Khởi nghiệp tuổi 54
- Cập nhật: Thứ tư, 12/10/2016 | 7:07:09 AM
YBĐT - “Đối với khởi nghiệp, vấn đề tuổi tác không thật sự quá quan trọng. Hãy tìm một nguồn cảm hứng cho doanh nghiệp bạn và luôn tin rằng, dù trẻ hay già, bất kỳ ai có niềm đam mê, quyết tâm đều khởi nghiệp thành công”. Tôi đọc được câu này của một vị tiến sĩ, xin được mượn nó để dành cho chị Hoàng Thị Phượng - Giám đốc Công ty TNHH Phân bón An Phú Điền (Văn Chấn) - người phụ nữ dân tộc Tày không ngại chọn khởi nghiệp ở tuổi 54.
Chị Hoàng Thị Phượng kiểm tra quy trình sản xuất phân bón tại xưởng sản xuất của Công ty.
|
Khởi nghiệp ngoại tứ tuần, với nam nhân đã là một sự táo bạo. Người phụ nữ ngoài 50, quyết định bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình, trong mường tượng, tôi hình dung một người có vẻ mạnh mẽ phát tiết ra ngoài. Thế nên, tôi bất ngờ khi gặp chị: đằm thắm, dung dị, rất dáng vẻ một người đàn bà của nữ công gia chánh. Mới hiểu, mạnh mẽ hay táo bạo, đôi khi thẳm sâu bên trong mỗi người, chỉ họ mới thấu hiểu sự quyết tâm của chính bản thân, để rồi những hành động, việc làm nói lên tất cả.
Khởi sự kinh doanh bằng sản xuất phân bón - thứ sản phẩm chẳng một chút liên quan tới công việc trong ngành bưu điện mà chị từng làm, thực sự là một con đường hoàn toàn mới mẻ với người phụ nữ này. Đương nhiên, những ý tưởng đều có nguồn cơn của nó. "Mường Lò là đất trồng lúa và hoa màu. Lâu nay, phân chuồng từ chăn nuôi vẫn được người dân sử dụng bón cho lúa, cho rau. Nguồn phân hữu cơ này thực sự là rất tốt trong sản xuất nông nghiệp nhưng nhiều khi không được xử lý đúng cách gây ô nhiễm môi trường, phát sinh sâu bọ và các loại nấm bệnh cho cây trồng… làm giảm năng suất cây trồng. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền nông nghiệp hiện đại, các loại phân bón vô cơ cũng được đưa vào sử dụng ngày một nhiều hơn. Phân bón vô cơ có nhiều ưu điểm: rất tốt cho cây trồng, tăng năng suất, sản lượng cao.
Tuy nhiên, cũng có những hạn chế nhất định, đó là nếu sử dụng trong thời gian dài liên tục bón cho đồng ruộng và nương chè mà không sử dụng kết hợp với phân bón hữu cơ thì đất đai sẽ ngày một bạc mầu và chai cứng" - những kiến thức về phân bón được chị diễn giải. Nếu không biết trước, tôi tưởng người này hẳn phải gắn bó với nông nghiệp bấy lâu. Cũng không có gì là khó lý giải, thì tìm hiểu, thì nghiên cứu, thì học hỏi… như chị chia sẻ. Đúng là không gì là không thể khi con người ta đã hứng thú, đã để tâm, muốn tìm hiểu, quyết thử sức.
Làm thế nào để việc thâm canh cây trồng được năng suất, chất lượng lại vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, đồng thời giữ được độ màu mỡ của đất, giúp người dân có thể xen canh, gối vụ các loại hoa màu, cây trồng khác nhau là suy nghĩ cứ dấy lên trong chị. Trăn trở thế, rồi tìm hiểu thực tế, chị nhận thấy nguồn than bùn ở địa phương rất lớn và đây là thứ rất tốt giúp cải tạo đất đã bạc màu theo thời gian. Sản xuất phân hữu cơ - tại sao không? Tất cả những điều này, cơ bản được nhen nhóm, tiếp sức bởi suy nghĩ "Không hiểu sao cứ hình thành trong thâm tâm ý định làm một cái gì đó liên quan đến nông nghiệp, đến người nông dân" như chị ruột gan chia sẻ.
Năm 2014, Công ty TNHH An Phú Điền do chị làm Giám đốc được thành lập, vốn điều lệ 1,7 tỷ đồng, đóng trên địa bàn thôn Khá Thượng 1, xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn, tận dụng nguồn than bùn tại địa phương cộng với ứng dụng khoa học - công nghệ để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh. Ngoài ra, Công ty còn sản xuất phân bón NK viên nén dúi sâu phục vụ cho trồng lúa nước.
Như rất nhiều công ty, doanh nghiệp bước đầu khởi sự, An Phú Điền ngày đầu thành lập đứng trước muôn vàn khó khăn về vốn, thị trường. "Sản phẩm khi đó chỉ mới tiêu thụ lẻ tẻ ở địa phương, trong khi đó, thị trường đã và đang tiêu thụ rất nhiều loại sản phẩm của các đơn vị khác trong và ngoài tỉnh sản xuất. Mặt khác, bà con chưa quen dùng loại phân bón này nên còn e dè. Có thể nói là khó khăn chồng chất khó khăn" - chị Phượng vẫn còn nhớ lắm bao nan giải chưa xa.
Nhưng đã dấn thân là quyết tâm, khó thì tìm cách gỡ khó. Tuổi ngoài 50 của người phụ nữ với những kinh nghiệm từng trải trong cuộc sống và công việc cho chị những bình tĩnh tìm bước đường đi phù hợp. Không ngại khó, ngại khổ, người phụ nữ ấy đã trực tiếp đi chào hàng ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc. Đặc biệt, An Phú Điền đã phối hợp với Hội Phụ nữ huyện Văn Chấn thông qua hội phụ nữ các xã hướng dẫn bà con cách sử dụng và cho dùng thử nghiệm phân bón của Công ty.
Chị Hoàng Thị Phượng giới thiệu về máy móc, trang thiết bị của Công ty.
“Trăm nghe không bằng một thấy. Dùng thử, tự họ thấy hiệu quả ắt sẽ tin sản phẩm của mình. Và đúng là qua thử nghiệm, các hộ sử dụng lượng phân NPK, phân viên nén cho trồng lúa, ngô, sắn, chè, trồng rau, màu… giảm từ 15 - 25%, cho năng suất cao hơn từ 20-30%, giảm chi phí công lao động, công chăm sóc và tăng thêm thu nhập mỗi vụ từ 1,5 - 2 triệu đồng/ha” - chị rôm rả nhắc chuyện đón tin vui ngày nào. Hiệu quả thực tế đã bắt đầu tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm. Sau khi các hộ thử nghiệm và có kết quả, Công ty bắt đầu tổ chức hội thảo đầu bờ và tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho người dân.
Sự kiên trì đi từng bước nhỏ từ con số không của An Phú Điền dần được đền đáp. Sản phẩm phân bón NPK của An Phú Điền dần có chỗ đứng trên thị trường. Vị nữ Giám đốc của An Phú Điền cho hay, đến nay, mỗi năm Công ty đã cung ứng ra thị trường 2.000 tấn phân bón với trên 10.500 lượt hộ sử dụng sản phẩm, doanh thu 1,6 tỷ/năm. Quy mô An Phú Điền dần phát triển. Từ 5 công nhân ngày đầu thành lập, đến nay có 15 công nhân, được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ. Diện tích nhà xưởng trên 1.000 m2, máy móc, trang thiết bị hiện đại...
Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, Công ty còn đưa sản phẩm tiêu thụ tại thị trường tỉnh Thái Bình và Hợp tác xã Tân Hương tại vùng chè Tân Cương tỉnh Thái Nguyên. Không dừng lại ở đó, hiện, Công ty đã mở rộng, xây dựng một chi nhánh sản xuất tại khu công nghiệp tỉnh Bình Dương để thuận lợi hơn cho việc vận chuyển và cung ứng sản phẩm cho miền Trung và miền Nam.
Nói chuyện phát triển thị trường miền Nam, chị Phượng phấn chấn lắm: “Mình vừa có chuyến khảo sát thị trường trong đó về, cũng là để tiếp cận, giới thiệu và cho thử nghiệm sản phẩm của mình ở một số địa chỉ. Quy mô trồng trọt trong đó thường rất lớn, nhìn rất thích mắt, lại càng thôi thúc mình tìm chỗ đứng ở thị trường này”.
Những chia sẻ ấy chứa đầy sự hào hứng của một doanh nhân muốn tìm cách thử sức, chinh phục những thị trường mới, để phát triển, đi lên. Mục tiêu ấy, doanh nhân trẻ tuổi hay nhiều tuổi đều không khác, khác chăng là cách thức, là bước đi. Mà với người phụ nữ này, tôi tin, chị sẽ thực hiện những điều đó bằng sự táo bạo, mạnh dạn trong sự chín chắn tuổi đời mình có!
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Tôi gặp chị lần đầu trong Chương trình “Nồi cháo nghĩa tình” do Câu lạc bộ thiện nguyện Thanh niên Khối Doanh nghiệp tỉnh Yên Bái tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Chị là người bảo trợ duy nhất của tỉnh Yên Bái được đi dự Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V năm 2016.
YBĐT - Cả cuộc đời công tác gắn bó với sự nghiệp trồng người ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa của huyện Trạm Tấu, về hưu đúng lúc quê nhà đang trên lộ trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), thầy giáo Lò Văn Ché ở thôn Hát 1, xã Hát Lừu đã viết lên câu chuyện cảm động trong công cuộc XDNTM ở địa phương này.
YBĐT - Cơn mưa mùa thu làm tiết trời dịu mát đã theo chuyến xe đưa đoàn cán bộ Đoàn Thanh niên cơ sở từ Yên Bái tới thành phố của ngành công nghiệp than Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là lần đầu tiên những đoàn viên, thanh niên cơ sở của tỉnh Yên Bái được đi tham quan, tập huấn, tư vấn giới thiệu việc làm cho thanh niên địa phương tại tỉnh bạn.
YBĐT - Sự kiên định trong ánh nhìn, sự quyết đoán trong lời nói và sự tự tin trong cuộc chiến xóa đói nghèo sau khi rời quân ngũ đã làm nên một cô Nhâm năng động, mạnh dạn. Cô Nhâm "văn công" trẻ măng từ chiến trường bước ra với bộ quân phục xanh màu áo lính ngày nào nay càng mặn mòi, rắn rỏi hơn bởi kinh nghiệm và uy tín trên thương trường kinh doanh, đem về thành quả no ấm cho gia đình và quê hương.