Theo đó, Quyết định số 2141 đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 176 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính trong đó rà soát cắt giảm 148 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 28 thủ tục hành chính thuộc 13 lĩnh vực.
Cụ thể, lĩnh vực thuế cắt giảm 7 thủ tục hành chính, đơn giản 2 thủ tục hành chính và bãi bỏ các thủ tục liên quan đến: khai thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm viễn thông; thủ tục khai khoản thu điều tiết tháng, năm; thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng đối với một số sản phẩm máy móc; thủ tục khai thuế giá trị gia tăng đối với cơ sở sản xuất thủy điện.
Lĩnh vực hải quan cắt giảm 5 thủ tục hành chính, đơn giản 9 thủ tục hành chính, bãi bỏ thủ tục tư vấn cho công dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính hải quan; thủ tục cấp lại danh mục hàng hóa nhập khẩu miễn thuế và phiếu theo dõi trừ lùi; thủ tục sao y tờ khai Hải quan, thủ tục bảo lãnh chung và riêng; đơn giản hóa 5 loại giấy tờ có trong hồ sơ thuộc thủ tục công nhận đủ điều kiện kinh doanh cửa hàng miễn thuế.
Lĩnh vực kho bạc nhà nước cắt giảm 10 thủ tục hành chính, đơn giản 12 thủ tục hành chính. Theo đó, bãi bỏ các thủ tục liên quan đến nhận gửi và bảo quản các loại tài sản quý hiếm, thủ tục giao tài sản quý hiếm và các giấy tờ có giá, thủ tục thanh toán vốn đối với các chương trình xóa đói giảm nghèo (Chương trình 5 triệu ha rừng, Chương trình 135 giai đoạn II), đơn giản hóa các thủ tục nộp tiền, hoàn trả tiền vào Ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.
Lĩnh vực chứng khoán cắt giảm 36 thủ tục hành chính, bãi bỏ thủ tục liên quan đến điều chỉnh giấy phép thành lập và hoạt động công ty quản lý quỹ do bổ sung nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán; thủ tục đề nghị xác nhận báo cáo về việc công ty quản lý quỹ sử dụng cổ phiếu quỹ để chia cho cổ đông hiện hữu và thưởng cho người lao động; thủ tục gia hạn thời gian phân phối chứng chỉ quỹ mở; thủ tục đề nghị Xác nhận báo cáo cung cấp dịch vụ giám sát quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán.
Lĩnh vực bảo hiểm cắt giảm 9 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 2 thủ tục hành chính liên quan đến thông báo thay đổi trưởng văn phòng đại diện, địa điểm đặt trụ sở; chế độ báo cáo của doanh nghiệp, của cơ sở đào tạo, thay đổi địa điểm kinh doanh. Gộp nhóm thủ tục liên quan đến hoạt động phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm.
Lĩnh vực công sản cắt giảm 23 thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục liên quan đến thủ tục quyết định số tiền được sử dụng để thực hiện dự án đầu tư và cấp phát, quyết toán số tiền thực hiện dự án; thủ tục thanh toán hỗ trợ di dời; thủ tục hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp phải di dời; thủ tục liên quan đến tạm ứng trước vốn cho các đơn vị phải di dời; bãi bỏ thủ tục liên quan đến giao tài sản nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện.
Để nhanh chóng thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại Quyết định số 2141/QĐ-BTC, Bộ Tài chính dự kiến sẽ cắt giảm, đơn giản hóa 176 thủ tục hành chính, nghiên cứu sửa đổi bãi bỏ 11 văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, tổng số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính còn lại là 839 thủ tục hành chính; trong đó, lĩnh vực Thuế là 291 thủ tục hành chính, lĩnh vực Hải quan là 178 thủ tục hành chính, lĩnh vực Chứng khoán là 148 thủ tục hành chính, lĩnh vực kho bạc Nhà nước là 12 thủ tục hành chính và lĩnh vực tài chính khác là 210 thủ tục hành chính.
Trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các thủ tục hành chính mới, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở mức 3,4, triển khai cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, đặc biệt là đáp ứng cuộc cách mạng 4.0.
Bộ Tài chính cũng sẽ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo hiệu quả của công tác cải cách thủ tục hành chính. Cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính là tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hộị, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo môi trường kinh doanh tốt cho doanh nghiệp phát triển và vươn lên hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
(Theo VTV)