Con đường khởi nghiệp của Trần Văn Tuấn
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 10:57:45 AM
YBĐT - Cuối cùng thì anh cũng tìm thấy điều yêu thích, khơi lên lòng đam mê cho mình trên bước đường của một doanh nhân. Có thất bại, có thành công, còn thử thách nhưng quan trọng hơn, đam mê sẽ trở thành động lực cho Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hoàng Phát (thị xã Nghĩa Lộ), người vừa nhận danh hiệu “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2015” vững bước trên bước đường khởi nghiệp.
Anh Trần Văn Tuấn (giữa) tại Lễ trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2015.
|
Thân thiện, cởi mở là điều đầu tiên tôi thấy ở anh trong lần đầu gặp gỡ nhưng nếu chỉ thế thôi thì đương nhiên chưa đủ để anh trở thành một trong bốn doanh nhân của Yên Bái, một trong một trăm doanh nhân của cả nước nhận danh hiệu "Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc" năm 2015.
Cứ mạnh dạn bước đi, rồi bạn sẽ thành công - tôi đã đọc ở đâu đó câu này, cũng nghe nó khá nhiều trong cuộc sống. Với Tuấn, mạnh dạn - có thể nào thiếu được điều này? Chắc chắn không, từ những quyết định đầu tiên trên con đường tìm hướng đi cho mình, bắt đầu từ việc từ bỏ. Ấy là chuyện từ bỏ một "lối mòn" của con đường lập thân, lập nghiệp như bao người. Tốt nghiệp Cao đẳng Giao thông Vận tải, anh từng làm trong doanh nghiệp nhà nước đến bốn, năm năm.
Trong những năm tháng theo học lên Đại học Giao thông - Vận tải Hà Nội hệ vừa học vừa làm, anh đã quyết định từ bỏ con đường tiếp tục là một nhân viên trong doanh nghiệp nhà nước. "Điều kiện kinh tế lúc ấy với tôi khá khó khăn, lương không đủ trang trải học hành. Tôi quyết định bỏ công ty mà bấy lâu gắn bó để làm cho một doanh nghiệp tư nhân với nhiều ưu đãi hơn, trước hết là để có thể phục vụ học tập, cuộc sống" - anh chỉ nói vậy về quyết định ngày ấy. "Đó đúng là lý do sát sườn và chính thức nhưng chưa hẳn là tất cả".
Anh cười không phủ nhận trước điều tôi đưa ra: "Có lẽ vậy, thú thực cũng là để tìm kiếm cơ hội bứt phá sau này nữa". Thế mới đúng và đủ chứ! Từ bỏ một lối mòn an toàn, bình thường đến bình lặng, có lẽ ngay những năm tháng đó, anh chưa rõ rồi đây con đường mình đi sẽ ra sao, chỉ le lói bốn từ "cơ hội bứt phá" trong suy nghĩ song đó là sự mạnh dạn khởi đầu cho mọi sự mạnh dạn sau này.
Không phải chờ đợi quá lâu cho một sự mạnh dạn tiếp theo, chỉ hai năm sau ngày rời doanh nghiệp nhà nước, năm 2005, anh đã thử sức mình trong một vai trò mới: “Làm thuê” cho chính mình - giám đốc điều hành công ty do chính anh lập ra, chuyên về xây dựng cầu đường, giao thông, thủy lợi và công trình dân dụng với số vốn khởi nghiệp hoàn toàn từ vay mượn. Nhưng thời điểm này, quyết định này đi cùng với sự mạnh dạn này của anh là một sự mạnh dạn có tính toán, và đó là những tính toán có được từ nhạy bén thị trường.
Xây dựng rõ ràng là chuyên môn được đào tạo và đã có cả thực tế của anh, cộng với thời điểm cho cơ hội đầu tư như anh nhận thấy: "Thời kỳ này, Yên Bái đang tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa. Tôi nghĩ làm về xây dựng khá thích hợp". Sự mạnh dạn song hành cùng nhạy bén thị trường khi đó đã mang lại cho anh những thành công nhất định trên bước đầu khởi nghiệp. Công ty của anh đã có những khoảng thời gian làm ăn rất thuận lợi và hiệu quả, phần vì nhu cầu thị trường, phần vì chất lượng, uy tín tạo dựng được.
