Một số cán bộ, đảng viên thường xuyên cầu cúng vượt quá giới hạn sinh hoạt tín ngưỡng bình thường. Cũng do mê tín, dị đoan, tin tưởng vào bói toán "có tướng, số làm quan, phát tài” nên có người còn tìm mọi cách thực hiện tham vọng của mình. Không ít cán bộ, đảng viên tin vào sự may mắn, tin vào những yếu tố siêu nhiên nên thường xuyên đi cầu cúng, tế lễ… Có gia đình cán bộ, công chức xây am, điện thờ đồ sộ quá mức thông thường, hằng ngày hương khói, tụng kinh, gõ mõ ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, đến an ninh của khu dân cư.
Mê tín, dị đoan còn gây lãng phí của cải, thời gian, cản trở sự phát triển xã hội. Hằng năm, cả nước đốt đi hàng chục nghìn tấn giấy để làm vàng mã, biến hàng trăm tỷ đồng thành tro bụi. Nhiều người còn sắm cả Iphone, biệt thự, ô tô, máy bay, du thuyền, đô - la vàng mã để... cúng cho người đã khuất.
Theo kết quả khảo sát của đề tài khoa học: "Đấu tranh khắc phục tệ mê tín, dị đoan trong cán bộ, đảng viên trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền chủ trì, Tiến sĩ Trương Ngọc Nam làm Chủ nhiệm thì hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân có tâm lý muốn đi lễ cầu cúng trong các đền chùa, miếu phủ. Theo kết quả khảo sát cho thấy: về trình độ học vấn, mức độ thường xuyên đi lễ cầu cúng ở những người có trình độ trung học trở xuống là 71,1%; cao đẳng, đại học là 69,4%; trên đại học là 67,3%. Về nghề nghiệp, những người làm công việc kinh doanh, nghề nghiệp có nhiều rủi ro như nghề y, sản xuất và kinh doanh hóa chất… tỷ lệ thường xuyên đi cầu cúng cũng lớn hơn. Nhiều cơ quan tổ chức đi lễ tập thể và đi nhiều đợt trong năm.
Nguyên nhân của tình trạng trên có phần tác động của mặt trái cơ chế thị trường, làm cho con người dễ sùng bái đồng tiền, tha hóa đạo đức, lối sống. Mặt trái của kinh tế thị trường cũng làm cho tệ tham nhũng nghiêm trọng, tệ nạn xã hội gia tăng, nhiều giá trị truyền thống bị xâm phạm. Nhiều người giàu có, thành đạt một cách nhanh chóng, bất ngờ nảy sinh quan niệm sự thành đạt, giàu có là do số phận, do... trời phù hộ. Những giá trị đạo đức truyền thống bị xâm hại, tốt - xấu lẫn lộn làm xuất hiện "khoảng trống” tinh thần, làm một bộ phận thiếu niềm tin về hạnh phúc, về điều tốt đẹp trong đời sống hiện thực, tìm đến sự "đền bù hư ảo” từ thế giới thánh thần.
Một nguyên nhân cơ bản dẫn đến mê tín, dị đoan là một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu ý chí phấn đấu, vươn lên, chưa gương mẫu trong việc xây dựng nếp sống văn hóa mới.
Hiện tượng cán bộ, đảng viên kể cả cấp cao tổ chức cho gia đình đi lễ các đền chùa xin quẻ, tổ chức các cuộc lễ cầu tài, cầu lộc, cầu phúc rất to, cung tiến tiền triệu; thậm chí, hàng chục triệu đồng đã không còn hiếm.
Ở một khía cạnh khác, nhiều vấn đề thuộc về đời sống tâm linh hay những hiện tượng lạ mà khoa học chưa có điều kiện lý giải; trong khi đó, sự thấm nhuần về thế giới quan, phương pháp luận khoa học của cán bộ, đảng viên còn hạn chế, cho nên đã giải thích một số hiện tượng tâm linh theo hướng duy tâm, thần bí.
Những khó khăn trong khắc phục mê tín, dị đoan còn do những hạn chế bất cập về trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ, của các cấp, các ngành, có lúc, có việc chưa thống nhất về quan điểm chỉ đạo, thiếu kiên quyết trong xử lý các hành vi vi phạm, việc tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa còn nhiều hạn chế… Trình độ nhận thức, phương pháp công tác của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa còn nhiều bất cập, có lúc cứng nhắc, máy móc trong cách ứng xử, trong phương pháp giải quyết hoặc buông lỏng quản lý, để cho các hoạt động tín ngưỡng, mê tín dị đoan diễn ra một cách tự phát…
(Theo QĐND)