Bỏ phố lên rừng nuôi vịt thu tiền tỷ
- Cập nhật: Thứ tư, 14/12/2016 | 8:25:09 AM
YBĐT - Từng có thời hoàng kim “ăn nên làm ra” và tay đút túi quần ngày cũng có tiền triệu. Vậy mà, chàng trai tên Trần Hữu Hưng, sinh năm 1978 lại "đột ngột" bỏ đô thị nhộn nhịp ở tỉnh Hưng Yên lên với xã miền núi Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. Ai cũng cho rằng, Hưng bị “hâm”, “gàn dở” nhưng sau hơn 10 năm gắn bó với mảnh đất này, anh đã có một gia đình hạnh phúc cùng mô hình nuôi vịt bán trứng thương phẩm cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Khu vực nuôi nhốt đàn vịt đẻ trên hồ của anh Hưng.
|
Tôi đến xã nông thôn mới Thượng Bằng La vào một sáng đầu đông. Trên những con đường bê tông phẳng lì, sạch sẽ, bà con tươi cười phóng xe máy ra đồng chăm sóc cây vụ đông. Xa xa, trên những vạt đồi, cam, quýt đã chuyển màu sắp cho thu hoạch.
Dù bận họp triển khai nhiệm vụ cuối năm, nhưng anh Hoàng Đình Mưu - Chủ tịch UBND xã vẫn cắt cử cán bộ thủy lợi xã dẫn chúng tôi đến thăm gia trại của người "bỏ phố lên rừng" đã được nhiều người nhắc đến. Sau gần 20 phút chạy xe, chúng tôi đã có mặt tại Hồ 26 tháng 3 (thuộc thôn Noong Tài) là nơi ở và cũng là trang trại chăn nuôi của gia đình anh Trần Hữu Hưng. Hồ 26 tháng 3 có diện tích gần 5 ha, nằm dưới chân ngọn núi Tè, bao quanh là những đồi cam, quýt đang trĩu quả. Hệ thống gia trại chăn nuôi của anh Hưng được bố trí khá hợp lý gồm: nhà ở, nhà ủ, chuồng trại, hệ thống bờ kè…
Tiếp chúng tôi là một người đàn ông gần 40 tuổi, dáng người đậm, nước da sạm đen, đôi mắt sáng cùng bộ râu quai nón trông khá “Tây”. Khi biết tôi có ý muốn tham quan mô hình nuôi vịt của gia đình, anh tỏ ra khá thận trọng, giọng cương quyết: “Xem thì được chứ không quay phim đâu nhé, tôi ngại lên báo lắm!”.
Nói là vậy, nhưng khi trò chuyện về hành trình bỏ phố lên rừng của mình, anh lại tỏ ra rất hào hứng. Anh cho biết: “Ở Hưng Yên, cách đây hơn 10 năm, tôi cũng nuôi vịt. Không phải nói quá, chứ hồi đấy tôi cũng thuộc diện “tay to” ở làng đấy. Đút tay túi quần ngày cũng có triệu bạc. Thế nhưng, hồi trẻ có nghĩ gì đâu, làm ra bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Sau rồi dịch bệnh xảy ra, bao nhiêu vốn liếng gần như mất sạch. Từ đó, tôi quyết tâm làm lại từ đầu. Trong một lần lên chơi với người anh trên này, tôi thấy nơi đây khí hậu trong lành, nước hồ trong sạch quanh năm, rất thích hợp cho nuôi thả vịt. Thế rồi, ở lại thuê đất, thuê hồ thả cá, nuôi vịt, rồi lập gia đình, lấy vợ... Chuyện dài lắm, nhưng sơ sơ là thế. Giờ tôi phải cho vịt ăn đã, không tý chúng kêu ầm hết lên đấy. Anh có lấy hình ảnh gì thì đi luôn”.
