tết dân tộc. Khắp các bản làng vùng cao, phụ nữ Mông tập trung khâu váy, áo tới quên ăn, còn đàn ông vào rừng lấy củi, xuống chợ mua sắm dầu, muối, hàng hóa, chuẩn bị mổ lợn. Giống như ngày xưa, nếu ở miền xuôi cứ nghe tiếng pháo nổ là tết bắt đầu về, với đồng bào Mông trên Mù Cang Chải cũng vậy. Chỉ một tiếng lợn kêu cuối bản, chừng nửa giờ sau là cả bản, cả thôn râm ran giết lợn đón tết. Trung bình mỗi hộ cũng có 1 con lợn để mổ, hộ khá giả thì mổ lợn to, không có thì mổ lợn nhỏ. Tết của đồng bào Mông xong lại vào tết cổ truyền của dân tộc.
Phiên chợ tấp nập, hàng hóa đa dạng, phong phú, nhiều trò chơi, lễ hội diễn ra, con, cháu được nghỉ học về nhà, thế là phần lớn gia đình lại tiếp tục cùng tiếng nhạc ngựa xuống chợ vui đón tết chung. Tiếp đến là đám cưới, là rằm tháng Giêng... càng không thể vắng mặt, không thể không uống say. Vì vậy, ngoài những tổn thất về tinh thần, vật chất do một số người dân uống rượu, bia tham gia giao thông gây ra còn tổn thất lớn hơn về kinh tế do vui tết dân tộc sớm mà ở hầu hết các xã nhiều cánh đồng bị bỏ trống từ tháng 10 năm trước tới tháng 4 năm sau. Tính trung bình một xã có từ 45 - 50 hộ phải trợ cấp cứu đói/ năm. Tỉnh trợ cấp, huyện cũng mở kho lương thực cho vay từ 35 - 40 tấn thóc, bản nhiều nhất phải vay từ 15 - 18 tấn, bản ít nhất cũng từ 7 - 8 tấn lương thực/ năm.
Cây khoai tây và lúa mì trồng thử nghiệm ở thôn Làng Minh xã Nậm Khắt (Mù Cang Chải) phát triển tốt.
Tết này, người Mông ở Mù Cang Chải bước sang năm thứ 5 thực hiện ăn chung một tết Nguyên đán của dân tộc nên không khí thi đua lao động sản xuất vẫn sôi nổi khắp các cánh đồng bản trên, thôn dưới. Diện tích lúa toàn huyện tăng từ 1.300 ha vụ đông xuân 2014 - 2015 lên 1.500 ha, năm 2015 - 2016, đảm bảo hoàn thành đúng kế hoạch gieo cấy vào 25/12 để cùng ăn tết chung với các dân tộc anh em.
Anh Thào A Cheo - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Nậm Khắt chia sẻ: "Ăn chung một tết vừa vui vừa tiết kiệm được tiền bạc, thời gian của dân mà vẫn làm được lúa đông xuân, không lo bị đói ăn lúc giáp hạt. Vui tết chung, người Mông còn được xem nhiều trò chơi dân gian ngày tết rất hay của người Thái, người Kinh, người Tày". Năm nay, từ nguốn vốn 30a hỗ trợ về phân bón và giống, ngoài diện tích hơn 1.000m2 cây khoai tây, xã đã đưa vào trồng thử nghiệm mỗi bản 2 ha lúa mì. Còn 3 bản: Làng Minh, Làng Sang và Pú Cang có nhiệt độ ấm hơn, tập trung làm đất gieo cấy 45ha lúa đông xuân.
Niềm vui tràn ngập niềm vui và nối dài khắp cánh đồng từ Nậm Có, Cao Phạ, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn tới Hồ Bốn, Lao Chải, Kim Nọi... Những ánh mắt, nụ cười và câu mời: cấy xong cùng đụng lợn ăn tết chung, cùng thổi xôi, giã bánh dày và đi xem hội Gầu Tào của người Mông, người Thái trên đỉnh non cao ấy những ngày cuối đông cứ dặt dìu theo tiếng khèn, tiếng sáo của anh bạn người Mông cùng tôi qua đèo Khau Phạ về thành phố. Phía sau, những nụ hoa Tớ Dày đã ngập tràn phố núi. Một mùa xuân mới đang về!
Thanh Hương
Các tin khác
YBĐT - Không phải đợi đến khi "rinh" giải Nhất về trường, thầy cô và bạn bè mới biết tới Minh Hoàng - Khánh Huyền bởi 2 bạn đều là những “cao thủ” văn ôn võ luyện.
YBĐT - Xác định vai trò của chi bộ là đặc biệt quan trọng, cán bộ và đảng viên giữ vai trò nòng cốt, quyết định hiệu quả thực hiện các nghị quyết của Đảng, Đảng bộ xã Trúc Lâu, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã quan tâm lãnh đạo, gắn công tác xây dựng Đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Sự tham gia tích cực và gương mẫu của các đảng viên là nhân tố quan trọng thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế ở địa phương…
YBĐT - Ông Hinh tâm sự: “Luyện tập và truyền thụ thể dục dương sinh, tôi như tìm được một chân lý sống: sống vì cộng đồng, vì sức khỏe của bản thân và của mọi người”.
YBĐT - Vận động đồng bào không để người chết lâu trong nhà đảm bảo vệ sinh và giảm chi phí ăn uống tốn kém cho con cháu, tiếp đó phải kể đến việc vận động đồng bào Mông thực hiện "ba bỏ" cây thuốc phiện.