Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ cho biết, Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trình Trung ương lần này được thực hiện vừa khẩn trương nhưng cũng rất cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố để bảo đảm tính khả thi, hướng đến mục tiêu chiến lược hàng trăm năm.
"Mỗi tiêu chí rất quan trọng và được xem xét một cách cẩn trọng, thấu đáo. Mục tiêu cao nhất của việc sắp xếp các đơn vị hành chính mà chúng tôi đề xuất với các cấp có thẩm quyền là tạo động lực phát triển đất nước ở tầm nhìn dài hạn", ông Phan Trung Tuấn nói tại Tọa đàm "Sắp xếp tỉnh thành để kiến tạo không gian cho chiến lược phát triển trăm năm" do báo Dân trí tổ chức.
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho rằng "mở rộng không gian phát triển" là tiêu chí rất lớn, song không thể tách rời các yếu tố địa lý, văn hóa, an ninh, quốc phòng, quy hoạch vùng, liên vùng... cũng như yêu cầu xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn như chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Nhắc lại câu chuyện của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Ninh Bùi Xuân Sơn khi vẫn luôn nghĩ về một ngày tái hợp ngay từ thời điểm chia tách tỉnh cách đây 30 năm, theo ông Tuấn, đó cũng là suy nghĩ của rất nhiều người hiện nay.
Ông Tuấn phân tích, việc chia tách hay sáp nhập địa giới hành chính ở từng thời kỳ đều gắn với những đặc thù và điều kiện phát triển cụ thể. 30 năm trước, chủ trương tách Hà Nam Ninh và rất nhiều tỉnh thành lớn lúc đó là do hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, trình độ cán bộ và mặt bằng dân trí chưa cho phép quản lý hiệu quả một địa bàn với quy mô rộng lớn như vậy.
Song đến một giai đoạn nhất định, khi điều kiện đã khác xưa rất nhiều, từ năng lực cán bộ, trình độ dân trí, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, chuyển đổi số đến mức độ sẵn sàng hội nhập, thì việc sáp nhập là bước đi tất yếu.
Hơn nữa, thực tế hiện nay cho thấy, đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ, nhiều tỉnh, thành gần như còn rất ít dư địa phát triển, đặc biệt là về quỹ đất dành cho sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư.
Điển hình như TP. Đà Nẵng hay tỉnh Bắc Ninh - những địa phương từng được xem là điểm sáng trong thu hút đầu tư, nay không gian phát triển đã dần thu hẹp, quỹ đất còn lại rất ít. Trong khi đó, nếu có thể mở rộng địa giới hành chính, kết nối với với các địa phương lân cận sẽ hình thành những đơn vị hành chính mới với quy mô rộng hơn, dư địa dồi dào hơn, từ đó tạo ra không gian phát triển mới, mang tính chiến lược và lâu dài.
"Việc sáp nhập, vì thế, không chỉ là điều chỉnh địa giới hành chính đơn thuần, mà còn là một giải pháp phát triển bền vững, mở ra dư địa mới để quy hoạch, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai", ông Tuấn nêu quan điểm.
Đồng thời nhấn mạnh, việc sắp xếp, sáp nhập, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, trong đó bỏ cấp huyện lần này là phù hợp với xu thế chung của thế giới hiện nay.
Cũng theo ông Tuấn, bên cạnh các địa phương sáp nhập, trong phương án mà Bộ Nội vụ tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền xem xét thì có đề xuất một số tỉnh thuộc diện không sáp nhập, sắp xếp lần này.
Ông Tuấn lấy ví dụ tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa. Ngoài yếu tố diện tích tự nhiên, dân số rất lớn, hai tỉnh này sở hữu các yếu tố tiềm năng, lợi thế nội tại đủ lớn, đủ rõ ràng để có thể phát triển cho địa phương và tạo động lực cho cả vùng.
"Hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa đều nằm trong vùng Bắc Trung Bộ. Hai tỉnh này có thể ví như 'Việt Nam thu nhỏ' với đầy đủ vùng núi, đồng bằng, ven biển, biên giới, sân bay, cảng biển, đường bộ, cao tốc...", ông Tuấn phân tích.
(Theo VTV)