Khởi nghiệp là "đãi vàng trong sự rủi ro". Bước đầu khởi nghiệp, anh đã từng "đãi được vàng" và rồi cũng không tránh khỏi rủi ro. "Khó khăn căn bản là việc công ty hoạt động bằng vốn vay trong khi các công trình nhận thầu thi công sau này rót vốn chậm" - anh lý giải về giai đoạn khó khăn gặp phải sau đó. Chưa hết, đó cũng là thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, Chính phủ cắt giảm đầu tư công; người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, lãi suất tăng cao… khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn lớn, thậm chí phá sản. Công ty của anh cũng không tránh khỏi vòng xoáy này. Bản lĩnh trong khó khăn - điều người ta cần thấy ở một doanh nhân. Chính trong khó khăn, Trần Văn Tuấn mới hiểu hơn bản thân mình.
"Không từ bỏ, không thể từ bỏ" - những suy nghĩ ấy luôn thường trực trong anh thời điểm ấy. Và lúc này, bản lĩnh cùng sự nhạy bén thị trường đã đưa anh đến quyết định lập Công ty Hoàng Phát ban đầu kinh doanh về xăng dầu và thức ăn gia súc năm 2010 khi thấy nhu cầu về mặt hàng này ở thị trường vùng cao bắt đầu phát triển, để vừa duy trì việc kinh doanh vừa tìm cách vượt qua giai đoạn khó khăn, tìm kiếm cơ hội mới.
“Nắm vững cơ hội, ngôi sao thành công sẽ luôn tỏa sáng” - cơ hội là không thiếu cho những doanh nhân nhanh nhạy với thị trường. Đúng vậy, vẫn là một sự nhạy bén với thị trường - yếu tố cần thiết, vô cùng cần thiết của một doanh nhân và lần này nó đem đến cho anh cơ hội mới mang tên "gạch không nung". "Dùng gạch không nung trong xây dựng bắt đầu trở thành xu hướng. Hơn nữa, lại có các quy định bắt buộc dùng gạch không nung trong các công trình xây dựng có vốn nhà nước đầu tư, thêm cơ sở cho gạch không nung trở thành nhu cầu lâu dài của thị trường xây dựng" - những nhận định ấy của anh đồng hành cùng quyết định đầu tư vào sản phẩm gạch không nung được cả Hội đồng Quản trị công ty nhất trí.
Đó là thời điểm năm 2014. Không chỉ là sự mạnh dạn như ngày nào mà còn là sự táo bạo "xông vào khoảng trời mới" ở anh khi số vốn huy động lên đến mấy tỷ đồng dồn cả vào đầu tư sản xuất gạch không nung, song đó là sự táo bạo đơm nảy từ ý tưởng hằng ấp ủ, từ những dự báo có cơ sở, từ quyết tâm dám nghĩ dám làm: "Ý tưởng về gạch không nung nung nấu trong tôi suốt từ năm 2008.
Nhà máy sản xuất gạch không nung của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hoàng Phát có công suất
10 triệu viên/năm.
Yên Bái có sẵn nguồn nguyên liệu đá mạt, xi măng cũng dồi dào. Sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu - tại sao không? Năm 2010, Chính phủ ra Quyết định số 567 về Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020. Tôi cứ ấp ủ, ấp ủ mãi và tự nhủ nhất định phải làm!". Và anh đã làm, hết sức mình, như đã từng ấp ủ, để nhà máy sản xuất gạch không nung đầu tiên ở miền Tây Yên Bái, thứ hai trong toàn tỉnh, rộng hơn 1ha, công suất 10 triệu viên/năm hình thành trên địa bàn xã Nghĩa Phúc (thị xã Nghĩa Lộ) bắt đầu cho ra sản phẩm từ cuối năm 2014.
Khá ngại ngần khi nhắc tới hành trình khởi nghiệp nhưng nói chuyện gạch không nung, anh say sưa lắm! Chả thế mà dù nhà máy vừa mới đi vào sản xuất nhưng sản phẩm đã rất đa dạng, từ chịu lực cao, đến cách âm, cách nhiệt tốt, phục vụ các công trình lớn đến phù hợp với các công trình dân dụng nhỏ. Đặc biệt, anh đã sớm nghiên cứu cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, cho ra đời sản phẩm gạch không nung phù hợp với công trình dân dụng nhỏ lẻ, với những ưu điểm: kích thước gấp đôi gạch tiêu chuẩn nhưng nhẹ hơn, chắc hơn, lại rẻ hơn gạch đỏ truyền thống nên phù hợp với nhu cầu của người dân, bước đầu được người dân lựa chọn, ưu chuộng.
