Trấn Yên phát triển vùng cây ăn quả có múi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/1/2016 | 3:12:23 PM

YBĐT - Khi nói đến vùng cây ăn quả có múi, người dân Yên Bái thường nhắc đến cam Đường canh, quýt sen (Văn Chấn), cam sành (Lục Yên), bưởi Đại Minh (Yên Bình). Thế nhưng còn một nơi mà loại cây này đang phát triển, chất lượng cũng như hình thức được người tiêu dùng ưa chuộng đó là vùng cây ăn quả của huyện Trấn Yên.

Mô hình trồng cam sành, cam V2 của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ (trái) ở thôn 7 xã Vân Hội (Trấn Yên) năm 2015 cho thu nhập trên 200 triệu đồng.
Mô hình trồng cam sành, cam V2 của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ (trái) ở thôn 7 xã Vân Hội (Trấn Yên) năm 2015 cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Những ngày giáp tết Nguyên đán Bính Thân 2016, chúng tôi có dịp về xã Hưng Thịnh là một trong những xã có diện tích cây ăn quả lớn nhất huyện Trấn Yên. Đến thăm mô hình cây ăn quả của vợ chồng anh Phạm Thanh Toàn ở thôn Yên Bình chúng tôi cảm phục ý chí quyết tâm cải tạo diện tích đất đồi, vườn tạp sang trồng các loại cây ăn quả có múi của anh chị. Vườn cây ăn quả của anh với những gốc cam Vinh, cam Đường canh, cam V2, bưởi Diễn và bưởi đào đương vào độ chín.

Thời điểm này, là lúc những xe ô tô lớn, nhỏ của tư thương tấp nập vào ra. Anh Toàn tâm sự: “Diện tích này trước đây là khe đồi gia đình trồng chè, quế nhưng hiệu quả cũng không cao. Sau lần cùng bạn bè vào thị trấn Nông trường Trần Phú chơi và được tham quan các mô hình cây ăn quả ở đây tôi thấy chất đất ở địa phương mình cũng giống chất đất ở đây mà cùng công sức, đồng vốn đấy nhưng thu nhập từ những cây ăn quả cao hơn rất nhiều nên về nhà tôi bàn với gia đình phá bỏ hết diện tích chè, thuê máy xúc về cải tạo lại đất và trồng các loại cây ăn quả có múi. Giờ nhìn thấy vườn cây sai trĩu quả, giá cả thì ổn định tôi rất vui vì công sức của mình được đền đáp bằng những mùa quả ngọt bội thu”.

Là hộ đi đầu trong việc chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có múi  nên anh Toàn đã gặp không ít khó khăn trong quá trình trồng và chăm sóc cây. Để đạt được thành công này, anh chịu khó học hỏi từ bạn bè, mày mò qua sách vở và học hỏi kỹ thuật từ cán bộ khuyến nông, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện…

Hiện nay, với gần 4 ha cam, bưởi đang cho thu hoạch gia đình anh Toàn thu về gần 1 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2016 này, anh Toàn tiếp tục mở rộng diện tích để đăng ký tham gia dự án trồng cây ăn quả có múi do huyện triển khai bằng nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh. Tham gia dự án, gia đình anh được hỗ trợ 100% giống. Cùng với đó, anh Toàn đã mạnh dạn đầu tư 50 triệu đồng thuê nhân công, máy móc cải tạo san gạt mặt bằng, nạo vét ao chứa nước tưới, làm đường kéo ống dẫn nước để phục vụ tốt hơn cho công tác chăm sóc, tưới tiêu.

Đồng chí Nguyễn Gia Hồng - Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh cho biết: “Cây ăn quả ở xã đã phát triển nhiều năm nay nhưng manh mún, nhỏ lẻ, người dân chủ yếu trồng để phục vụ gia đình là chính chứ chưa nghĩ đến phát triển hàng hóa. Nhận thấy loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương mà lại cho hiệu quả kinh tế cao nên năm 2012, Đảng ủy xã có nghị quyết về phát triển cây ăn quả có múi. Đặc biệt, được sự quan tâm, hỗ trợ của huyện, trực tiếp là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phong trào trồng cây ăn quả có múi ở địa phương đã được đẩy mạnh”.

Được biết, hiện nay xã Hưng Thịnh có gần 100 ha cây ăn quả, trong đó có 58 ha đang cho thu hoạch chủ yếu ở 4 thôn là: Yên Bình, Yên Phú, Yên Thịnh và thôn Trực Chính. Toàn xã có 150 hộ tham gia trồng cây ăn quả có múi với diện tích từ 0,3 ha trở lên. Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi, người dân được các cán bộ nông nghiệp huyện tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên các loại cây ăn quả của xã phát triển tốt, ít bị sâu bệnh hại cho sản lượng và chất lượng quả tốt. Nhờ đó, sản phẩm được các thương lái đến tận nơi thu mua với giá trung bình 35 ngàn đồng/kg đối với cam, quýt và 16 ngàn đồng/ quả đối với bưởi.

