Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ Sở Tư pháp đã tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, gắn CCHC với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ông Trần Văn Tường - Bí thư Đảng bộ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: "Để thực hiện hiệu quả công tác cải cách thể chế trong các lĩnh vực, Đảng bộ đã căn cứ vào các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, của tỉnh. Trên cơ sở đó, Đảng bộ đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và Yên Bái nói riêng”.
Đảng bộ Sở Tư pháp đã triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” và Kết luận số 01-KL/TW ngày 4/4/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW.
Từ năm 2005 đến năm 2019, HĐND, UBND ba cấp tỉnh, huyện, xã trên địa bàn tỉnh đã ban hành 5.407 văn bản QPPL. Các văn bản này được ban hành có phạm vi điều chỉnh hầu hết trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh địa phương.
Đối với công tác kiểm tra, giám sát và xử lý văn bản QPPL bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất, đồng bộ, minh bạch của hệ thống pháp luật. Theo đó, cấp tỉnh tự kiểm tra 770 văn bản, cấp huyện tự kiểm tra 883 văn bản QPPL do HĐND, UBND cấp huyện ban hành, cấp xã tự kiểm tra 2.733 văn bản QPPL. Song song với đó, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật nhìn chung được thực hiện đạt những kết quả tích cực.
Các ngành, các cấp trong tỉnh đã tập trung tổ chức triển khai các nhiệm vụ cụ thể, tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và đông đảo quần chúng nhân dân đối với công tác theo dõi thi hành pháp luật, góp phần bảo đảm và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và đã mang lại kết quả bước đầu có tác động tích cực đối với việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, do văn bản QPPL của Trung ương thường xuyên thay đổi, nằm ngoài dự báo của địa phương; một số văn bản luật, pháp lệnh, nghị định chậm ban hành văn bản hướng dẫn nên địa phương lúng túng, bị động; các cơ quan chuyên môn còn chưa nhận thức đầy đủ trong quá trình xây dựng văn bản QPPL, nhất là cấp huyện, xã còn hạn chế nhất định nên việc tổ chức thi hành pháp luật chưa đảm bảo tính kịp thời, có nơi chưa đi vào chiều sâu…
Để tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản QPPL bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ông Trần Văn Tường cho biết: "Sở tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL của cả hệ thống chính trị theo hướng nâng cao, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giám sát văn bản QPPL, đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; xây dựng thiết chế tài phán đối với các văn bản QPPL có dấu hiệu không bảo đảm tính thống nhất đối với hệ thống pháp luật. Theo đó, Đảng bộ tiếp tục tăng cường lãnh đạo của cấp ủy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảm bảo về kinh phí và các điều kiện thực hiện xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật”.
Có thể thấy, việc tăng cường vai trò lãnh đạo cấp ủy đối với công tác CCHC thông qua việc xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL và theo dõi thi hành pháp luật của Đảng bộ Sở Tư pháp đã góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về CCHC hiện nay.
Trần Minh