Theo đó, BHXH tỉnh thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, xử lý, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính thuộc thẩm quyền; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu khi thực hiện giao dịch công việc với đối tượng.
Các TTHC của ngành đều được công bố và cập nhật trên Trang Thông tin điện tử của BHXH tỉnh và niêm yết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) cấp tỉnh, bộ phận PVHCC cấp huyện, cơ quan BHXH tỉnh và BHXH cấp huyện, thị xã theo quy định.
Đồng thời, đơn vị tuyên truyền, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân có thể khai thác thông tin tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC để dễ dàng tiếp cận, thuận tiện khi cần giải quyết công việc. Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC được duy trì thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả theo 3 hình thức: qua bộ phận "một cửa” tại trụ sở cơ quan BHXH và Trung tâm PVHCC cấp tỉnh, bộ phận PVHCC cấp huyện; qua giao dịch điện tử và qua dịch vụ bưu chính công ích. Qua đó, đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người lao động khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH.
Ông Nguyễn Trí Đại - Giám đốc BHXH tỉnh Yên Bái cho biết: "BHXH tỉnh thực hiện nghiêm túc việc tổ chức bộ phận một cửa tại BHXH cấp tỉnh, cấp huyện để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân theo quy định. Đồng thời, thực hiện Hệ thống "Một cửa điện tử tập trung” để quản lý, theo dõi trực tuyến toàn bộ quy trình nghiệp vụ, từ việc tiếp nhận hồ sơ đến thụ lý giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC, cảnh báo tình trạng hồ sơ sắp đến hạn, chậm muộn”.
Đến nay, tại BHXH tỉnh đã có trên 90% đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử; Văn phòng BHXH tỉnh và 8/8 BHXH các huyện, thị xã đã thực hiện tốt giao dịch hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích. Trong năm 2019, BHXH tỉnh tiếp nhận trên 298.890 hồ sơ, 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn; tiếp nhận và chuyển kết quả giải quyết TTHC cho các đơn vị sử dụng lao động thông qua dịch vụ bưu chính trên 187.750 hồ sơ.
Cùng với đó, BHXH tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục ứng dụng 11 phần mềm công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ; tiếp tục triển khai giao dịch điện tử trong các lĩnh vực thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT.
Tăng cường thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT; thực hiện quản lý, sử dụng văn bản, hồ sơ điện tử trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của BHXH Việt Nam; thực hiện áp dụng Hệ thống thư điện tử ngành BHXH. Đặc biệt, đã thực hiện Đề án "Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Hiện nay, BHXH tỉnh đã thực hiện giảm 1 đầu mối cấp phòng thuộc BHXH tỉnh; giảm 1 đầu mối BHXH thành phố Yên Bái để nhập và chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, biên chế, tài chính, tài sản của BHXH thành phố Yên Bái về BHXH tỉnh. Bộ máy tổ chức của BHXH tỉnh Yên Bái sau khi sắp xếp, đi vào hoạt động chính thức với cơ cấu tổ chức mới gồm 10 phòng nghiệp vụ và 8 BHXH huyện kể từ 01/10/2019 không làm ảnh hưởng đến việc giao dịch của các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động, đối tượng tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT, BHTN và người dân trên địa bàn.
Thời gian tới, BHXH tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, phấn đấu thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực BHXH, BHYT; hoàn thiện, đẩy mạnh kết nối cơ sở dữ liệu về bảo hiểm với các hệ thống cơ sở dữ liệu có liên quan nhằm phục vụ tốt công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT; chuẩn hóa dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, dữ liệu thẻ BHYT, tạo tiền đề để cấp thẻ BHYT điện tử trong năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Hồng Duyên