Nói xong, anh Hưng giục tôi đi theo. Vác bao cám thức ăn cho vịt, nhưng ông chủ trại vịt vẫn không quên giới thiệu: “Đây là lò ấp trứng. Lò này công suất 8.000 quả, lò kia công suất 1,4 vạn quả, còn đây là chuồng nuôi nhốt, sáng dậy vào đây nhặt trứng cũng đủ mỏi tay đấy”. Phía bên ngoài, cả khu hồ rộng lớn được đắp bờ, che chắn cẩn thận bằng đá rất thuận tiện cho việc quản lý, chăm sóc. Đang im ắng, gia trại bỗng chốc trở nên náo động, ồn ã sau tiếng gọi của ông chủ trại vịt. Hàng nghìn con vịt đang bơi lặn dưới hồ bất giác nháo nhác, đập cánh, đạp nước chạy về giành nhau ăn từng hạt cám.
“Lũ này ăn tốn lắm, 1 ngày đi đứt 4 bao” - ông chủ trại vịt nói khi vừa dốc hết tải cám. Tôi nhẩm tính, một bao cám thức ăn vịt giá thị trường 330 nghìn đồng, vị chi 4 bao là 1 triệu 320 nghìn đồng, một tháng chi phí cho 1.000 con vịt gần 40 triệu đồng, 2.000 con là gần 80 triệu đồng. Quả là số tiền lớn với người nông dân.
Anh chỉ tay: “Chỗ này khoảng trên nghìn con là vịt đang đẻ trứng, còn phía bên kia là vịt bầu hậu bị gần 4 tháng tuổi, phải vài tuần nữa mới cho ra sản phẩm. Anh đợi tôi lấy ngô cho bọn nó ăn rồi sang xem luôn thể”. Tôi tò mò hỏi: “Sao vịt này anh không cho ăn cám mà lại cho ăn ngô ?”.
Ông chủ trại vịt cười đầy ẩn ý: “Cái này là kinh nghiệm tôi đúc kết được sau nhiều năm nuôi vịt đấy. Thông thường vịt tầm 4 tháng rưỡi mới đẻ trứng, trong thời gian đó, nếu cho ăn cám thì vịt đẻ sớm rất hại con mái. Vì vậy, giờ phải cho ăn ngô để giữ vịt, chờ ít thời gian nữa đủ tháng thì mới cho ăn cám để vịt đẻ”.
Tiếp câu chuyện, được biết, để có đàn vịt khỏe mạnh, cho sản lượng trứng cao thì 2 năm phải thay lứa vịt khác, như thế thì trứng mới đẹp, chất lượng. Anh Hưng cho biết thêm: “Nuôi vịt đẻ trứng không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi phải có kĩ thuật, cần chú ý từ khâu chọn giống đến khâu chăm sóc và đặc biệt là cách phòng trừ dịch bệnh. Để đàn vịt khỏe mạnh, cho năng suất cao, ngoài vệ sinh phòng bệnh, tiêm vắc-xin, cho uống thuốc định kì 3 tháng/lần, tiêu độc và khử chuồng trại thường xuyên còn phải đặc biệt chú ý đến chế độ ăn của vịt. Do vậy, phải đầu tư mua những loại cám chất lượng cao và có chế độ ăn hợp lý cho mỗi giống vịt. Ngoài ra, việc ấp trứng cũng rất quan trọng, phải thường xuyên chú ý điều chỉnh nhiệt độ theo mùa hoặc mỗi khi thời tiết thay đổi”.
Anh Hưng đưa trứng vịt vào lò ấp.
Với những kinh nghiệm tích lũy được từ khi nuôi vịt đến nay, đàn vịt của gia đình anh chưa gặp phải dịch bệnh nguy hiểm nào gây ảnh hưởng đến số lượng của đàn vịt, tỉ lệ vịt đẻ luôn đạt trên 80%, lúc cao điểm thu trên 2.000 quả trứng/ngày.
Nuôi đã vậy, việc tìm kiếm thị trường còn công phu hơn, ban đầu anh nuôi cả vịt đẻ trứng và vịt thịt, nhưng qua tìm hiểu thị trường vịt thịt có ít đầu ra nên chuyển sang nuôi vịt đẻ trứng rồi mua lò ấp về ủ thêm trứng vịt lộn thương phẩm. Anh cho hay: “Từ Yên Bái, Hà Nội hay ngay gần đây là huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, tôi đều đã đi hết nhưng nhu cầu của thị trường nơi thì ít, nơi thì khó cạnh tranh nên chuyển hướng tìm đến huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Cứ chỗ nào quán to nhất thì đặt vấn đề. Giờ chỉ cần nhấc điện thoại a lô là chuyển hàng cho họ thôi”.
