Cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc, đời sống của đồng bào các DTTS trong tỉnh còn nhiều khó khăn. Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, những năm qua, tỉnh đã luôn quan tâm, chăm lo cho đồng bào các DTTS, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thực hiện phương châm "mưa dầm thấm lâu”, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào cuộc thực hiện tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS xóa bỏ các hủ tục, tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới.
Để việc tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả, các phong trào thi đua: "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thông mới, đô thị văn minh”; "Ngày cuối tuần cùng dân” ; "Xây dựng gia đình năm không, ba sạch”… được đẩy mạnh ở các cấp các, các ngành.
Cấp ủy, chính quyền các cấp còn triển khai hiệu quả các biện pháp hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nói chung và đồng bào DTTS nói riêng như: hỗ trợ tư liệu sản xuất, nhất là đất sản xuất, kết hợp với vận động, hỗ trợ người dân vùng cao đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, chuyển đổi, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng; hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi; tạo điều kiện cho đồng bào DTTS tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế hộ gia đình…
Cùng đó, tỉnh còn phân công cán bộ trực tiếp phụ trách, giúp đỡ từng thôn, bản, hộ gia đình về nhiều mặt trong đời sống; chú trọng phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên đồng bào DTTS tại cơ sở và vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS. Qua đó, góp phần tạo động lực, giúp đồng bào DTTS trong tỉnh từng bước thay đổi tư duy, nhận thức, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Hiện tại, hầu hết đồng bào DTTS các địa phương trong tỉnh đều có ý thức khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tích cực đấu tranh, đẩy lùi các hủ tục trong việc cưới, việc tang; thực hiện tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử cách mạng tại địa phương; chủ động cho con em tới lớp, tới trường; tham gia trồng, bảo vệ và quản lý rừng…
Bà Khang Thị Mào - Chủ tịch Hội LHPN huyện Mù Cang Chải chia sẻ: "Là huyện vùng cao với trên 90% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, thời gian qua, nhờ đẩy mạnh thực hiện các chính sách dân tộc, các chương trình mục tiêu quốc gia và thực hiện hiệu quả "Ngày cuối tuần cùng dân”, đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn huyện đã có nhiều đổi thay rõ nét. Nhiều hộ đồng bào DTTS đã trở thành gương sáng trong phát triển kinh tế, làm du lịch cộng đồng và khôi phục các nghề truyền thống...".
Với những hoạt động thiết thực của các địa phương, hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 20.222 hộ, chiếm tỷ lệ 9,16%.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh lớn, trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào các DTTS như: vùng trồng tre Bát độ, dâu tằm ở huyện Trấn Yên; vùng quế Văn Yên; vùng trồng cây ăn quả có múi ở các huyện: Văn Chấn, Lục Yên; vùng chè Shan tuyết ở xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu; trồng sơn tra ở huyện Mù Cang Chải…
Toàn tỉnh đã xây dựng được 106/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 37 xã nông thôn mới nâng cao; 4/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Nhằm tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc như: Chỉ thị 49, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS; Kết luận số 65, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Đồng thời, triển khai thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chú trọng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện công tác dân tộc và các chính sách dân tộc; biểu dương, khen thưởng các mô hình tốt, kinh nghiệm hay trên các lĩnh vực để xây dựng, nhân rộng trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS, nhất là trong Phong trào "Tự nguyện đăng ký thoát nghèo…
Hồng Oanh