Đặc biệt, các tổ chức phản động như Việt Tân, Hội Anh em dân chủ; các hãng truyền thông nước ngoài và các chương trình có phát sóng bằng tiếng Việt như RFA, VOA, RFI, BBC... tán phát nhiều bài viết, hình ảnh xuyên tạc, công kích, đả phá kịch liệt chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, TC của Đảng, Nhà nước ta.
Đài Á Châu Tự Do (RFA), Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA)... đưa ra luận điệu: "Vì sao "lò” chống tham nhũng đang cháy mà hàng loạt cán bộ cao cấp vẫn không sợ?”. Những kẻ thiếu tử tế vu khống rằng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam thực chất là việc các phe phái tranh quyền để triệt hạ nhau dưới vở kịch chống tham nhũng.
Họ hồ đồ cho rằng, "trên thế giới này, không có quốc gia nào mà người dân lại phải còng lưng đóng thuế để nuôi nhiều cơ quan chống tham nhũng đến vậy"... Hoặc "hơn 10 năm chống tham nhũng, càng chống thì càng tham nhũng, vụ sau lớn hơn vụ trước cả về số tiền của và quan chức với chức vụ cao hơn, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp...".
Cá biệt, có đối tượng còn đưa ra luận điệu xuyên tạc, suy diễn vô căn cứ rằng, chính quyền sinh ra tham nhũng rồi lại thành lập ban chỉ đạo PCTN, TC thì chỉ để làm khổ người dân mà thôi; không cần thiết và tốn tiền, tốn của. Từ đó chúng hô hào, kêu gọi: Muốn chống tham nhũng thì phải thay đổi chế độ, phải "đa nguyên, đa đảng”, phải thực hiện cái gọi là "xã hội dân sự”, "tam quyền phân lập”...
Đầu tiên có thể thấy rõ ràng rằng, công tác PCTN, TC ở Việt Nam thời gian qua có nhiều bước đột phá mạnh mẽ, mang lại hiệu quả, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thi hành kỷ luật cán bộ liên quan đến tham nhũng, tiêu cực ở các cấp, trong đó có 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, có 10 ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC đã ban hành gần 30 văn bản về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và PCTN, TC.
Đặc biệt, việc ban hành Quy định số 69 ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm và Hướng dẫn số 25 ngày 1/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực đã hình thành cơ chế đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Quốc hội đã thông qua 6 dự án luật; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 44 nghị định, 15 quyết định; các bộ, ngành ban hành 216 thông tư, thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế-xã hội, kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực...
Những luận điệu cho rằng chỉ có "đa nguyên, đa đảng”, "tam quyền phân lập” mới chống được tham nhũng thật nực cười. Bởi, nếu chỉ đơn giản vậy, sao nhiều quốc gia được gọi là "đa nguyên, đa đảng”, "xã hội dân sự”, "tam quyền phân lập” mà tham nhũng vẫn tràn lan? Tại sao với chế độ một đảng lãnh đạo, Việt Nam vẫn đang thực hiện hiệu quả công tác PCTN, TC? Có thể thấy, thực tế kết quả công tác PCTN, TC tại Việt Nam thời gian qua đã khiến những luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch trở nên kệch cỡm. PCTN, TC là cuộc đấu tranh lâu dài, gian nan, vất vả để chống "giặc nội xâm”.
Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này, không được chủ quan, không nóng vội, không được thỏa mãn và né tránh, cầm chừng mà phải thật kiên trì, đấu tranh không ngừng, không nghỉ; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe, không để xảy ra tham nhũng; đồng thời phải cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh PCTN, TC để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
(Theo QĐND)