Mát lành “nguồn nước đam mê”
- Cập nhật: Thứ tư, 3/5/2017 | 6:41:30 AM
YBĐT - Hai em học sinh dân tộc Tày - Hà Văn Cường học lớp 12A11 và Hoàng Văn Mười học lớp 12A10, Trường THPT Chu Văn An (Văn Yên) vừa giành giải Nhì cuộc thi "Sáng tạo xanh" do Tổng cục Môi trường và Trung ương Đoàn phối hợp tổ chức.
Em Hoàng Văn Cường, Hà Văn Mười và thầy giáo Nguyễn Văn Đức lắp đặt ống lọc nước tại nhà dân.
|
Chúng tôi về Văn Yên, mảnh đất anh hùng có truyền thống lịch sử lâu đời, nơi có những rừng quế, đồi mía bạt ngàn. Vốn có truyền thống hiếu học, nhiều năm qua Trường THPT Chu Văn An đã có nhiều công trình sáng tạo khoa học kỹ thuật đạt giải thưởng.
Trong đó, phải kể đến hai em học sinh dân tộc Tày - Hà Văn Cường học lớp 12A11 và Hoàng Văn Mười học lớp 12A10 vừa giành giải Nhì cuộc thi "Sáng tạo xanh" do Tổng cục Môi trường và Trung ương Đoàn phối hợp tổ chức và các em cũng là một trong những gương mặt tiêu biểu được tuyên dương học sinh tiêu biểu do Tỉnh đoàn tổ chức.
Nghe chuyện lọc nước bằng than hoạt tính được chuyển hóa từ bã mía ở Văn Yên, tôi tò mò và mong muốn đến tận nơi để gặp, để hỏi, để nhìn và cảm nhận sự hạnh phúc của những người dân khi đang sử dụng thử nghiệm hệ thống lọc nước này. Lần theo những thông tin, tôi tìm về thôn Ngọn Ngòi, xã Ngòi A, huyện Văn Yên nơi ống lọc nước bằng than hoạt tính đang được lắp đặt sử dụng.
Đánh vật với con đường gập ghềnh sỏi đá, bùn đất sau một trận mưa kéo dài, tôi tới Ngọn Ngòi. Được biết, nơi đây là thôn còn nhiều khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bà con vẫn còn duy trì những phong tục lạc hậu.
Đón tiếp tôi, trò chuyện về những ngày tháng sử dụng nước không hợp vệ sinh, siết chặt đôi bàn tay, Trưởng thôn Lý Kim Trẹ kể: “Trước kia, do điều kiện kinh tế, do địa hình, do tập tục, đa phần người dân lấy nước từ trong khe núi về sử dụng sinh hoạt. Ngày nắng thì không sao nhưng hôm nào trời trở mưa bão thì nào lá cây, bụi bẩn đều theo nguồn nước về. Nhưng cũng chẳng còn cách nào khác vì đó là nguồn nước duy nhất để sinh hoạt nên người dân vẫn phải dùng. Dùng nước không hợp vệ sinh nên người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ con hay bị bệnh ngoài da, tiêu chảy”.
Đưa tôi đến nhà anh Phượng Quý Liều, một trong những hộ gia đình được lắp đặt thử nghiệm ống lọc nước. Khi biết tôi tìm hiểu về ống lọc nước nhà anh đang sử dụng anh Liều vui vẻ khoe: "Bao năm dùng nước nguồn trên khe núi luôn nơm nớp lo sợ bị bệnh tật. Giờ gia đình mình yên tâm rồi, nước được xử lý trong vắt, không bụi bẩn, cành lá và rêu rong đều không còn, đặc biệt nước đun lên không có cặn bẩn nữa mình rất vui. Có được như thế là nhờ có ống lọc nước của em Cường và Mười đấy nhà báo à!".
Vục tay vào chậu nước đã lọc mát trong, anh Liều uống luôn một ngụm rồi tươi cười nói tiếp: "Ống lọc nước đơn giản nhưng lọc nước sạch lắm cô ạ. Nhờ có nó mà bệnh tật vì nước bẩn như trước kia đã không còn nữa. Thấy Cường và Mười bảo nay mai ai cũng có thể mua ống lọc nước này chúng tôi đều mừng. Mà này, hai đứa bé tí mà thông minh thật, lúc nào cũng dí dỏm, tình cảm lắm. Mấy bữa nay chắc bận học không vào chơi được cũng thấy nhớ chúng nó".
Tận mắt chứng kiến niềm vui có nước sạch của những người dân thôn Ngọn Ngòi, thấy hiệu quả của công trình ống lọc nước và tình cảm người dân nơi đây dành cho hai cậu học sinh lại càng thôi thúc trí tò mò của tôi, quyết tâm chuyến đi này phải gặp được hai nhà sáng chế trẻ.
Tìm đến Trường THPT Chu Văn An, vừa đúng giờ ra chơi. Được Ban Giám hiệu nhà trường tạo điều kiện tôi tranh thủ gặp hai em Hoàng Văn Cường và Hà Văn Mười.
