Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nội dung có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong yêu cầu phát triển hiện nay.
Trước khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, tỉnh Yên Bái đã chủ động, tích cực sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Theo đó, tỉnh cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp, văn hóa, tài nguyên môi trường. Nổi bật là ban hành và thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, qua đó giảm 130 trường, 473 điểm trường, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Thực hiện nội dung, quan điểm, yêu cầu Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) trong thực hiện Nghị quyết 18, 19, từ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của Yên Bái đã đạt được những kết quả quan trọng.
Cán bộ tổ dân phố 2, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ trao đổi công việc.
Toàn tỉnh giảm 405 đầu mối cơ quan, đơn vị, 7 đơn vị hành chính cấp xã, 985 thôn, bản, tổ dân phố, giảm trên 1.200 cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, giảm 12,1% tổng biên chế so với năm 2015, vượt chỉ tiêu Trung ương giao; tiết kiệm từ tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế trong 4 năm khoảng trên 1.300 tỷ đồng để chi cho đầu tư phát triển.
Yên Bái trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về tinh gọn bộ máy; cơ bản các phòng, ban, đơn vị có sự tương đồng hay chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động đã được tính toán hợp nhất, sáp nhập, quy định lại chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp; giải thể, chấm dứt hoạt động một số cơ quan, tổ chức hoạt động không hiệu quả, các ban quản lý dự án, tổ chức phối hợp liên ngành; sắp xếp, chuyển nhiệm vụ quản lý Nhà nước của một số tổ chức về cơ quan có thẩm quyền để thống nhất hoạt động của các đơn vị sự nghiệp.
Một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh theo chỉ đạo của Trung ương được triển khai nghiêm túc, hiệu quả như: thực hiện mô hình Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các ban, cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; hợp nhất Đảng bộ Khối cơ quan tỉnh và Đảng bộ khối Doanh nghiệp tỉnh; thực hiện đồng bộ ở 9/9 huyện, thị, thành phố việc hợp nhất văn phòng HĐND và UBND với văn phòng cấp ủy, phòng nội vụ với ban tổ chức, thanh tra huyện với cơ quan ủy ban kiểm tra cấp ủy huyện; thực hiện phương án trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị, trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ cấp huyện; thành lập bộ phận giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể cấp huyện, cấp xã; thành lập và đưa vào vận hành, hoạt động có hiệu quả của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã...
Qua sắp xếp, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ổn định, đổi mới và phát triển.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc sắp xếp tổ chức bộ máy còn một số hạn chế như: việc cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy về sắp xếp bộ máy ở một số đơn vị, địa phương còn chậm; một số cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu chưa chủ động sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, rà soát chức năng, nhiệm vụ theo các quy định, hướng dẫn của Trung ương và chỉ đạo của tỉnh; tinh giản biên chế ở một số đơn vị chưa thực sự gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...
Triển khai có hiệu quả việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển, giải pháp đưa ra là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận số 74-KL/TW của Bộ Chính trị.
Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá nghiêm túc, chất lượng việc thí điểm một số mô hình về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh đã triển khai thực hiện; trong đó, đánh giá toàn diện tính hiệu quả của từng mô hình, những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm từ đó đề xuất lộ trình, cách làm phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm ở từng ngành, từng lĩnh vực.
Rà soát tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị sắp xếp theo hướng giảm đầu mối trực thuộc, giảm trung gian, giảm số lượng cấp phó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Thực hiện kiên trì, nghiêm túc việc tinh giản biên chế công chức, viên chức, theo kế hoạch; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa đối với đơn vị sự nghiệp với lộ trình phù hợp. Thực hiện thống nhất, đồng bộ cơ chế quản lý, phân bổ tài chính, ngân sách theo hướng "khoán chi, đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ”, gắn với việc thực hiện cơ chế "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”. Đẩy mạnh thực hiện tự chủ, xã hội hóa đối với đơn vị sự nghiệp công lập, trước hết là sự nghiệp giáo dục, y tế và một số lĩnh vực sự nghiệp khác với lộ trình phù hợp.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy; kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; quan tâm giải quyết chế độ, chính sách phù hợp theo quy định cho các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
Từ kinh nghiệm và kết quả đạt được, để đạt được những kết quả trong sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế, quá trình thực hiện tiếp tục cần nêu cao quyết tâm chính trị, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tạo sự đồng thuận và sức lan tỏa để quá trình thực hiện đạt hiệu quả.
Nguyễn Đình