Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành là một trong những lá cờ đầu của giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Song song với nâng cao chất lượng dạy và học, những năm qua, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh được Đảng bộ, Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dưới nhiều hình thức, phương pháp.
Đặc biệt, những năm học gần đây, nhà trường đã có nhiều đổi mới trong giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh. Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã quán triệt đầy đủ nội dung các chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo của ngành về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và quản lý học sinh đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong đơn vị; tăng cường giáo dục, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của ngành giáo dục đối với học sinh. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải bám sát và phục vụ trực tiếp nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Trên cơ sở các chủ trương lớn của Trung ương và của tỉnh, nhà trường đã cụ thể hóa thành những cách làm cụ thể, như: thực hiện tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; tăng cường thực hiện kỷ cương, nền nếp, dân chủ trong trường học, tạo môi trường để học sinh tự rèn luyện, phấn đấu; tiếp tục mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc.
Nhà trường đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền theo hướng lồng ghép, tích hợp, tổ chức các chuyên đề, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa. Đặc biệt, hoạt động của câu lạc bộ vô cùng hiệu quả, sáng tạo; những hoạt động thiện nguyện vùng cao, những buổi tặng quà gia đình chính sách…
Thông qua các môn học, nhất là môn Giáo dục công dân đã góp phần trang bị cho học sinh kỹ năng sống, rèn luyện ý thức, hình thành và phát triển ở các em những phẩm chất và năng lực của một công dân trong thời đại mới.
Nhờ đó, chất lượng giáo dục được nâng lên hàng năm, tỷ lệ học sinh đạt học lực giỏi chiếm đa số, không có học sinh xếp loại hạnh kiểm yếu, kém. Đây có thể xem là "hành trang” vững vàng cho những thanh niên trong thời kỳ mở cửa hội nhập, không để những tư tưởng văn hóa xấu, độc xâm nhập.
Những năm học gần đây, bên cạnh việc chú trọng xây dựng môi trường học tập ngày càng đầy đủ về cơ sở vật chất, các trường học trên địa bàn tỉnh đã đặc biệt chú trọng tới việc giáo dục đạo đức, lý tưởng sống cho học sinh, thông qua các hoạt động chính khóa và ngoại khóa, nhằm nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Các trường chú trọng xây dựng các hoạt động giáo dục toàn diện, trong đó có việc xây dựng hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Hoạt động trải nghiệm kết hợp với sinh hoạt dưới cờ được tổ chức một cách thường xuyên. Nội dung linh hoạt và phong phú, hướng vào việc phổ biến kiến thức pháp luật, bồi dưỡng tư tưởng, kỹ năng và lý tưởng sống cho học sinh.
Cán bộ, giáo viên và học sinh Trường TH&THCS Lê Hồng Phong, thị xã Nghĩa Lộ dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại Nhà sàn Bác Hồ thị xã Nghĩa Lộ.
Các trường thường xuyên tổ chức lễ kết nạp đội viên Đội Thiếu niên tiền phong, kết nạp đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại các di tích lịch sử địa phương. Vận dụng tối đa những bài học lịch sử địa phương trong bồi đắp lý tưởng cách mạng cho học sinh.
Cùng với đó, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm và ngày lễ lớn của đất nước như dâng hương, thăm hỏi gia đình thương binh liệt sĩ chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, giao lưu, tổ chức biểu diễn văn hoá văn nghệ chủ đề tình yêu quê hương đất nước…
Trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái xác định công tác giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ngành đã chỉ đạo thống nhất các cơ sở giáo dục xác định đúng và quan tâm tới công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh. Đẩy mạnh các hoạt động, nội dung gắn với học tập, làm theo
tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng mô hình điển hình tiên tiến "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc” giai đoạn 2021 - 2025.
Từ đó, các trường học trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử; 100% các trường xây dựng các mô hình tự quản và liên kết bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông; 100% các trường phổ thông thành lập Tổ tư vấn học đường và có kế hoạch hoạt động theo năm học; 315 cán bộ kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý được tập huấn, cấp chứng chỉ; 165 trường đạt tiêu chuẩn "Trường học hạnh phúc” năm học 2021 - 2022.
Các hội thi, giao lưu, hoạt động trải nghiệm sáng tạo được tổ chức theo hướng thiết thực và hiệu quả, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Vai trò của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp, của tổ chức Đoàn, Hội, Đội được tăng cường, đã chủ động phối hợp với gia đình và cộng đồng trong việc quản lý, giáo dục học sinh; phối hợp với các ngành, đoàn thể triển khai công tác giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, giáo dục phòng, chống ma túy, mại dâm, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, sinh hoạt tập thể, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục ngoài giờ chính khóa tạo sân chơi bổ ích, giáo dục toàn diện và phát huy tốt về phẩm chất, năng lực của học sinh.
Thực hiện lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, pháp luật trong các môn học, hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, giáo dục di sản phù hợp với thực tế địa phương. Hàng năm có trên 6.000 lượt học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên tham gia cuộc thi trực tuyến "Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đặc biệt, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã hoàn thành tài liệu giáo dục địa phương và triển khai giảng dạy đồng loạt, mang tới những tư liệu thống nhất về lịch sử, văn hoá của địa phương.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến trong học sinh, ngành giáo dục và đào tạo cũng đã triển khai kế hoạch với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được xác định cụ thể.
Trong đó, xác định thực hiện nội dung, chương trình giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống bảo đảm phù hợp với từng nhóm đối tượng; liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo, đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện; chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá dân tộc, tinh hoa văn hoá nhân loại trong bối cảnh hội nhập quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học; nâng cao chất lượng môn học Đạo đức, các môn lý luận chính trị và hiệu quả hoạt động giáo dục theo nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn.
Phát huy tính tích cực, niềm say mê, khơi dậy ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến ở mỗi học sinh, sinh viên. Vận dụng các hình thức tổ chức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho học sinh linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tâm sinh lý lứa tuổi và khả năng của người học.
Tổ chức hiệu quả tuần sinh hoạt công dân - học sinh, sinh viên, các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể, lao động, vệ sinh trường, lớp học, hoạt động xã hội; diễn đàn, câu lạc bộ sở thích, tài năng, các phong trào thi đua trong cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên…
Để thực hiện thành công mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu cụ thể đặt ra trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống và đặc biệt là khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn tỉnh, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ giữa các ban, ngành và cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Có được nguồn sức mạnh tổng hợp ấy, nhất định chúng ta sẽ thành công.
Thanh Ba