Bà đỡ mát tay Nguyễn Thị Minh Hồng
- Cập nhật: Thứ tư, 21/9/2016 | 12:10:36 PM
YBĐT - Một ngày đầu thu, chúng tôi đến Phòng khám Đa khoa khu vực Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu để gặp chị Nguyễn Thị Minh Hồng - nữ hộ sinh duy nhất đại diện cho Việt Nam nhận Giải thưởng Cán bộ hộ sinh xuất sắc quốc tế do Hội đồng Cán bộ hộ sinh quốc tế (COINN) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) trao tặng giữa tháng 8 vừa qua.
Tin tưởng chị Hồng nên chị em phụ nữ đến Phòng khám để sinh đẻ và tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày một đông.
|
Bà đỡ mát tay - đó là biệt danh mà dân bản yêu quý dành tặng cho chị Hồng - nữ hộ sinh đã in mòn dấu chân trên khắp các bản làng của người Mông nơi này suốt 34 năm qua.
Sinh ra và lớn lên ở thị xã Nghĩa Lộ - mảnh đất giàu bản sắc văn hóa miền Tây Bắc, ngay khi còn rất nhỏ, chị Hồng đã mơ ước lớn lên sẽ chọn ngành y. Ước mơ ấy lớn dần theo năm tháng và trở thành hiện thực khi năm 18 tuổi, chị thi đỗ vào Trường Trung cấp Y Hoàng Liên Sơn, chuyên ngành nữ hộ sinh và sau đó lên công tác tại xã Trạm Tấu từ năm 1982 đến nay.
Những ngày đầu nhận công tác, chị thực sự bối rối và cảm thấy vô cùng khó khăn bởi mọi điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hết sức thiếu thốn, đường sá trở ngại, khoảng cách từ bản này sang bản khác cũng phải cả ngày mới tới. Thêm nữa, sự bất đồng ngôn ngữ khiến chị không thể tiếp cận người dân để hiểu họ muốn gì và cũng không thể tuyên truyền cho người dân hiểu công việc mình làm. Nơi đây thiếu mọi điều kiện cho cuộc sống tốt nhưng lại thừa hủ tục. Tuy nhiên, sức trẻ tuổi đôi mươi cùng sự nhiệt huyết và đam mê được làm đúng công việc yêu thích đã là động lực để chị gắn bó với nơi này.
“Điều quan trọng trước tiên là mình phải hiểu được người dân cần gì, muốn gì để tuyên truyền cho người dân hiểu về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho bà mẹ và trẻ em. Và tôi đã bắt tay ngay vào học tiếng Mông” - chị tâm sự.
Thật may là khi đến đây, chị đã gặp được một nữ cán bộ người Mông nói tiếng Kinh tốt, chị xin đến nhà để cùng ăn, cùng ở và cùng làm việc để học nói tiếng Mông. Chỉ sau 1 tháng ở cùng, chị đã có thể sử dụng một số từ ngữ đơn giản để giao tiếp với bà con. Qua giao tiếp hàng ngày, gần gũi với chị em, vốn tiếng Mông của chị ngày càng khá dần lên.
Với ý nghĩ "học người để người học mình", chị bắt đầu đến các bản làng để tìm hiểu về các phong tục, tập quán và tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao hiểu biết về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho phụ nữ người Mông.
Gắn bó với mảnh đất vùng cao ngập khó khăn, nặng hủ tục, chị hiểu được rằng, từ bao đời nay, người phụ nữ Mông khi mang thai vẫn phải lao động nặng. Khi có thai, người phụ nữ thường xấu hổ và không tự giác đi khám. Đến cữ, các bà mẹ thường sinh tại nhà, nhờ vào chồng hoặc mẹ đẻ hay các bà đỡ trong dòng tộc. Sản phụ thường đẻ trong góc buồng tối do phong tục người Mông không cho người ngoài nhìn thấy và trẻ con đẻ ra cả tháng trời không hề tắm rửa... Vì vậy, để "thay cái đầu" giúp chị em bớt thiệt thòi, chị đã tích cực đến tận nhà tuyên truyền, không chỉ cho các chị mà cả chồng, gia đình nhà chồng các chị.
Chị bảo: “Công việc của mình không giống cán bộ y tế vùng thấp bởi việc tuyên truyền về SKSS không chỉ riêng chị em phụ nữ mà phải cả đàn ông. Bởi ở đồng bào Mông, đàn ông mới là người quyết đáp mọi chuyện. Đàn ông hiểu thì mọi chuyện sẽ dễ dàng”. Giờ thì số phụ nữ Mông đến Phòng khám để sinh đẻ và mong được chị tư vấn cách chăm sóc sức khỏe bản thân mỗi ngày một đông.
Đối với người Mông, để đồng bào tin vào một điều gì thì phải rất công phu nhưng khi đã tin rồi thì niềm tin đó sẽ như ngọn núi cao, bất di bất dịch. Chẳng thế mà chuyện chị Hồng đỡ một ca đẻ khó ở bản Tấu Dưới cách đây gần 20 năm vẫn được bà con nhắc đến. Chị bảo, lần đó, tôi đang ở Trạm Y tế xã thì có một anh hớt hải chạy đến mời tôi xuống để đỡ đẻ cho vợ anh. Sau khi thăm khám, tôi phát hiện sản phụ mang thai đôi. Ngày đó, trang thiết bị còn vô cùng thiếu thốn nên đỡ ca sinh đôi rất vất vả. Sau khi đỡ một em bé ra rồi thì còn một bé nữa trong bụng, gia đình họ rất ngạc nhiên và cứ liên tục hỏi: "Sao cô Hồng giỏi thế? Sao cô lại biết trong bụng có hai em bé?". Khi mẹ tròn con vuông, cả nhà rất vui sướng và nhớ mãi. Một bé trong ca đỡ ngày ấy giờ đã là cán bộ dân số của xã rồi.
Chị Sùng Thị Dở ở thôn Km14+17, xã Trạm Tấu thổ lộ: "Trước đây, mình thấy xấu hổ lắm nên không dám xuống Trạm Y tế xã khám đâu. Nhưng cô Hồng đã đến tận nhà để tuyên truyền nên cả chồng và nhà chồng đã đồng ý để mình chỉ đẻ 2 đứa con thôi. Cô cũng đã hướng dẫn và tư vấn cho mình cách tránh thai nên không có thai ngoài ý muốn. Giờ có gì liên quan đến SKSS là mình lại tìm đến cô. Cô tốt lắm!”.
Còn các bà, các mẹ thì cứ rỉ tai nhau: “Cô Hồng đỡ đẻ mát tay lắm. Đứa trẻ nào được cô đỡ cũng đều khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông nên có cô đỡ ai cũng yên tâm”.
Cấp trên của chị, bác sỹ Giàng A Dì - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu đã dành cho nữ đồng nghiệp những cảm nhận chân thật: “Chị Hồng là nữ hộ sinh có chuyên môn rất vững. Chị cũng là người công tác lâu năm nhất ở Phòng khám Đa khoa khu vực Trạm Tấu. Dân bản rất tin tưởng và đặc biệt yêu quý chị. Chị em cứ ríu rít hỏi chị chuyện thực hiện chăm sóc SKSS và kế hoạch hóa gia đình mới thấy công tác chăm sóc sức khỏe ở vùng cao còn rất nhiều khó khăn cần lắm những con người tâm huyết, hết lòng vì bà con như chị”.
Trạm Tấu là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, 100% dân số là đồng bào Mông. Điều kiện kinh tế, mặt bằng dân trí, giao thông đều là những trở ngại không hề nhỏ, cùng với dân cư rải rác theo địa hình nhưng 34 năm qua, dấu chân của nữ hộ sinh Nguyễn Thị Minh Hồng đã băng qua bao rừng sâu, núi thẳm, vượt qua bao con đèo đến những bản xa nhất.
Chị Nguyễn Thị Minh Hồng nhận Giải thưởng Cán bộ hộ sinh xuất sắc quốc tế.
Khéo léo trong tiếp cận, vận động và quan trọng là thấu hiểu, đánh đúng tâm lý đồng bào, niềm tin với chị đã hình thành trong dân bản, đáp lại tấm chân tình của chị bằng việc thực hiện tốt công tác dân số, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Nhờ đó, tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh hầu như không có, tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng và tỷ lệ sinh con thứ ba giảm hẳn. Số phụ nữ mang thai được khám, quản lý thai nghén, uống viên sắt, uống vitamin A, sau khi sinh được chăm sóc SKSS, trẻ em được tiêm chủng đầy đủ tăng lên đáng kể.
Những cống hiến thầm lặng hơn một phần ba thế kỷ của nữ cán bộ y tế nơi vùng cao heo hút cuối cùng đã được đền đáp. Ngày 15/8 vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị Cán bộ hộ sinh quốc tế 2016 tổ chức tại Vancouver, Canada, chị Nguyễn Thị Minh Hồng đã trở thành nữ hộ sinh duy nhất đại diện cho Việt Nam nhận Giải thưởng Cán bộ hộ sinh xuất sắc quốc tế do Hội đồng Cán bộ hộ sinh quốc tế (COINN) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) trao tặng. Việc chị giành giải thưởng đã được lựa chọn từ nhiều ứng viên của 14 nước. Giải thưởng nhằm tôn vinh và khuyến khích nỗ lực của cán bộ hộ sinh tại các nước thu nhập thấp hoặc trung bình, ghi nhận sự cam kết và cống hiến của cán bộ hộ sinh làm việc trong những điều kiện khó khăn, đặc biệt tại các nước có tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và bà mẹ cao.
Đó là một vinh dự lớn và hoàn toàn xứng đáng dành cho nỗ lực của nữ hộ sinh Nguyễn Thị Minh Hồng. Nhưng với chị, sự tin yêu của đồng bào cũng như hiểu biết của người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ngày càng nâng cao mới là phần thưởng lớn nhất để trái tim chị mãi gắn bó với mảnh đất còn nhiều khó khăn này.
Thanh Chi - Mạnh Cường
Các tin khác
YBĐT - Sau 3 năm thực hiện Đề án số 09 - ĐA/TU, ngày 12/12/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Kết nạp đảng viên là ĐVTN giai đoạn 2012 - 2015”, Đảng bộ huyện Văn Chấn đã kết nạp được 1.193 đảng viên mới, trong đó có 865 đoàn viên thanh niên.
YBĐT - Là những gương mặt tiêu biểu của tuổi trẻ Yên Bái được tuyên dương tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ IV tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 8 vừa qua, 4 chàng trai trẻ đại diện cho 4 lĩnh vực khác nhau đã khẳng định tuổi trẻ Yên Bái hôm nay đã và đang nỗ lực học tập, luôn xung kích trên mọi lĩnh vực, xứng đáng là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh.
YBĐT - Đó là những nữ công nhân Đội Vệ sinh Môi trường (VSMT) số 1 thuộc Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành, Yên Bái, những người không kể nắng mưa, lặng thầm làm nhiệm vụ khơi thông dòng chảy, dọn dẹp vệ sinh để giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho thành phố Yên Bái.
YBĐT - Sau khi xây dựng gia đình, Vừ A Hù ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn (Mù Cang Chải) đã đầu tư mô hình chăn nuôi “mới” đem lại hiệu cao.