Đúng như trong tưởng tượng của tôi, hai em đều có vầng trán cao, khuôn mặt sáng, đôi mắt thông minh. Trong câu chuyện với các em, bằng những câu chuyện về suy nghĩ, hành động của tuổi trẻ, của những tấm lòng nhiệt huyết, tôi đã phần nào hiểu được sáng kiến của các em.
- Xuất phát từ đâu mà hai em có ý tưởng biến bã mía thành than hoạt tính để lọc nước? Mười tủm tỉm cười, đáp:
- Nhà chúng em đều ở xã Ngòi A, và họ hàng cũng ở trong thôn Ngọn Ngòi nên chúng em hay vào chơi và luôn chứng kiến cảnh người dân đặc biệt là trẻ con lúc nào chân tay cũng sứt sát vì ngứa, vì bệnh ngoài da, rồi tiêu chảy. Những hình ảnh này luôn làm chúng em cảm thấy băn khoăn, đặt câu hỏi về vấn đề nước sinh hoạt của người dân nơi đây.
Và rồi sau nhiều ngày trăn trở, Mười và Cường quyết định tâm sự với thầy Nguyễn Văn Đức - Phó Bí thư Đoàn trường cũng là một giáo viên trẻ dạy môn Hóa. Được sự động viên của thầy Đức, hai em đã quyết định tìm hiểu sáng tạo một công trình lọc nước phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân nơi đây.
Ban ngày lên lớp, tối về miệt mài bên trang sách, tìm hiểu những dự án đã chế tạo than hoạt tính. Dần dần, các em nhận ra, đã có rất nhiều dự án chế tạo than hoạt tính từ vỏ trấu, từ xơ dừa, vỏ lạc. Những thứ này thì Văn Yên lại không có nhiều để sản xuất theo quy mô và giúp đỡ được nhiều hộ.
Từ đó, nhóm thầy trò suy nghĩ, mình cũng có phụ phẩm nông nghiệp như vậy mà tại sao không sử dụng, và bã mía là một lựa chọn. Bã mía là thứ sẵn có được bà con vùng cao đang bỏ đi rất nhiều chính là vật liệu có khả năng hấp thụ tốt không chỉ đối với các ion kim loại nặng mà còn có khả năng hấp phụ tốt với các hợp chất hữu cơ độc hại hay những chất bụi bẩn trong nước. Đặc biệt, bã mía còn là nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường, trong quá trình xử lý không phải đưa thêm hóa chất và không làm gây hại cho môi trường.
Cường tâm sự, khi thử nhiệm chuyển hóa bã mía thành than hoạt tính, chúng em nhận được sự hỗ trợ tạo điều kiện rất nhiều từ phía nhà trường nhưng vẫn vấp phải rất nhiều khó khăn và thất bại không biết bao nhiêu lần. Phòng thí nghiệm của nhà trường có hạn, mỗi lần muốn dùng chúng em phải chờ các bạn học xong mới tranh thủ mượn để sử dụng.
Tủm tỉm cười, em kể tiếp: "Nhiều khi đêm thức trắng để nghiên cứu trên lý thuyết, nghĩ ra cách mới sáng hôm sau muốn thử ngay, nhưng hôm ý có lớp học thực hành nên chúng em đành phải chờ đợi trong tâm trạng thấp thỏm. Không chỉ khó khăn thế đâu chị ạ, hóa chất của trường cũng không nhiều nên khi thử nghiệm chúng em phải rất tiết kiệm. Đặc biệt một khó khăn rất lớn nữa là nguồn kinh phí, nhà trường có hỗ trợ nhưng em, bạn Mười và thầy Đức đều phải bỏ thêm. Gia đình chúng em cũng không có điều kiện nên bọn em phải tiết kiệm tiền ăn sáng để đầu tư mua đồ dùng nghiên cứu. Nhưng cũng may thầy Đức giúp đỡ chúng em nhiều lắm không chỉ kiến thức, kinh phí mà thầy Đức còn giúp chúng em gửi mẫu nước sang người quen là giảng viên Trường Đại học Thái Nguyên, nơi có trang thiết bị hiện đại để kiểm nghiệm".
Say mê, lăn lộn, ba thầy trò đã phải tranh thủ ngoài thời gian dạy và học để nghiên cứu vì vậy thường xuyên đi sớm về muộn, ban đầu bố mẹ các em cũng lo lắng, nhưng rồi khi biết mục đích và việc các em làm đều ủng hộ. Nhớ về những lần thí nghiệm thất bại, Mười bật cười bảo: "Thất bại thì buồn nhưng nhiều khi cũng vui. Có lần thử hóa chất thất bại tạo ra một mùi nồng nặc như mùi trứng thối, cả thầy trò đều ám mùi. Cứ người này chê người kia, rồi ba thầy trò lăn ra cười với nhau chị ạ!".