Trong những say sưa, hào hứng về gạch không nung xi măng cốt liệu, thấy cả một niềm hứng khởi, hài lòng ở anh khi nói về ích lợi môi trường, như việc tận dụng đá mạt góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ phế thải rắn trong khai thác khoáng sản, không làm mất đất sản xuất nông nghiệp như sản xuất gạch đỏ truyền thống. Có lẽ, những giá trị phi lợi nhuận ấy gia tăng thêm niềm đam mê với gạch không nung trong anh, chả thế mà anh cứ hằng ấp ủ.
Ý thức môi trường là nền tảng cho những doanh nhân không chỉ biết đến lợi nhuận, là điểm cộng cho uy tín sản phẩm, là giá trị cho ta thêm trân quý họ. Và danh hiệu sản phẩm “Thương hiệu vàng công nghiệp Việt Nam năm 2015" (do Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng phối hợp với Cục Công nghiệp địa phương tổ chức bình chọn) mà gạch không nung Hoàng Phát đạt được dù vừa mới đi vào thị trường đã nói lên giá trị của sản phẩm chứa đựng nhiều tâm huyết của doanh nhân Trần Văn Tuấn, tiếp thêm động lực cho anh cùng nhà máy bước qua giai đoạn khởi đầu, xác lập chỗ đứng vững vàng trong thị trường xây dựng.
Sản xuất gạch không nung không chỉ là hiện thực hóa ý tưởng về một sản phẩm mà mình yêu thích mà còn là lựa chọn cho một con đường trên thương trường của anh: con đường kinh doanh sản xuất. Mỗi một lựa chọn đều có lý do của người chọn lựa. "Tôi đã luôn muốn và luôn nghĩ trước sau gì cũng sẽ phải đầu tư vào kinh doanh sản xuất chứ không phải kinh doanh thương mại. Bởi đó là cơ hội cho tôi có thể góp phần tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người khác". Làm việc cho mình và cho cả người khác - ý thức xã hội của những doanh nhân như thế thật đáng trân quý, trân quý hơn cả những danh hiệu mà anh đạt được trên con đường khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng.
Danh hiệu “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2015 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ Sao Đỏ tổ chức lần đầu tiên, xét trao tặng những doanh nhân trẻ xuất sắc tuổi không quá 45 có doanh nghiệp được thành lập và hoạt động dưới 10 năm, có thành tích xuất sắc trong quản lý, điều hành doanh nghiệp, tích cực tham gia công tác xã hội, phát triển cộng đồng, là những tấm gương tiêu biểu cho doanh nhân trẻ và thanh niên noi theo. |
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Từ các xã vùng ngoài như Đại Lịch, Nghĩa Tâm, Bình Thuận đến các xã vùng trong như Thanh Lương, Thạch Lương và các xã vùng cao như Sùng Đô, Nậm Mười, Nậm Lành, Gia Hội, Tú Lệ… đâu đâu cũng thấy những ngôi nhà xây, nhà bán kiên cố.
YBĐT - Từ một vùng đất bị vắt kiệt sức sống đến hoang tàn, đổ nát sau “cơn sốt” đá đỏ, bãi Nước Ngập (hay còn gọi là khu vực tự quản Nước Ngập, thuộc tổ 12, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên) đã trỗi dậy, hồi sinh mạnh mẽ.
YBĐT - Giám đốc được tôn vinh là nữ doanh nhân tiêu biểu, tốp 100 nữ doanh nhân tri thức thành đạt chính là Dược sĩ Hoàng Thị Bình - Giám đốc Công ty cổ phẩn Dược phẩm Yên Bái (Ypharco).
YBĐT - Khi nói đến vùng cây ăn quả có múi, người dân Yên Bái thường nhắc đến cam Đường canh, quýt sen (Văn Chấn), cam sành (Lục Yên), bưởi Đại Minh (Yên Bình). Thế nhưng còn một nơi mà loại cây này đang phát triển, chất lượng cũng như hình thức được người tiêu dùng ưa chuộng đó là vùng cây ăn quả của huyện Trấn Yên.