Trong những năm qua, bên cạnh những tích cực thì sự phát triển của công nghệ, của mạng xã hội cũng gây ra một số hệ lụy, nhất là những thông tin xấu độc.
Mỗi khi đất nước có những sự kiện chính trị mang tính lịch sử, bước ngoặt như Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử đại biểu Quốc hội, hội nghị Ban Chấp hành Trung ương... là các thế lực thù địch tung các thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch hòng kích động "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Trong khi đó, nước ta tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện đầy đủ các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có việc phê chuẩn, thực thi các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Sự xuất hiện tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp đặt ra những yêu cầu, thách thức mới đối với hoạt động công đoàn.
Đứng trước thách thức đó, trong nhiệm kỳ qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn xác định nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng trong công nhân, người lao động là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Để thực hiện nhiệm vụ này, công đoàn các cấp đã đặc biệt quan tâm đến hoạt động giáo dục, phổ biến, tư vấn pháp luật tại nơi ở, nơi làm việc của đoàn viên, người lao động. Việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đoàn viên, người lao động có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, nhất là việc ứng dụng rộng rãi công nghệ số. Đoàn viên, người lao động tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xuất hiện nhiều gương điển hình, nhiều mô hình hiệu quả, đóng góp cho sự lớn mạnh của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Đặc biệt, Đảng đoàn Tổng Liên đoàn đã tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới" là cơ sở chính trị quan trọng định hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam.
Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả. Trong 5 năm qua, đã kết nạp hơn 4,4 triệu đoàn viên, thành lập hơn 24 nghìn công đoàn cơ sở. Triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức Công đoàn.
Công đoàn tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh theo Quyết định 217, Quyết định 218 năm 2013 của Bộ Chính trị. Trong nhiệm kỳ, đã giới thiệu cho các cấp ủy Đảng hơn 700 nghìn đảng viên ưu tú, trong đó có gần 400 nghìn đoàn viên được kết nạp vào Đảng.
Nắm chắc tư tưởng từ cơ sở
Nhiệm kỳ 2023 – 2028, Công đoàn Việt Nam xác định mục tiêu tổng quát là đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.
Trong đó, Công đoàn các cấp xác định tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền và tổ chức thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Triển khai có hiệu quả các giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Tổ chức khoa học, đồng bộ công tác dư luận xã hội ở các cấp công đoàn. Nắm chắc tư tưởng, dư luận xã hội trong đoàn viên, người lao động và của xã hội về tổ chức Công đoàn.
Đồng thời đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
(Theo TTO)