Kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Yên Bái (1/10/1991 - 1/10/2021)

Yên Bái - hành trình tái lập và phát triển

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/10/2021 | 7:42:52 AM

YênBái - Sau 30 năm tái lập, kể từ năm 1991, khi Quốc hội khóa VIII ra Nghị quyết chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai, từ một tỉnh có điểm xuất phát thấp, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng bằng ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Yên Bái đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái vui mừng đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến dự Lễ phát động
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái vui mừng đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến dự Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" cấp Quốc gia xuân Kỷ Hợi - 2019 tại xã Việt Cường, huyện Trấn Yên. (Ảnh: T.L)

Sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường, biến nguy cơ thành thời cơ, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, thành kỳ tích của sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương. 

Đặc biệt, từ năm 1991 đến nay, tiếp tục thực hiện mục tiêu đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực, phấn đấu, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội. Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP giá so sánh 2010) bình quân 5 năm 2011 - 2015 đạt 5,71%/năm; bình quân 10 năm 2010 - 2019, đạt khoảng 6,12%/năm. 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp từ 25,5% năm 2011 xuống còn 21,4% năm 2019 và tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng từ 23,7% năm 2011 lên 26,6% năm 2019; tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 45,9% năm 2011 lên 47,2% năm 2019. GRDP bình quân đầu người tăng gần 2 lần, góp phần đưa 22 xã, 122 thôn, bản trong tỉnh bước ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. 

Đặc biệt, nhiệm kỳ 2015 - 2020 vừa qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đời sống của đồng bào nhân dân các dân tộc từ vùng thấp tới vùng cao đã được cải thiện đáng kể. 

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2020, Yên Bái đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7,04% (đứng thứ 12 toàn quốc, cải thiện 6 bậc so với đầu nhiệm kỳ). Từ thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới cùng các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ, kết hợp với khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng chặt chẽ, gắn bó, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Đội ngũ cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở phát huy vai trò gương mẫu đi đầu, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, nhân rộng mô hình, điển hình tập thể, cá nhân tiên tiến học và làm theo Bác, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Điểm nhấn đặc biệt quan trọng trên hành trình tái lập và phát triển của tỉnh Yên Bái 30 năm qua chính là sự khẳng định vị thế trung tâm liên kết phát triển vùng - điểm sáng của cả khu vực Tây Bắc bởi nỗ lực thực hiện xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. 

Đến nay, Yên Bái có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm trên 50% số xã toàn tỉnh, thành phố Yên Bái hoàn thành xây dựng nông thôn mới, huyện Trấn Yên đạt chuẩn quốc gia huyện nông thôn mới đầu tiên của khu vực Tây Bắc. 

Thành tựu ấy chính là nguồn nội lực sức mạnh to lớn, làm nền tảng, tạo đà cho quá trình xây dựng, phát triển và đi lên của Yên Bái hôm nay. Từ một tỉnh nghèo, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, hôm nay cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông của tỉnh đã được đầu tư đồng bộ, hiệu quả, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm cho diện mạo đô thị, nông thôn từ vùng thấp tới vùng cao ngày càng khang trang, tươi đẹp.

Tiêu biểu là trong đợt thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Yên Bái đã hoàn thành 5 dự án trọng điểm gồm: Dự án đường nối quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Dự án chỉnh trang tổng thể khu vực Ngòi Thia, tỉnh Yên Bái; Dự án hạ tầng kỹ thuật công viên Đồng Tâm; Dự án Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Yên Bái và Dự án Nhà Bảo tàng tỉnh Yên Bái. 

Ngoài ra, tỉnh Yên Bái cũng chính thức tiến hành khởi công một số dự án như: Dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Trạm Tấu - Bắc Yên; Dự án đường nối quốc lộ 32 thị xã Nghĩa Lộ với tỉnh lộ 174 huyện Trạm Tấu; Dự án đường nối quốc lộ 32C với quốc lộ 37 và đường Yên Ninh (thành phố Yên Bái)... Theo đó, Yên Bái đã được Chính phủ chấp thuận tham gia chương trình hợp tác hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. 

Thực tế cho thấy, môi trường đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, sáng tạo của Yên Bái đã và đang dần khẳng định thương hiệu "thân thiện, cởi mở, an toàn” bằng niềm tin và sự quan tâm đặc biệt của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước khi chọn Yên Bái làm điểm dừng chân. 



Yên Bái đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư. Trong ảnh: Một góc Khu Công nghiệp phía Nam.
(Ảnh: Thanh Miền) 

Một điểm nhấn đặc biệt có ý nghĩa trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là Yên Bái đã trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước mạnh dạn đưa chỉ số hạnh phúc của người dân vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX để triển khai thực hiện với vai trò, trách nhiệm và ý chí quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. 

Yên Bái đang khẳng định quyết tâm hướng đến một tương lai phát triển xanh, đảm bảo tính bền vững với tổng vốn đầu tư toàn xã hội mà tỉnh huy động đạt được trong nhiệm kỳ 2016 - 2020 là 62.500 tỷ đồng, các vùng nông sản hàng hóa tập trung đang từng bước hình thành, tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 của tỉnh đạt trên 62%. 

Đặc biệt là thu ngân sách của tỉnh đạt con số ấn tượng 3.600 tỷ đồng trong năm 2020 đầy khó khăn về cả thiên tai lẫn dịch bệnh. Từ đầu năm 2021 đến nay, Yên Bái thành lập mới 209 doanh nghiệp, 63 hợp tác xã, nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên gần 2.600 doanh nghiệp và 564 hợp tác xã. Với tổng số lao động trong các doanh nghiệp trên 42.000 người và 28.000 thành viên HTX, Yên Bái đã đảm bảo nâng mức thu nhập bình quân của người lao động trong tỉnh tăng từ 5,4 lên 6,7 triệu đồng/tháng, góp phần nộp ngân sách Nhà nước 8 tháng đầu năm 2021 trên 823 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ. 

Song song với việc khai trương Trung tâm tiêm chủng vắc-xin VNVC đầu tiên tại tỉnh, với tinh thần "chống dịch như chống giặc”, quyết tâm kiểm soát và giữ vững "vùng xanh" an toàn, ngoài việc tăng cường đội ngũ y, bác sĩ cho các địa phương trong cả nước phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Yên Bái đang tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 68 của Chính phủ; khẩn trương tiêm vắc-xin cho các đối tượng theo Kế hoạch của UBND tỉnh; triển khai và đưa nghị quyết đại hội đảng các cấp vào cuộc sống, tập trung phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo nhanh, bền vững, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh; gắn tăng trưởng kinh tế với xây dựng và phát triển văn hóa, con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”. 

30 năm - khoảng thời gian không dài so với lịch sử phát triển của một vùng đất. Song, với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Yên Bái, đó lại là khoảng thời gian ghi dấu những mốc son rực rỡ trong hành trình tái lập và phát triển bằng ý chí và khát vọng xây dựng quê hương của cả Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc. 

Thành tựu đạt được trong công cuộc xóa đói giảm nghèo cùng những kết quả vô cùng quan trọng trong xây dựng nông thôn mới hôm nay đã, đang và sẽ không chỉ giúp cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân Yên Bái mà còn củng cố vững chắc hơn niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá vùng trung du, miền núi phía Bắc theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

TRAO GỬI NIỀM TIN

Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái: 



Thành tựu 30 năm đổi mới gắn với 30 năm tái lập tỉnh mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đạt được rất lớn và toàn diện. So với 14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và 6 tỉnh Tây Bắc, Yên Bái xếp ở nhóm đầu. Đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, nông thôn, nông dân đã được thụ hưởng thành quả trong xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nông thôn. 

Với truyền thống đoàn kết, thống nhất và quyết tâm chính trị cao, tin tưởng, Yên Bái sẽ sớm đạt được mục tiêu trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.

Đồng chí Vũ Tiến Chiến - Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái: 



Sau 30 năm tái lập, trải qua 6 kỳ đại hội với những quyết sách đúng đắn và phù hợp, Yên Bái đã lập lên những kỳ tích trên con đường phát triển và hội nhập. Nổi bật là kinh tế tăng trưởng khá; công nghiệp phát triển với mô hình và quy mô phù hợp; xây dựng kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm; chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng cao; công tác tổ chức cán bộ có nhiều đổi mới... 

Đây là những thành quả rất to lớn, toàn diện, đáng phấn khởi, trân trọng và tự hào, tạo đà để Yên Bái phát triển mạnh mẽ, toàn diện, bền vững hơn nữa trong thời gian tới.

Đồng chí Đỗ Khắc Cương - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn:



So với nhiều tỉnh trong vùng, đến nay, hạ tầng kinh tế - xã hội của Yên Bái đã được đầu tư đồng bộ và hiệu quả, có nhiều đổi mới cả về lượng và chất. Thực tiễn đã cho thấy, "không có gì là không thể”, mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, song với truyền thống đoàn kết, ý chí kiên cường cùng với những bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra sau 30 năm tái lập tỉnh, chúng ta tin tưởng rằng, những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ trở thành hiện thực sinh động, đưa Yên Bái bước vào thời kỳ phát triển mới.

Đồng chí Lê Huy Hợp - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái: 



30 năm tái lập chưa thật dài, nhưng đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc của tỉnh, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đây chính là tiền đề, động lực để tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng đổi mới tư duy, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng Yên Bái trở thành một trong những tỉnh phát triển toàn diện hơn nữa.

Hồng Oanh (thực hiện)

Thanh Hương

Tags Tái lập tỉnh Yên Bái tự lực tự cường khát vọng vươn lên chính trị kinh tế văn hóa xã hội môi trường đầu tư kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo

Các tin khác

Những năm đầu tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ của Yên Bái chủ yếu là chợ, cửa hàng tự chọn. Đến nay, sau 30 năm, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển căn bản, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và có những bước đi vững chắc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tái lập tỉnh, Yên Bái xây dựng quê hương trong những khó khăn chồng chất của tỉnh miền núi nghèo nhất cả nước. 30 năm qua với 6 nhiệm kỳ đại hội Đảng, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo các cấp cùng sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, ngay từ khi tái lập tỉnh, bằng những giải pháp đột phá và quyết liệt, Yên Bái đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông để đi trước mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 30 năm qua, Yên Bái đã làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải bảo tồn và phát huy tốt nét đẹp văn hóa trong thêu, may trang phục truyền thống.

Xuyên suốt chặng đường 76 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh, Yên Bái đã tạo lập một nền tảng vững chắc với những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Chặng đường ấy, Yên Bái chú trọng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục