Yên Bái: Chuyển biến từ phong trào lớn
- Cập nhật: Thứ tư, 23/11/2016 | 8:11:43 AM
YBĐT - Trên 50.000 hộ gia đình; trên 1.000 làng, thôn, bản, tổ dân phố; 300 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá và hàng trăm gương điển hình tiêu biểu của các tổ chức, cá nhân trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội được tuyên dương, nhân rộng.
Đồng chí Nông Văn Lịnh (thứ 4 trái sang) - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái trao đổi với người uy tín tiêu biểu trong tỉnh về xây dựng đời sống văn hóa.
|
Đây là những kết quả tích cực sau 15 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Những kết quả khả quan
Những năm qua, Phong trào TDĐKXDĐSVH đã tác động tích cực tới phong trào thi đua yêu nước ở từng địa phương, đơn vị trong tỉnh, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Từ đó, trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh... đặc biệt là vùng sâu, vùng xa đã thực sự khởi sắc, tạo tiền đề quan trọng cho việc đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được xác định có tính then chốt của cuộc vận động TDĐKXDĐSVH, do đó các ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm và chỉ đạo sát sao bằng nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả. Từ đó, các chuẩn mực đạo đức về gia đình truyền thống được giữ gìn, tình làng, nghĩa xóm trên các khu dân cư được củng cố, phát huy, góp phần bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương.
Không ít gia đình đã tự nguyện hiến đất, góp công sức cùng với chính quyền xây dựng nhà văn hóa, làm đường, xây trường học... và tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có 143.778/ 199.678 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá”, đạt 72% (theo tiêu chí mới).
Đặc biệt, từ làm tốt công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào xây dựng làng, bản, khu phố văn hoá đã xuất hiện một số thôn, bản văn hoá của đồng bào Mông ở vùng cao tiêu biểu như: bản Ma Lừ Thàng, xã Zế Xu Phình, bản Pú Nhu, xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải); bản Pang Cáng, xã Suối Giàng (Văn Chấn); thôn Púng Tàu, xã Hát Lừu (Trạm Tấu)…
Nếu như năm 2000, chỉ có 106/ 2.232 làng, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu làng, bản, tổ dân phố văn hóa (đạt 4,7%) thì đến hết năm 2015 đã có 1.106/ 2.303 làng, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa, đạt 48%. Hiện tỉnh Yên Bái đã có 39/180 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa, trong đó có 30 xã đạt chuẩn văn hóa theo tiêu chí nông thôn mới, 9 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Từ sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong phong trào xây dựng làng, bản, khu phố văn hoá, công tác vận động đóng góp xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao đã được sự đồng lòng chung tay góp sức của người dân và sự đầu tư của các cấp. Qua 15 năm, Nhà nước đã đầu tư gần 50 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 30 tỷ đồng. Qua đó, toàn tỉnh đã xây dựng đựợc 1.320 nhà văn hoá (đạt 57,3%); 95/180 xã, phường, thị trấn có sân, bãi hoạt động văn hóa, - thể thao; 140 làng, bản, tổ dân phố được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp trang thiết bị bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá...
Thực hiện Cuộc vận động TDĐKXDĐSVH nhiều địa phương đã sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, xuất hiện các điển hình tiên tiến, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, làm tăng số hộ khá, giàu và giảm số hộ nghèo. Nếu như năm 2000, số hộ nghèo trong toàn tỉnh chiếm 32,53%, thì hết năm 2015 đã giảm xuống còn 16,56%. Phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa” đã khơi dậy tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” trong các cộng đồng dân cư. Chỉ riêng cuộc vận động quyên góp ủng hộ người nghèo đã đạt trên 90 tỷ đồng.
Từ nguồn quỹ này đã hỗ trợ sửa chữa và làm mới 13.590 ngôi nhà, hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, học sinh nghèo vượt khó; hỗ trợ đột xuất cho gần 25.667 lượt người nghèo, hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng với đó là hiệu quả của việc xây dựng và sử dụng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã hỗ trợ, thăm hỏi, trao hàng chục nghìn suất quà cho các đối tượng người có công, gia đình chính sách, các đối tượng nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các gia đình thương binh, liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người có công với nước...
Trong quá trình thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa, các hoạt động trong việc cưới, việc tang, lễ hội… được các tổ chức, cá nhân ở từng địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc trên tinh thần tiết kiệm, văn minh, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn được đưa tới tận các gia đình, đặc biệt là các gia đình dân tộc thiểu số vùng cao, nhằm xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín...
15 năm thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, trong đó các cấp đã kịp thời khen thưởng cho trên 5.000 cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động sáng tạo; khen thưởng cho trên 50.000 lượt hộ gia đình; trên 1.000 làng, thôn, bản, tổ dân phố và 300 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá.
Bảo tồn nét văn hóa trong Lễ cấp sắc của người Dao quần trắng xã Yên Thành (Yên Bình).
Kinh nghiệm và cách làm hay
15 năm triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH thực sự đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân về một môi trường văn hóa - xã hội an toàn, lành mạnh, văn minh và được sự hưởng ứng tham gia đóng góp tích cực của các tầng lớp nhân dân. Huyện Yên Bình là một trong những đơn vị tiêu biểu trong thực hiện Phong trào này trong nhiều năm qua và đã đạt được nhiều kết quả khích lệ.
