Đội ngũ cán bộ các cấp phải là người có năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì sự phát triển.
Tránh tư tưởng cục bộ
Theo các tiêu chí định hướng, dự kiến tới đây, số đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ giảm từ con số 63 xuống còn 34 tỉnh, thành. Cùng với việc bỏ cấp huyện, số lượng đơn vị cấp xã cũng sẽ sắp xếp còn khoảng 5.000 đơn vị, giảm 50% so với hiện tại.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, khi thực hiện cuộc cách mạng tổ chức bộ máy là làm sao vừa giữ chân được người tài vừa tinh gọn được đội ngũ cán bộ, công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.
Các chuyên gia cho rằng, khi sáp nhập 63 tỉnh, thành xuống con số 34 cũng đồng nghĩa có đến khoảng một nửa số bí thư, chủ tịch có thể phải bố trí nhiệm vụ khác, thậm chí có thể phải xuống làm cấp phó.
Bên cạnh đó, việc không tổ chức cấp huyện cũng đồng nghĩa có khoảng 700 bí thư, chủ tịch huyện và hàng nghìn các phó bí thư và phó chủ tịch huyện cần được bố trí, giải quyết công việc. Tương tự, với việc sắp xếp từ hơn 10.000 xã xuống 5.000 xã, cũng có rất nhiều bài toán đặt ra trong việc: ai ở lại, ai chuyển công tác và ai xin nghỉ?
Từ bài học lịch sử qua các lần chia tách, sáp nhập, ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng cho rằng, nên lựa chọn người đứng đầu không phải là người địa phương để tránh tâm tư "chung - riêng” sau sắp xếp.
"Sau sắp xếp, việc bố trí nhân sự các cơ quan cấp tỉnh là vấn đề hết sức nhạy cảm, với nhiều tâm tư. Do đó, người đứng đầu các tỉnh, thành phải có tinh thần khách quan, không cục bộ trong đánh giá, bố trí cán bộ”, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng nói.
Để thực hiện được việc này, theo ông Phúc, các cơ quan tham mưu về công tác cán bộ phải thực sự "có con mắt tinh đời” trong việc lựa chọn nhân sự.
"Nếu lựa chọn được người đứng đầu có năng lực, tâm thế đổi mới, dám nghĩ, dám làm, khách quan, không vương vấn lợi ích chung - riêng thì sẽ giải quyết được những vướng mắc nảy sinh.
Ngược lại, người đứng đầu hạn chế về năng lực thì rất dễ dẫn đến sự trì trệ, bị lợi ích chung - riêng chi phối”, ông Phúc nói.
Có thể điều cán bộ tỉnh về cơ sở
Cùng với việc sắp xếp đơn vị hành chính, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đẩy mạnh cải cách, phân cấp, phân quyền theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, các chuyên gia cho rằng, đội ngũ cán bộ phải là những người có năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá phát triển.
"Phân cấp, phân quyền, nhưng nếu người đứng đầu không có năng lực, sợ sai thì chắc cũng không dám quyết. Vậy nên, trong cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy lần này làm sao lựa chọn được đội ngũ cán bộ tinh hoa trong bộ máy là yếu tố quan trọng”, ông Nguyễn Trọng Phúc nói.
Về cán bộ cấp xã, theo Bộ Nội vụ, sau khi bỏ cấp huyện, nhiều công việc của cấp huyện trước đây sẽ được chuyển về cho cấp xã thực hiện. Điều này đòi hỏi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ cấp xã càng phải cao hơn, chuyên nghiệp hơn.
Để giải quyết tình trạng này, khi xây dựng dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ đề xuất có sự liên thông và khi đó cán bộ, công chức cấp xã sẽ thuộc biên chế của tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng, cơ chế sàng lọc đội ngũ theo nguyên tắc cạnh tranh, có vào, có ra, có lên, có xuống. Điều này nhằm giải quyết tình trạng né tránh, đùn đẩy, chây ì, tâm lý đã vào nhà nước là an toàn.
Bày tỏ đồng tình với đề xuất trên, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc không còn phân biệt công chức cấp xã nữa, mà gọi chung là công chức nhà nước sẽ đảm bảo chất lượng công chức đồng đều như nhau, từ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, phân công công việc liên thông trong hệ thống. Khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, có thể điều động cán bộ từ tỉnh về cơ sở, từ cơ sở lên tỉnh...
"Phải tăng cường cho cơ sở như vậy, bởi đó là nơi làm việc trực tiếp với nhân dân, nơi thực hiện tất cả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước”, ông Dĩnh nói.
Các chuyên gia cho rằng, với việc không tổ chức cấp huyện, có thể bố trí lãnh đạo các quận, huyện trước đây về cơ sở đảm nhận công việc nhằm đáp ứng yêu cầu mới.
Ngoài ra, cũng có thể điều động cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn từ cấp tỉnh, cấp huyện xuống cấp xã làm việc, để phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, khi sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã và bỏ cấp huyện, cần rà soát, đánh giá lại một cách tổng thể, kỹ càng, để lựa chọn, sắp xếp cán bộ, công chức cho phù hợp.
"Nếu cán bộ, công chức cấp xã thực sự chất lượng, đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, họ vẫn phải được tiếp tục công tác. Còn ở cấp huyện, hay kể cả cấp tỉnh, nếu không đáp ứng được các yêu cầu đề ra, dứt khoát cần phải có phương án xử lý”, ông Mai nói.
(Theo TPO)