Cụ thể, UBND tỉnh đã rà soát điều chỉnh bổ sung các bộ cơ chế chính sách, nhất là đối với khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Điển hình như một số chính sách thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2020 qua triển khai các chính sách: hỗ trợ tập huấn, xây dựng hạ tầng, xây dựng hợp tác xã, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…
Cùng với đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh vào hoạt động từ tháng 6/2018 với 1.600 TTHC, từ ngày 1/4/2019, tỉnh đã đưa bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã vào hoạt động từ ngày 1/4/2019, kết nối liên thông với Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh với trên 400 TTHC. Tỉnh đã đẩy mạnh sắp xếp bộ máy biên chế của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.
Qua sắp xếp tổ chức bộ máy, đến cuối năm 2018, tỉnh đã thu gọn được 25,3% đầu mối cơ quan trong hệ thống chính trị so với năm 2015 và giảm 16,9% biên chế công chức và 14,35% biên chế viên chức so với năm 2015.
Qua sắp xếp, từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; phù hợp với yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước...
Song song với đó, việc thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập nhất là các đơn vị khu vực y tế, giáo dục và việc phân cấp quản lý trong đầu tư xây dựng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong quản lý sử dụng tài sản công được đẩy mạnh.
Hiện, 557 đơn vị sự nghiệp công lập (không bao gồm các ban quản lý dự án cấp huyện và các qũy tài chính ngoài ngân sách) đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ.
Đặc biệt, việc tổ chức xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp, nhất là của UBND tỉnh đã được quan tâm và chỉ đạo quyết liệt.
Cùng Trung tâm và bộ phận hành chính công cấp huyện, xã, 100% sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã có mạng LAN và kết nối Internet tốc độ cao ADSL, FTTH; 100% các xã, phường, thị trấn được kết nối Internet bằng ADSL, FTTH, 3G; mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đến nay được triển khai tại 105 điểm.
Hiện, tỷ lệ máy tính trên cán bộ công chức tại các sở, ban, ngành ước đạt 96%, các huyện, thành phố đạt 88%; các xã, phường, thị trấn cũng đạt trung bình 6 -7 máy tính/UBND…
Với những nỗ lực cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, năm 2018, tỉnh Yên Bái đã tăng 4 bậc trong Bảng xếp hạng PCI, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố (năm 2017, Yên Bái đứng thứ 46/63 tỉnh, thành phố); chỉ số CCHC của tỉnh tăng 14 bậc so với năm 2017.
Bộ phận Phục vụ hành chính công huyện Yên Bình giải quyết công việc cho người dân.
Để đẩy mạnh CCHC và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian tới, các cấp, các ngành sẽ tập trung đồng bộ các giải pháp. Cụ thể là tiếp tục vận hành hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, xã. Đồng thời, triển khai xây dựng chính quyền điện tử gắn với đề án đô thị thông minh; tiếp tục sửa đổi, bổ sung phần mềm quản lý điều hành thống nhất từ tỉnh xuống cấp huyện.
Theo đó, UBND tỉnh đang chỉ đạo xây dựng hoàn thành hệ thống giao ban trực tuyến và Cổng dịch vụ công trực tuyến để thay thế phần mềm của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, khi đó tất cả mọi người dân, doanh nghiệp ở bất cứ đâu có Internet đều có thể truy cập để đăng ký các TTHC và biết được mức độ, tình trạng đang giải quyết TTHC ở cấp tỉnh, huyện, xã.
Đây sẽ là một trong những giải pháp góp phần giải quyết căn bản việc chậm, muộn giải quyết TTHC cũng như thực hiện nhiệm vụ của chính quyền các cấp. Để cải thiện môi trường đầu tư, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo xây dựng quy trình giải quyết TTHC liên thông phức tạp như: thủ tục cấp quyết định chủ trương đầu tư, thủ tục thẩm định phê duyệt dự án đầu tư, thủ tục tiếp cận đất đai… để phát triển các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân và kinh tế hợp tác xã; tiếp tục thực hiện tốt các quy định về phân cấp quản lý đầu tư, quản lý cán bộ, quản lý tài sản công.
Cùng với giải pháp trên, tỉnh tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Trước mắt là sắp xếp thôn, bản, tổ dân phố và 14 xã không đạt tiêu chí theo đề án của Chính phủ, đồng thời điều chỉnh sắp xếp các xã của huyện Văn Chấn về thị xã Nghĩa Lộ.
Đồng thời, đẩy mạnh các biện pháp để đổi mới tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Nhà nước các cấp, phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp các cấp.
Nguyễn Đình