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa, trồng chè và các loại cây trồng khác sang trồng cây ăn quả có múi nên đến nay, đời sống của người dân xã Hưng Thịnh huyện Trấn Yên đã được cải thiện. Trong năm 2015, sản lượng cây ăn quả có múi toàn xã đạt trên 700 tấn, cho thu nhập gần 15 tỷ đồng. Để tiếp tục mở rộng diện tích, tận dụng các diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả khác để trồng cây ăn quả có múi, trong năm 2016 này xã trồng mới 30 ha. Để đạt hiệu quả kinh tế cao, xã vận động bà con trồng, chăm sóc cây đúng kỹ thuật, đảm bảo tuyệt đối về an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tạo và giữ vững uy tín trên thị trường.

Thực tế, những năm gần đây nhận thấy cây ăn quả có múi là loại cây phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu nhiều địa phương của huyện Trấn Yên đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa, chè và các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có múi.

Trong năm 2015, toàn huyện phát triển trồng mới 52,6 ha cây ăn quả có múi, trong đó hỗ trợ theo chính sách của tỉnh 34,7ha, nâng diện tích cây ăn quả có múi toàn huyện lên gần 210 ha. Sản lượng quả các loại năm 2015 đạt 3.528 tấn, tăng 279 tấn so với năm 2014. Từ diện tích cây ăn quả này đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, tạo điều kiện cho nhiều hộ dân vươn làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình. Huyện Trấn Yên hiện có 7 xã tham gia trồng cây ăn quả có múi chủ yếu là cam và bưởi. Trong đó tập trung ở 1 số xã như Hồng Ca, Hưng Thịnh, Hưng Khánh, Việt Cường...

Đến nay, diện tích cây ăn quả có múi của huyện đều phát triển với năng suất và chất lượng quả tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Huyện cũng đang theo dõi mô hình trồng thử nghiệm giống cam Sành không hạt tại xã Hưng Thịnh với quy mô 0,5 ha. Đến nay, diện tích cam trồng thử nghiệm đã phát triển tốt và đang cho thu hoạch.

Việc đầu tư chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi để vươn lên làm giàu của nhiều hộ dân ở một số địa phương trong huyện Trấn Yên thời gian qua đã chứng minh các loại cây này rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Hy vọng rằng cùng với vùng chè, vùng tre măng Bát độ, thời gian tới huyện Trấn Yên sẽ hình thành một vùng cây ăn quả có múi hiệu quả cao góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Hồng Duyên

Các tin khác
Anh Hoàng Huy Tuấn vinh dự được Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Dương Văn Thống tặng bằng khen lại Lễ Tuyên dương 10 công trình, 10 gương mặt thanh thiếu nhi tiêu biểu tỉnh Yên Bái năm 2015.

YBĐT - Tại Lễ Tuyên dương 10 công trình, 10 gương mặt thanh thiếu nhi tiêu biểu tỉnh Yên Bái tổ chức cuối tháng 12 năm 2015, Hoàng Huy Tuấn - chàng trai trẻ sinh năm 1987 đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng mọi người thông qua việc lập thân, lập nghiệp bằng lối đi riêng của mình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Cây chanh đang dần trở thành cây chủ lực ở thôn Quyết Tiến.

YBĐT - Tôi xa quê đã hai chục năm có lẻ. Ngày ấy, quê tôi - Đội 6 (nay là thôn 6B, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên) nghèo lắm! Chẳng có điện, chẳng có đường, xung quanh um tùm chè vè, lau lách. Tuổi thơ chúng tôi là những bữa cơm độn sắn và chuỗi ngày “rơi chữ” trên nương chè, đồi cọ... Ngày trở lại thật nhiều cảm xúc, không chỉ bởi "cảnh cũ, người xưa" mà vì quá ngỡ ngàng trước sự đổi thay của miền đất này!

Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng tỷ lệ học sinh tại điểm trường Háng Gàng luôn đạt cao.

YBĐT - “Có công mài sắt có ngày nên kim”, vượt bao khó khăn vất vả, công sức, mồ hôi và nước mắt các thầy giáo, cô giáo đang ngày đêm “gieo chữ” ở Háng Gàng đã gặt hái những thành công.

Lễ trao giải thưởng Lương Định Của là hoạt động nổi bật của Festival Thanh niên nông thôn toàn quốc lần thứ Nhất.

YBĐT - Một con đường đi riêng, khó khăn cũng niềm riêng nhưng với Nguyễn Văn Thắng, Hà Văn Cường, Hà Quang Hành vẫn có những điểm chung. Những điểm chung ấy đã quyết định thành công của họ ngày hôm nay. Trước hết, đó là sự mạnh dạn, tự tin, không ngại việc mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục