Thứ nhất, tỉnh đã tích cực, quyết liệt về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).
Qua thực hiện đã giảm 405 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, giảm 973 biên chế, 1.607 cán bộ không chuyên trách cấp xã; 7.737 người không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
Thứ hai, tuy là tỉnh miền núi khó khăn nhưng tỉnh đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Yên Bái từ tháng 10/2017 khi chưa có Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2018.
Từ khi đi vào hoạt động, đã tạo thuận tiện cho người dân đến giao dịch, giảm bớt thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), kiểm soát tiến độ giải quyết TTHC và việc thu phí và lệ phí, tạo thuận lợi cho việc giám sát, kiểm tra, chống tiêu cực, sách nhiễu, bảo đảm tính công khai, minh bạch, rõ ràng hơn…
Hiệu quả càng nổi bật hơn khi từ 1/4/2019, bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, xã trong toàn tỉnh đi vào hoạt động với tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước và đạt thời gian gần 100%; tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đạt 100%.
Thứ ba, UBND tỉnh đã có sự đổi mới quy trình, thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư qua ban hành quy chế phối hợp giải quyết thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 trên địa bàn.
Quy chế đã quy định về nguyên tắc, trách nhiệm, trình tự và thời gian phối hợp giải quyết thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư theo quy định của Luật; đồng thời, cụ thể hóa thời gian thực hiện, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong công tác thẩm định các dự án đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện các thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Việc ban hành quy chế đã bảo đảm việc giải quyết các thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh được thực hiện một cách thuận lợi, nhanh chóng, đúng pháp luật, phù hợp với chủ trương CCHC; bảo đảm yêu cầu về chất lượng, chính xác, kịp thời, minh bạch, chặt chẽ trong quá trình phối hợp, được các nhà đầu tư đánh giá cao.
Thứ tư, do cơ chế, chính sách hỗ trợ thôi việc theo quy định thấp, bên cạnh đó, nhiều cán bộ, công chức, viên chức có nguyện vọng thôi việc và được hưởng chính sách tương đương như của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế nhưng không bảo đảm đúng yêu cầu về đối tượng, điều kiện nên không áp dụng được.
Do đó, tỉnh Yên Bái đã có chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thôi việc theo nguyện vọng. Chính sách đã thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với tất cả các công chức, viên chức, lao động hợp đồng thôi việc theo nguyện vọng, khuyến khích nhiều đối tượng tinh giản biên chế.
Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, đã có 70 người (công chức 6, viên chức 20, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 8, cán bộ, công chức cấp xã 36) được giải quyết thôi việc theo nguyện vọng theo Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Thứ năm, tỉnh thực hiện bước đột phá về khoán kinh phí và phụ cấp cho các chức danh, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, bản, tổ dân phố. Việc thực hiện khoán quỹ lương trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, vị trí việc làm đã tạo điều kiện để các đơn vị chủ động sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm chi hoạt động thường xuyên, mọi khoản chi tiêu, sử dụng kinh phí, tài sản đều được thực hiện công khai, minh bạch.
Đối với các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, bản, tổ dân phố trước kia giao kinh phí theo biên chế và theo của các chức danh nên mức chi lớn, nay thực hiện khoán kinh phí đã khuyến khích việc kiêm nhiệm, tăng mức thu nhập, tiết kiệm ngân sách; đồng thời, chính sách này hỗ trợ cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, bản, tổ dân phố nghỉ việc do sắp xếp lại tổ chức, không đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng chính sách trợ cấp một lần.
Thứ sáu, đổi mới phân cấp quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã tăng cường phân cấp cho thủ trưởng các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp, UBND cấp huyện trong việc quản lý đầu tư và xây dựng, việc sửa đổi, bổ sung việc phân cấp bảo đảm sự phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công năm 2014, nhất là công tác chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh, bổ sung dự án, đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân dự án.
Đồng thời, thống nhất trong quản lý Nhà nước đối với nguồn vốn xã hội hóa, tạo sự chủ động cho các địa phương trong việc tiếp nhận và triển khai các dự án, việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng (các quy định trước đây đã ban hành chưa có nội dung này). Qua đó, giúp các ngành, địa phương chủ động hơn trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ, tạo điều kiện thông thoáng hơn trong giải quyết công việc cho tổ chức, doanh nghiệp.
Những giải pháp và sáng kiến trong CCHC là những nguyên nhân để Chỉ số CCHC của tỉnh trong 2 năm qua (2017 - 2018) đạt và vượt chỉ tiêu của tỉnh đề ra. Năm 2017, tỉnh Yên Bái xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố, tăng 14 bậc so với năm 2016 và năm 2018, Yên Bái đạt 76,92 điểm, xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố, tăng 8 bậc so với năm 2017.
Nguyễn Đình