Đồng chí Lương Thanh Hùng - Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện chia sẻ: “Việc đầu tiên là phải làm tốt công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, để mọi người thấy rõ được mục đích, ý nghĩa, vai trò quan trọng của phong trào trong đời sống xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ, Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH các cấp và các ngành liên quan, thường xuyên đôn đốc kiểm tra, đánh giá việc thực hiện.
Hơn nữa, cần đa dạng hóa nội dung, phương thức triển khai thực hiện phong trào và đề ra mục tiêu cụ thể, vận động nhân dân tham gia thực hiện theo nguyên tắc tự giác, tự quản là chủ yếu. Ngoài nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, cần làm tốt công tác xã hội hóa để đẩy mạnh việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở. Đưa kết quả của phong trào để đánh giá, xếp loại thi đua khen thưởng của tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể”.
Từ làm tốt việc chỉ đạo thực hiện phong trào đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nhiều địa phương của huyện Yên Bình đã thực hiện tốt các nội dung trong Phong trào TDĐKXDĐSVH như thôn Trung Tâm, thôn Tiền Phong, thôn Đồng Nếp, hay Khu phố 8 xã Đại Minh, là nơi mà người dân đã tự nguyện đóng góp 100% kinh phí xây dựng nhà văn hóa và mua sắm trang thiết bị phục vụ việc thụ hưởng các giá trị văn hóa...
Tại địa bàn thành phố Yên Bái, việc bình xét gia đình văn hóa được nhiều xã, phường thực hiện chặt chẽ, công khai, dân chủ có tác dụng giáo dục. Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH tại khu dân cư, ông Nguyễn Đức Thực - Tổ trưởng tổ 28A, phường Nguyễn Thái Học cho biết: “Trong những năm gần đây, 100% các hộ trong tổ đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa, hàng tháng các thành viên nòng cốt thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin từ các hộ gia đình. Tổ đưa ra nội quy gồm 9 nội dung không được vi phạm, lấy đó làm căn cứ để chấm điểm bình xét gia đình văn hóa hàng năm”. Được biết, trong dịp tổng kết cuối năm 2015, tổ 28A là một trong số 15 tổ tiêu biểu được UBND thành phố tặng giấy khen.
Thành quả của việc triển khai Phong trào TDĐKXDĐSVH đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả đó không chỉ đánh dấu sự chuyển biến tích cực về ý thức cộng đồng mà còn tạo sự gắn kết các gia đình, dòng họ, tôn giáo trong cộng đồng, tạo động lực thúc đẩy người dân thi đua lao động, sản xuất và đó cũng là tiền đề vững chắc để các địa phương tiếp tục gặt hái những thành tựu to lớn hơn trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Lâm Tới - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Yên Bái, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH: Sau 15 năm triển khai thực hiện, Phong trào đã thực sự đi vào đời sống của các tầng lớp nhân dân, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của toàn xã hội; khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết ở các cộng đồng dân cư, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được cải thiện đáng kể, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các giá trị văn hóa truyền thống được kế thừa, phát huy cùng với những giá trị văn hóa mới được xác lập. Với trách nhiệm được giao là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào, trong thời gian tới, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo tỉnh triển khai thực hiện theo hướng nâng cao chất lượng, phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương. Trong giai đoạn tiếp theo, sẽ triển khai thực hiện nội dung Phong trào “Xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hoá” theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. |
Vũ Đồng
Các tin khác
YBĐT - Chuyển biến từ những việc cụ thể như: trong các đám cưới đã không mở loa đài qua 22 giờ đêm và trước 5 giờ sáng; hầu hết các đám cưới đều tổ chức trong 1 ngày; tiệc mặn chỉ tổ chức gọn nhẹ trong anh em, họ hàng và bạn bè thân thiết…
YBĐT - Mới đây, mô hình sản phẩm “Thiết bị phơi ván bóc” đã giúp 2 học sinh Trường THPT Thác Bà, huyện Yên Bình đạt giải Ba - giải cao nhất của tỉnh Yên Bái khi tham dự Cuộc thi Sáng tạo thanh - thiếu niên và nhi đồng toàn quốc lần thứ 12, năm 2016 vừa trao giải tại Hà Nội.
YBĐT - “Đối với khởi nghiệp, vấn đề tuổi tác không thật sự quá quan trọng. Hãy tìm một nguồn cảm hứng cho doanh nghiệp bạn và luôn tin rằng, dù trẻ hay già, bất kỳ ai có niềm đam mê, quyết tâm đều khởi nghiệp thành công”. Tôi đọc được câu này của một vị tiến sĩ, xin được mượn nó để dành cho chị Hoàng Thị Phượng - Giám đốc Công ty TNHH Phân bón An Phú Điền (Văn Chấn) - người phụ nữ dân tộc Tày không ngại chọn khởi nghiệp ở tuổi 54.
YBĐT - Tôi gặp chị lần đầu trong Chương trình “Nồi cháo nghĩa tình” do Câu lạc bộ thiện nguyện Thanh niên Khối Doanh nghiệp tỉnh Yên Bái tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Chị là người bảo trợ duy nhất của tỉnh Yên Bái được đi dự Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V năm 2016.