Hội chọi dê Mù Cang Chải: Điểm nhấn Tuần Văn hóa năm 2015
- Cập nhật: Thứ tư, 9/9/2015 | 2:12:07 PM
YênBái - YBĐT - Tuần văn hóa Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải được tổ chức thường niên vào tháng 9 hàng năm. Năm nay, với chủ đề “Mùa vàng trên non”, sẽ có 9 nội dung hoạt động chính thức được tổ chức trong Tuần văn hóa, trong đó có các chương trình nghệ thuật đặc sắc.
|
Đêm khai mạc Tuần văn hóa tại sân vận động trung tâm huyện, Hội thi khèn Mông, bay dù lượn tại đèo Khau Phạ, Triển lãm ảnh ruộng bậc thang, Hội thi chọi dê, Phiên chợ vùng cao, Hội chợ thương mại, các tour du lịch để du khách cùng trải nghiệm, chiếu phim lưu động tại 13 xã. Trong chuỗi hoạt động, Hội chọi dê được Ban tổ chức xác định là điểm nhấn của Tuần văn hóa.
Đây là lần đầu tiên huyện đưa chọi dê vào hoạt động của Tuần văn hóa và địa điểm tổ chức tại vùng hạ lưu của con suối Nậm Mơ (con suối lớn thứ hai chỉ sau suối Nậm Kim). Bắt nguồn từ đỉnh núi Mồ Dề, suối Nậm Mơ hòa vào dòng Nậm Kim ở hạ lưu, ngay trung tâm huyện, rất thuận lợi cho du khách vừa xem hội chọi dê vừa tranh thủ thử sức mình để chinh phục 3 dòng thác của con suối tung bọt trắng xóa, nước mát trong lành. Suối Nậm Mơ đẹp như cái tên vốn có của nó được du khách ví von như nàng tiên đang ngủ trong rừng chợt tỉnh giấc để khoe mái tóc dài óng ả của mình với đất trời.
Anh Phạm Việt Cường - Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết: “Hội thi chọi dê năm nay, có 11 xã đăng ký tham gia gồm: Cao Phạ, Nậm Khắt, Púng Luông, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Mồ Dề, Kim Nọi, Khao Mang và Hồ Bốn. Mỗi xã có 2 con tham gia, riêng xã Dế Xu Phình và Mồ Dề mỗi xã 4 con, tổng cộng có 26 đấu sĩ dê. Anh cho biết thêm, các đấu sĩ dê sẽ thi đấu ở 3 hạng cân: 25 - 30 kg, 31 - 35 kg và, 36 - 40 kg. Mỗi hạng cân Ban tổ chức sẽ trao các giải nhất, nhì, ba. Các địa phương đã được phổ biến hình thức, thể lệ và các quy định về hội chọi dê để triển khai tới các hộ có dê tham dự giải. Vì đây là lần đầu tổ chức nên công tác chuẩn bị cho hội chọi dê từ việc lựa chọn địa điểm, đường để du khách đến xem, làm xới đảm bảo an toàn trong suốt quá trình thi đấu… được Ban tổ chức bàn bạc rất kỹ lưỡng.
Để thuyết minh cho các trận đấu thì việc gọi tên các đối thủ là vấn đề Ban tổ chức quan tâm, nếu như hội chọi trâu thì gọi là “ông” trâu, dê thì gọi thế nào để thêm phần khí thế Ban tổ chức đi đến thống nhất xưng tên là đấu sĩ dê. Đấu sĩ dê chỉ có miếng đánh “độc nhất vô nhị” là dùng sức mạnh nhảy nâng đầu lên thật cao, lấy hai chân sau làm trụ, dùng cặp sừng rắn chắc của mình đổ cộc thật mạnh vào đầu đối thủ, từng nhát một, đối thủ nào không chịu được bỏ chạy là thua cuộc. Dê không có miếng, có đòn đánh đa dạng như chọi trâu, tuy nhiên trong chọi dê có miếng đánh rất riêng, đơn giản nhưng cũng hấp dẫn gây cấn quyết liệt không kém.
Được cán bộ văn hóa xã Giàng A Sinh đưa đến hộ gia đình ông Hảng Sông Tủa bản Háng Cuốn Rùa là 1 trong 6 bản có phong trào nuôi dê phát triển nhất xã Dế Xu Phình, là chủ của đấu sĩ dê được xã chọn tại hội thi dê của huyện. Cố ý nhìn quanh xem đấu sĩ dê đang nhốt ở đâu, nhưng chẳng thấy, đành hỏi chị chủ nhà chị chỉ tay về phía rừng xanh mới được biết mấy ngày nay chồng chị đang ở trên trại dê để luyện cho đấu sĩ dê nhà mình chuẩn bị “xung trận”.
Lại mất gần 3 tiếng đồng hồ đi xe máy chúng tôi mới đến được trại nuôi dê của gia đình anh Tủa. Vừa bắt tay vừa nói chuyện về đấu sĩ dê, anh Tủa rất phấn khởi, hào hững nhưng cũng không kém phần lo lắng bảo: “Dê thỉnh thoảng cũng đánh nhau, nhưng để thi đấu thì đây là lần đầu tiên đấy nên cũng không biết luyện nó như thế nào, xã đã chọn dê nhà mình tới 3 con hạng từ 36 - 40 kg trong tổng số 64 con, tin tưởng mình thì mình phải quyết tâm thôi. Trước hết là tập trung chăm sóc cho dê ăn uống thật tốt để tăng thêm sức khỏe, còn luyện miếng đánh mình đã luyện mấy ngày rồi, lấy hai con đực to khỏe nhất đàn dê để chúng làm quen với cách đánh”.
Nhìn các đấu sĩ dê được buộc ở cột, người chúng sũng mồ hôi vì vừa qua một trận đấu. Qua tinh thần, sự chuẩn bị của anh Tủa tin chắc hội chọi dê sẽ diễn ra thú vị, hấp dẫn và kịch tính. Chia tay anh Hảng Sông Tủa chúng tôi đến nhà anh Chang Mào Sở bên bản Dế Xu Phình A, được xã chọn để đem dê tham gia hội chọi dê. Hỏi về quá trình tập luyện cho đấu sĩ dê của mình, anh Sở chỉ cười. Như để chứng minh bằng việc thực, anh dắt đấu sĩ dê ra khoảng đất trống sau nhà, một dây thừng được buộc vào sừng dê và hướng dẫn cho “đấu sĩ” dê bật nhảy thật cao, dồn sức mạnh vào cặp sừng cứng. Chú dê được luyện nhảy lên như vậy nhiều lần rất thuần thục để quen với cách đánh cơ bản này. Anh Sở rất phấn khởi và quyết tâm cao với hy vọng đấu sĩ dê nhà anh và của xã sẽ thi đấu tốt để dành giải.
Hy vọng Hội chọi dê - điểm nhấn trong các chuỗi hoạt động của Tuần văn hóa năm nay sẽ thành công và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Để rồi, hội thi chọi dê sẽ được duy trì và mở rộng thu hút sự tham gia của các chủ dê đến từ các huyện trong và ngoài tỉnh, góp phần tạo nên những hoạt động mang đậm nét văn hóa của đồng bào các dân tộc huyện vùng cao Mù Cang Chải nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung. Tuần văn hóa Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải chính thức khai mạc đêm ngày 13/9 tới đây, đang thúc giục, mời gọi sự lựa chọn của du khách gần xa.
Gia Nghĩa (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mù Cang Chải)
Các tin khác
Sáng 9/9, tại khu kinh tế Nghi Sơn, thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, Công ty cổ phần Gang thép Nghi Sơn tổ chức lễ khởi công xây dựng Cảng tổng hợp quốc tế gang thép Nghi Sơn với tổng vốn đầu tư 5.850 tỉ đồng.
YBĐT - Tuần Văn hóa và Du lịch Mường Lò năm 2015 với chủ đề "Mường Lò - Hội tụ sắc màu văn hoá" được tổ chức với quy mô cấp tỉnh sẽ diễn ra từ ngày 12 đến hết ngày 20/9/2015. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất, sẵn sàng chờ ngày khai hội.
YBĐT - Nằm trên địa bàn huyện Trấn Yên, Yên Bái nối với đất Tổ Phú Thọ, hồ Vân Hội lại một lần nữa mê đắm lòng người bởi những khoảnh khắc nhìn từ trên cao mà Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thanh Miền đã mang đến cho người thưởng lãm.
YBĐT - Nghĩa Lộ - Mường Lò từ lâu đã được nhiều người biết đến với những điểm du lịch hấp dẫn bởi nét đặc sắc trong văn hóa cũng như truyền thống cách mạng của các dân tộc sinh sống trên địa bàn như: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích lịch sử cách mạng Căng và Đồn Nghĩa Lộ, chợ Mường Lò, du lịch sinh thái ở xã Nghĩa Lợi, Nghĩa An... Xin giới thiệu một số điểm du lịch đặc sắc của thị xã tới du khách thập phương.