Mỗi lần thất lại là một quá trình trăn trở suy nghĩ, thức đêm nghiên cứu. Một tháng, hai tháng và sau mười một tháng, công trình của ba thầy trò đã ra đời. Cầm ống lọc nước có đường kính 9cm, dài hơn 1m trên tay, hai em giải thích thêm về công trình của mình.
Bên cạnh bã mía, ống lọc nước này còn tận dụng thêm nguồn nguyên liệu sẵn có là xơ mướp. Xơ mướp được thu gom từ những quả mướp già, sau khi đã qua xử lý được sử dụng cho một phần của quá trình lọc nước. Còn bã mía sẽ được băm nhỏ khoảng 2 - 3cm, rửa sạch, phơi khô, hoạt hóa thành than hoạt tính bằng H2SO4 đặc. Tất cả các nguyên liệu được cho vào bên trong ống nước, sơ mướp được để ở phần trên cùng, nơi ống lọc tiếp xúc với vòi của bể chứa nước.
Như vậy, nước chảy vào ống qua lớp xơ mướp sẽ được lọc sơ bộ, loại bỏ cành, lá cây khô, bùn đất. Tiếp đến là một lớp cát mịn, một lớp than hoạt tính và cuối cùng là một lớp cát to. Nước sau khi lọc đã loại bỏ hết các tạp chất, cặn bẩn, chất lơ lửng, xử lý được Asen, Caxi, Magie... Các em tâm sự, lọc nước như này chi phí, giá thành rẻ, rất phù hợp với điều kiện thực tế của người dân đặc biệt, thời gian sử dụng khá lâu và dễ dàng vệ sinh, sau một thời gian dùng, có thể đem ra rửa rồi sử dụng lại.
Để sản xuất ống lọc nước này, theo nhóm chỉ mất khoảng 300.000 đồng, phù hợp với điều kiện kinh tế của đồng bào vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, họ có thể tự thay thế, vận hành, sửa chữa mà không tốn kém là bao. Vì điều kiện chưa cho phép, nên hiện nay, ống lọc nước mới chỉ được thầy trò lắp đặt tại một số hộ dân thôn Ngọn Ngòi.
Trong thời gian tới, với số tiền 10 triệu đồng từ Giải thưởng "Sáng tạo xanh", nhóm hy vọng có thể bước đầu đầu tư sản xuất rộng rãi. Để không chỉ ở thôn Ngọn Ngòi mà toàn huyện Văn Yên và đồng bào ở những nơi khó khăn khác cũng được dùng nước sạch, cải thiện phần nào chất lượng cuộc sống.
Thầy Bùi Văn Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, đưa ánh mắt âu yếm nhìn hai học trò của mình, lên tiếng: "Cường và Mười là hai học sinh ngoan, chăm chỉ, hòa đồng với bạn bè. Trong việc nghiên cứu của các em nhà trường đã bằng mọi cách giúp đỡ các em hoàn thành đề tài. Nhìn sự cố gắng, ham học tập của các em tôi rất tự hào, giải thưởng mà Cường và Mười đem về là món quà lớn nhất cho thầy cô nhà trường cũng là tấm gương cho các bạn học tập".
Một mùa mưa nữa lại chuẩn bị về, nhưng mùa mưa này nhờ có ống lọc nước của hai học trò, nhiều hộ đồng bào dân tộc thôn Ngọn Ngòi đã không còn nỗi lo về nguồn nước. Dù mưa bão có kéo dài thì nhân dân vẫn có nước sạch để dùng, trẻ con không còn bị bệnh ngoài da hay tiêu hóa. Chia tay Cường, Mười, chia tay Văn Yên, tôi tin với sức trẻ và nỗ lực, quyết tâm của mình các em sẽ còn gặt hái được nhiều thành công, có thêm nhiều công trình ích lợi để giúp dân nghèo vùng cao như vừa qua.
Lê Thương
Các tin khác
YBĐT - Nổi bật là phong trào hiến đất làm đường trong nhiều năm qua. Từ năm 2011 - 2016, nhân dân trong huyện đã hiến trên 16 ha đất, đóng góp hàng tỷ đồng và hàng vạn ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa...
YBĐT - Cánh rừng quế bạt ngàn hơn 30 ha mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng là thành quả lao động mà “đại gia đình nông dân” ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên đã đạt được nhờ sự cần cù lao động và tinh thần đoàn kết làm giàu luôn thôi thúc trong họ.
YBĐT - Từng bước khắc phục những khó khăn, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Hồng Ca đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xác định được cây trồng, vật nuôi chủ lực đã giúp Hồng Ca có những vùng sản xuất măng tre Bát độ, cây ăn quả, chè...
YBĐT - 68 tuổi đời, gần 50 năm tuổi Đảng, 18 năm làm Bí thư Chi bộ thôn, sống trong dân, ở gần dân, phải làm gì, làm thế nào để lo tròn công việc Đảng giao, để dân tin, dân nghe, dân làm theo Đảng, chính là phong cách riêng của nữ Bí thư Chi bộ thôn Đồng Trạng mà không phải vị "thủ lĩnh chi bộ" nào cũng có được.