Việc tiếp nhận hồ sơ và chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích (BCCI) không chỉ giúp người dân, tổ chức giảm chi phí và thời gian giải quyết TTHC mà còn góp phần thúc đẩy sắp xếp, kiện toàn bộ máy và tinh giản biên chế. Vì vậy, từ tháng 8/2017, UBND tỉnh và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác. Theo đó, Bưu điện tỉnh tiếp nhận hồ sơ và chuyển trả kết quả giải quyết TTHC của các sở ngành, UBND các huyện, thị, thành phố qua dịch vụ BCCI theo Quyết định số 45/2016/QĐ - TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, kết quả đạt đuợc rất thấp.
Với gần 200 điểm phục vụ, từ năm 2017 đến nay, Bưu điện tỉnh Yên Bái đã phối hợp với các cấp, các ngành triển khai nhiều dịch vụ công như: tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại các điểm phục vụ; bố trí bưu cục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và bộ phận một cửa các cấp để tham gia hỗ trợ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC; thực hiện tiếp nhận và chuyển trả kết quả giải quyết chế độ BHXH cho các đơn vị sử dụng lao động; chuyển phát chứng minh thư, hộ chiếu; thu hộ tiền nộp phạt vi phạm cho ngành công an…
Triển khai Quyết định số 45/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện, song kết quả đạt được là rất thấp. Cụ thể, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, năm 2018, chỉ có 1.521/10.000 hồ sơ (chiếm 16%) chi trả qua bưu điện. Trong đó, cao nhất là Sở Tư pháp đạt tỷ lệ 45%. Tỷ lệ này ở Sở Giao thông - Vận tải, Sở Thông tin - Truyền thông là 28%; Sở Y tế 27%; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội 24%; Sở Giáo dục và Đào tạo 15%; Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn 15%...
Nhiều sở, ngành không phát sinh hồ sơ trả kết quả qua bưu điện như: Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh… Một số sở, ngành có phát sinh hồ sơ trả kết quả qua bưu điện nhưng tỷ lệ rất thấp như: Sở Nội vụ 0,1%, Sở Công thương 2%, Sở Tài chính 2%...
Trong 6 tháng đầu năm 2019, có 23 sở, ngành và UBND huyện, thị, thành phố đăng ký thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả dịch vụ BCCI theo Quyết định số 1320/QĐ-UBND ngày 18/7/2017 của UBND tỉnh, còn lại 5 sở, ngành không đăng ký, tuy nhiên số lượng rất khiêm tốn. Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, sản lượng trả kết quả 6 tháng là 1.642 hồ sơ, luân chuyển hồ sơ là 100; tại các điểm bưu điện chỉ có 264 hồ sơ. Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI thấp không chỉ làm hạn chế công tác CCHC mà ảnh hưởng đến chỉ số CCHC của tỉnh.
Theo công bố của Bộ Nội vụ, năm 2018, tỉnh Yên Bái đạt 0/1,25 điểm về chỉ số thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC. Nguyên nhân của tình trạng trên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Bưu điện tỉnh Yên Bái: "Do công tác tuyên truyền, vận động để người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết đến và sử dụng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI còn hạn chế. Đối với ngành Bưu điện, đây là dịch vụ mới lại không có phát sinh thường xuyên nên việc nắm bắt nghiệp vụ để tư vấn cho người dân của nhân viên bưu điện còn hạn chế. Ở một số xã vùng cao, Bưu điện chưa mạnh dạn cung cấp dịch vụ tại điểm bưu điện. Bên cạnh đó, trình độ tiếp cận công nghệ thông tin của nhân viên bưu điện xã còn hạn chế, cơ sở vật chất xuống cấp chưa kịp cải tạo.
Nhưng nguyên nhân chính là do sự phối hợp giữa Bưu điện tỉnh và các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố chưa chặt chẽ. Các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố chưa thực sự quan tâm đến chỉ tiêu này nên chưa có sự chỉ đạo quyết liệt, nhiều đơn vị xem đây là việc riêng của Bưu điện”.
Với đặc thù của tỉnh miền núi, địa bàn rộng, để giúp người dân, tổ chức giảm bớt thời gian và chi phí, hạn chế tiêu cực phát sinh khi thực hiện các TTHC; đồng thời, góp phần thúc đẩy sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính và tinh giản biên chế, nâng cao chỉ số CCHC, việc đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công và nâng tỷ lệ tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua dịch vụ BCCI là rất cần thiết.
Về giải pháp trong thời gian tới, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Bưu điện tỉnh Yên Bái, Bưu điện tỉnh sẽ phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được những thuận lợi, tiện ích của việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI để đăng ký sử dụng khi có nhu cầu.
Cùng đó, tiếp tục đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho nhân viên để có khả năng tiếp nhận hồ sơ khi người dân có nhu cầu, đặc biệt là tại các điểm bưu điện văn hóa xã. Bưu điện tỉnh tiếp tục cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng được yêu cầu cung cấp dịch vụ; tiến hành mở dịch vụ tại 100% các điểm giao dịch của bưu điện trên toàn tỉnh; bố trí đủ nhân viên tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và bộ phận phục vụ hành chính công các cấp để tham gia hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC; tổ chức tốt công tác tiếp nhận hồ sơ và thu hộ phí (nếu có) tại các địa chỉ khi người dân có yêu cầu; phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh kết nối Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng dịch vụ hành chính công của Bưu điện; thực hiện tốt công tác điểm tin thu gom, đảm bảo nhanh chóng, tiện lợi…
Cùng với những giải pháp của mình, Bưu điện tỉnh cũng đề xuất UBND tỉnh giao chỉ tiêu tỷ lệ TTHC sử dụng dịch vụ tiếp nhận và trả kết quả dịch vụ BCCI trong tổng số các TTHC có phát sinh cho các cấp, các ngành. Đồng thời, chỉ đạo, rà soát bổ sung danh mục các TTHC thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua BCCI; chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực phối hợp thực hiện việc triển khai các giải pháp công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, cho phép từng bước thí điểm việc chuyển tiếp nhận trả kết quả giải quyết TTHC từ bộ phận một cửa các cấp cho bưu điện…
Đình Tứ