Một trong những nội dung mà các đối tượng hướng tới là chiêu trò có tên gọi "không biết không bầu”. Cảnh giác với chiêu trò này, tập trung bảo vệ cho tiến trình bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là trách nhiệm không của riêng ai.
1. Bất chấp ý nghĩa tốt đẹp về bầu cử đã được hiến định và quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, thời gian qua, trên mạng xã hội, một số đối tượng cơ hội chính trị trong nước đã phát động cái gọi là "không biết không bầu”.
Điển hình là ngày 25-2-2021, trên mạng xã hội xuất hiện nội dung thông tin có hình thức dưới dạng tờ rơi hỏi và trả lời, được chia sẻ rất nhanh.
Tại đây, đối tượng đưa ra các câu hỏi như: Đã từng thấy người nào diễn thuyết, kêu gọi bỏ phiếu cho họ chưa; ai là người đại diện cho quyền, lợi ích của bạn; đã có đại biểu Quốc hội nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho bạn chưa...? Trả lời cho các câu hỏi trên là những từ "chưa từng thấy”, "chưa có”, đặc biệt là dẫn dắt đến khẳng định nếu ứng cử viên đại biểu Quốc hội có đề án nhưng không diễn thuyết thì không thể đại diện cho cử tri và thống nhất là không bầu.
Cũng trong cuối tháng 2-2021, N.Đ.C, một nhân vật "trở cờ” ở Hà Nội đã viết trên Facebook cá nhân về cái gọi là "không biết không bầu”. Đối tượng khẳng định, việc các cơ quan trung ương giới thiệu nhân sự bầu đại biểu Quốc hội về các địa phương để ứng cử là một biểu hiện của "Đảng cử, dân bầu”.
Thế nên, việc cử tri bầu những người này chỉ là hình thức. Họ không đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cử tri mà chỉ bảo vệ lợi ích cho Đảng, nhằm "đàn áp” nhân dân.
Qua những lời ngụy biện trên, nhân vật này đã lợi dụng tính lan tỏa của mạng xã hội, kêu gọi cử tri thực hiện cái gọi là "không biết không bầu” trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tổ chức vào ngày 23-5-2021.
Thực chất, việc kêu gọi "không biết không bầu” là chiêu trò rất thâm hiểm. Bởi nó là một hình thức cổ vũ cho chủ nghĩa tự do vô chính phủ và chủ nghĩa dân túy. Mục đích là để tẩy chay vai trò lãnh đạo của Đảng với cách mạng Việt Nam, xóa bỏ nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Như đã biết, bầu cử là một biểu hiện tính dân chủ, tiến bộ của Nhà nước pháp quyền so với các chế độ chính trị đã có trong lịch sử như phong kiến hoặc chiếm hữu nô lệ.
Ở Việt Nam, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là một hình thức thể hiện ở mức cao nhất quyền làm chủ của công dân và được ví như ngày hội thực sự của toàn dân.
Việc đưa ra và tuyên truyền, cổ xúy cho cái gọi là "không biết không bầu” là đi ngược lại với tinh thần của Hiến pháp, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Điều 2 của luật này quy định tuổi bầu cử và tuổi ứng cử như sau: "Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của luật này”.
Thế nên, nếu thực hiện "không biết không bầu” thì chính là đã chối bỏ chính quyền công dân, quyền cử tri mà pháp luật đã quy định cho mỗi công dân.
Xin nói thêm là, từ năm 1946 trở về trước, dưới chế độ nửa phong kiến, nửa thực dân, công dân Việt Nam chưa khi nào được hưởng không khí tự do, dân chủ; chưa ai được cầm trong tay phiếu bầu để bầu ra cơ quan quyền lực nhà nước các cấp, đồng thời đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Có thể nói, cùng với việc khai sinh, lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (ngày 2-9-1945) thì cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (bầu Quốc hội khóa I) diễn ra trong cả nước ngày 6-1-1946, theo lối phổ thông đầu phiếu, lựa chọn ra 333 đại biểu Quốc hội là một bước tiến và dấu ấn lịch sử, thể hiện ý chí, khát vọng độc lập, tự do và quyền làm chủ của toàn dân tộc.
Từ đó đến nay, việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đã phát huy cao nhất quyền làm chủ của công dân, cử tri. Vậy nên, nếu thực hiện cái gọi là "không biết không bầu” thì khác nào tự tước đi quyền, lợi ích của chính cử tri?
Việc phát tán thông tin xuyên tạc khiến nhiều người lầm tưởng, hiểu sai lệch chế độ chính trị ở Việt Nam, cổ vũ cho tư tưởng dân chủ phương Tây và chủ nghĩa dân túy. Thực tế, ở các nước phương Tây, hoạt động vận động tranh cử và bầu cử có biểu hiện lợi ích cục bộ, thao túng chính trị, bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội, khiến dư luận bất bình.
Thời gian qua, những lùm xùm, bất ổn xung quanh bầu cử tổng thống của một quốc gia ở châu Mỹ - vốn được xem là hình mẫu cho những đối tượng dân chủ giả hiệu và tự phong ở Việt Nam - đã cho thấy những bất đồng, phân biệt về quyền làm chủ của công dân giữa các tầng lớp khác nhau trong xã hội, hoàn toàn xa lạ với quyền làm chủ và thực hiện quyền làm chủ của công dân Việt Nam.
Nêu cao cảnh giác trước những chiêu bài phá hoại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là yêu cầu cấp bách. Trước hết, mỗi cử tri, nhất là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần cẩn trọng khi tiếp cận thông tin từ mạng xã hội; không chia sẻ, bình luận những thông tin chưa được kiểm chứng. Cùng với đó là tăng cường vận động người thân trong gia đình, người xung quanh làm tròn trách nhiệm công dân, trách nhiệm cử tri trong ngày hội lớn của đất nước.
Đặc biệt, chính quyền các địa phương ở cơ sở cần tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền để công dân, cử tri hiểu rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và những đối tượng "trở cờ” trong nước; vạch rõ bản chất, âm mưu và thủ đoạn của cái gọi là "không biết không bầu”.
Các cơ quan báo chí cũng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, tuyên truyền rộng, kỹ, sâu hơn để cử tri cả nước nắm được cách thức, phương pháp tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đúng luật, khách quan.
(Theo HNMO)