Theo anh, bình quân hai ngày phải chuyển từ 5 - 7 nghìn quả trứng cho thị trường Phù Yên. Giờ con nhỏ, ít người làm nên nhiều khi vẫn phải nhập hàng từ Hà Nội để giao cho họ. “Vậy, một năm anh thu lãi được bao tiền ?” - tôi hỏi. Mất vài giây suy nghĩ, anh cho hay: “Tôi cũng chả tính đâu, cứ xuất hàng đi rồi lại nhập thức ăn, đầu tư xây dựng chuồng trại, kè lại hồ”.
Tôi thầm nghĩ, mấy anh làm ăn, chăn nuôi này khéo thật, chuyện thu nhập, lãi lời bao nhiêu chả thấy nói bao giờ. Dù vậy, theo như anh cho hay, bình quân một ngày cung cấp cho thị trường khoảng 3 nghìn quả trứng, trong đó trứng vịt lộn 3 nghìn đồng/quả, trứng thường từ 2,2 - 2,5 nghìn đồng/quả thì mỗi năm anh thu về trên tỷ đồng, trong đó lãi ròng cũng phải vài trăm triệu đồng/năm. Trao đổi về những dự định trong tương lai, anh chia sẻ: “Nhu cầu thị trường còn lớn lắm, muốn mở rộng quy mô nhưng giờ con còn nhỏ chưa thể làm được. Mai này tôi phải tăng thêm số lượng đàn vịt đẻ, tăng sản lượng trứng rồi xây thêm chuồng nuôi lợn nữa. Lúc đấy, chắc phải sắm con xe ô tô tải để chở hàng cho tiện đấy” - ông chủ gia trại vịt cười tít mắt.
Tôi rời Noong Tài, chia tay khung cảnh “sơn thủy hữu tình”, chia tay người bỏ phố lên rừng khi anh đang bận rộn chằng những kệ trứng lên xe để giao cho khách hàng… Phải chăng, anh chính là người nông dân mới của nông thôn mới, dám nghĩ, dám làm và liên kết, thích ứng với thị trường? Rồi mai đây, sẽ có nhiều hơn nữa những người nông dân như anh, để xây dựng đời sống mới, nông thôn mới ở Thượng Bằng La ngày một giàu đẹp hơn.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Ở xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên có 3 thôn Tĩnh Hưng, Khe Năm, Đát Quang được tiếng chăm chỉ làm ăn. Dân địa phương thường gọi đây là vùng Tĩnh - Mỹ - Hưng, nơi có 36% số dân của xã sinh sống.
YBĐT - Trong tổng số 50 vạn thanh niên xung phong (TNXP) trên khắp mọi miền Tổ quốc, tỉnh Yên Bái có gần 1.300 hội viên (chưa tính gần 1.000 hội viên của 2 đơn vị mới được công nhận là TNXP) đã có 46 ngàn đồng chí bị thương, trên 10 ngàn đồng chí bị nhiễm chất độc hóa học và 10 ngàn đồng chí đã anh dũng hy sinh khi tuổi xuân phơi phới.
YBĐT - Trên 50.000 hộ gia đình; trên 1.000 làng, thôn, bản, tổ dân phố; 300 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá và hàng trăm gương điển hình tiêu biểu của các tổ chức, cá nhân trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội được tuyên dương, nhân rộng.
YBĐT - Chuyển biến từ những việc cụ thể như: trong các đám cưới đã không mở loa đài qua 22 giờ đêm và trước 5 giờ sáng; hầu hết các đám cưới đều tổ chức trong 1 ngày; tiệc mặn chỉ tổ chức gọn nhẹ trong anh em, họ hàng và bạn bè thân thiết…