Hướng tới Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái lần thứ IV, năm 2024

Trạm Tấu phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/10/2024 | 8:02:06 AM

YênBái - Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, những năm qua, huyện Trạm Tấu đã đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động nhằm phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong cộng đồng để họ không chỉ là những người gìn giữ văn hóa, phong tục truyền thống của địa phương mà còn là những người góp phần định hướng, vận động người dân tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng của tỉnh được biểu dương tại Hội nghị biểu dương người có uy tín trong các tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2020 - 2023. Ảnh: K.T
Đại biểu già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng của tỉnh được biểu dương tại Hội nghị biểu dương người có uy tín trong các tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2020 - 2023. Ảnh: K.T

Chúng tôi tới xã Trạm Tấu gặp ông Mùa A Sùng - người cao tuổi có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc Mông khi ông đang gặp gỡ, truyền đạt lại kinh nghiệm trong phát triển sản xuất cho nhân dân trên địa bàn. Được biết, ông Sùng thường xuyên có những buổi chia sẻ kinh nghiệm, động viên, gắn kết cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Thông qua các buổi chia sẻ của ông, nhiều hộ gia đình đã áp dụng thành công phối hợp các phương pháp canh tác truyền thống và hiện đại để nâng cao năng suất cây trồng, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. 


Ông Mùa A Sùng cho biết: "Tôi quan niệm rằng điều quan trọng hơn cả là phải có sự gắn kết trong cộng đồng. Khi mỗi người cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, sức mạnh tập thể sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn. Tôi thường nhắc nhở mọi người hãy cùng nhau giữ gìn những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc mình để phát triển trường tồn”. 

Cũng như ông Mùa A Sùng, ông Lò Văn Đính ở xã Hát Lừu là một già làng gạo cội người dân tộc Thái đã dành cả đời mình để dẫn dắt người dân trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, nhất là công cuộc xây dựng, duy trì các tiêu chí nông thôn mới. 

Ông Đính tâm sự: "Từng tham gia công tác chính quyền đã nghỉ hưu, lại là đảng viên, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân phải sống gương mẫu để nhân dân học tập, noi theo. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới của xã, tôi đã cùng chính quyền vận động nhân dân hiến đất làm đường, giữ gìn cảnh quan môi trường, nhiệt tình tham gia các phong trào chung. Thấy quê hương ngày càng đổi thay theo hướng sáng -  xanh - sạch - đẹp và văn minh, tôi rất mừng, tôi sẽ cố gắng phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình”. 


Hội nghị gặp mặt trưởng thôn, người có uy tín trên địa bàn xã Hát Lừu năm 2024. 

Hiện nay, cùng với ông Mùa A Sùng, ông Lò Văn Đính, huyện Trạm Tấu còn có 55 người có uy tín là các già làng, trưởng bản, trưởng thôn, cán bộ hưu trí, bí thư chi bộ, người sản xuất, kinh doanh giỏi. Để phát huy hiệu quả vai trò của người có uy tín, huyện Trạm Tấu thường xuyên vận động người có uy tín tích cực tham gia các phong trào chung tại địa phương; đồng thời có các hoạt động nhằm tạo điều kiện cho người có uy tín gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Từ đó học hỏi những phương pháp hay trong phát triển kinh tế, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, giữ gìn văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc địa phương. 

Ngoài ra, huyện cũng quan tâm tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về kinh tế - xã hội, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo cho người có uy tín, góp phần giúp đội ngũ người có uy tín có thêm nhận thức đúng, có đủ thông tin để tham gia vận động đồng bào các dân tộc tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, huyện đã tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người có uy tín với các tổ chức xã hội, đoàn thể địa phương, tạo nguồn lực, cơ hội để đội ngũ người có uy tín được giao lưu, học hỏi, nâng cao kỹ năng lãnh đạo. 

Đồng chí Mùa A Páo - Trưởng phòng Dân tộc huyện Trạm Tấu cho biết: "Những người có uy tín thường được người dân lắng nghe, tôn trọng nên họ đóng vai trò then chốt trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giúp giải quyết các mâu thuẫn, vấn đề phát sinh trong cộng đồng, góp phần duy trì sự ổn định, phát triển bền vững. Vì vậy, những người có uy tín chính là những người giữ gìn, truyền bá các giá trị văn hóa, phong tục tập quán địa phương trong thời kỳ hội nhập, phát triển, là cầu nối giữa chính quyền và người dân”.

Phát huy những kết quả đạt được, huyện Trạm Tấu tiếp tục chú trọng nâng cao vị thế, khẳng định vai trò của người có uy tín trong việc dẫn dắt, khơi dậy tinh thần đoàn kết cộng đồng. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, góp phần xây dựng Trạm Tấu ngày một phát triển, văn minh, hạnh phúc. 

Lê Thương

Tags người uy tín Trạm Tấu dân tộc Mông đại hội dân tộc thiểu số

Các tin khác
Người dân xã Hồng Ca tham gia bê tông đường giao thông nông thôn.

Mỗi năm, huyện Trấn Yên giảm trung bình 5% hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số (DTTS), bộ mặt nông thôn thay đổi, tạo điều kiện cho người dân giao lưu phát triển kinh tế, từng bước vươn lên làm giàu.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất cảnh trái phép cho đồng bào Mông xã Cát Thịnh.

Phòng Dân tộc huyện Văn Chấn đã căn cứ tình hình thực tế của địa phương, tham mưu cho huyện xây dựng 8 nhiệm vụ cụ thể phân công các cơ quan, đơn vị chuyên môn, xã, thị trấn thực hiện Đề án 17.

Cán bộ, công chức xã Hòa Cuông thường xuyên xuống thăm hỏi, động viên hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ làm nhà ở.

Huyện Trấn Yên có trên 84.000 nghìn người, với 6 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có gần 40% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực giúp đồng bào DTTS, miền núi ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Đường thôn Quyết thắng 2, xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình được Dự án hỗ trợ bê tông hóa.

Dự án “Cải thiện điều kiện sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giai đoạn 3” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái phối hợp với Tổ chức Bánh mì cho Thế giới triển khai tại 7 thôn của 2 xã thuộc huyện Văn Chấn và huyện Yên Bình đã thí điểm thành công việc xây dựng cơ sở hạ tầng các thôn bản dựa vào cộng đồng và tiềm năng sẵn có.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục