Xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/9/2020 | 1:57:16 PM

YênBái - Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 85-CTr/TU, ngày 24/9/2014.

Các hoạt động văn hóa - du lịch góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Yên Bái.
Các hoạt động văn hóa - du lịch góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Yên Bái.

Qua 5 năm thực hiện, nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước nâng lên rõ rệt.

Theo đó, việc giáo dục, chăm lo xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện được quan tâm; trong đó, tập trung xây dựng giá trị văn hóa, đạo đức, năng lực, trí tuệ, bồi dưỡng lòng yêu nước, tự tôn, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với bản thân, gia đình, xã hội, hướng tới xây dựng con người Yên Bái với các đặc tính: thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập. 

Để hình thành, phát triển nhân cách, nâng cao dân trí, công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành chú trọng và đạt nhiều kết quả. 

Mạng lưới trường lớp tiếp tục được điều chỉnh theo hướng hợp lý, hoạt động hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Toàn tỉnh hiện có 460 cơ sở giáo dục, 202 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 47,2%. Chất lượng giáo dục đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn. Đưa nội dung giáo dục về lịch sử Đảng bộ địa phương, truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái vào tuyên truyền, giảng dạy trong các cơ sở, giáo dục đào tạo, góp phần bồi đắp lòng tự tôn, tự hào dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong thế hệ trẻ... 

Bên cạnh giáo dục, từ các phong trào thi đua yêu nước, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu "người tốt, việc tốt” trên các lĩnh vực; cụ thể, có 6.760 tập thể, 8.213 cá nhân được nhận Bằng khen của UBND tỉnh, từ năm 2016 - 2019 có 88 tập thể, 274 cá nhân nhận Bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, góp phần nhân rộng, lan tỏa các giá trị tốt đẹp trong đời sống xã hội. 

Việc xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng, cơ quan, gia đình trường học và phát huy truyền thống gia đình, dòng họ, giáo dục đạo đức, lối sống trong xây dựng môi trường văn hóa được quan tâm thực hiện xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở. 

Trong đó, các cấp ủy, chính quyền đã tập trung đẩy mạnh Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo được hiệu ứng cao trong đời sống xã hội, có sức lan tỏa nhanh, được các cấp, các ngành và nhân dân tích cực hưởng ứng. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 158.767/208.245 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa (đạt 76,2%); 1.315/2.263 làng, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa (đạt 58%), 1.069/1.332 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (đạt 80%). 

Đến nay, có 17 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 9 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Trên cơ sở thực hiện, Phong trào đã mang lại hiệu quả thiết thực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, kinh tế không ngừng phát triển, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao, các thiết chế văn hóa được quan tâm xây dựng, tình làng nghĩa xóm được củng cố; các hủ tục dần được xóa bỏ, công tác xây dựng cảnh quan môi trường được khang trang xanh - sạch - đẹp. 

Một trong những hoạt động nổi bật là phong trào nhân dân tự nguyện đóng góp tiền, của, ngày công lao động để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xóm và các công trình phúc lợi khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí tại địa phương. Triển khai thực hiện có hiệu quả nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, nhiều hủ tục được xóa bỏ. 

Bên cạnh đó, công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Hàng năm, việc tổ chức các hoạt động biểu dương gia đình văn hóa, dòng họ hiếu học đã góp phần tôn vinh gia đình văn hóa, đề cao các giá trị tốt đẹp của truyền thống gia đình. 

Xây dựng môi trường văn hóa công sở, hàng năm, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức ký cam kết thực hiện các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. 

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh được phát huy. Tỉnh phối hợp cùng Lai Châu, Sơn La, Điện Biên về việc triển khai xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại... Hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở trên địa bàn được quan tâm đầu tư xây dựng, hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở diễn ra sôi nổi… Đó là kết quả sau 5 năm Nghị quyết số 33-NQ/TW đi vào đời sống tại Yên Bái.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, tỉnh đã đề ra mục tiêu xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo và hội nhập”. Để hoàn thành mục tiêu trên, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giới thiệu quảng bá về đất và người Yên Bái; trong đó, xây dựng và phát huy những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ xã hội, vào từng người dân, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng dân cư, vào mọi lĩnh vực cuộc sống và quan hệ con người, tạo nên đời sống tinh thần cao đẹp với hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Yên Bái đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển. 

Thực hiện tốt mục tiêu xây dựng con người phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức, tinh thần, năng lực sáng tạo, ý thức công dân và sự tuân thủ pháp luật, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, tính cộng đồng, ý thức tự lực, tự cường vươn lên của người dân Yên Bái.

 Có giải pháp mạnh mẽ ngăn chặn hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng và các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường sống văn hóa, bình an, hạnh phúc cho người dân. Tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa, phát triển văn hóa gắn với du lịch. 

Coi trọng chất lượng, hiệu quả Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và triển khai cuộc vận động "xây dựng gia đình hạnh phúc”; phát huy những giá trị nhân văn, sống đẹp, sống có ích "mình vì mọi người, mọi người vì mình” và tinh thần tương thân, tương ái trong xã hội, xây dựng môi trường văn hóa công sở trong sạch, dân chủ, đoàn kết. Đẩy mạnh phong trào toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại lựa chọn, đầu tư hiệu quả cho thể thao thành tích cao.

 Phát triển mạnh mẽ thông tin, truyền thông theo hướng đa phương tiện, từng bước ứng dụng công nghệ hiện đại. Tăng cường quản lý và phát huy vai trò các cơ quan báo chí, bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, khai thác hiệu quả các loại hình thông tin tiên tiến, đưa báo chí trở thành công cụ hữu hiệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị, xã hội, thuần phong, mỹ tục.
Thu Hiền

Tags Yên Bái hạnh phúc bản sắc hài hòa

Các tin khác

Ngày 30/10, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Dưới đây là toàn bộ nội dung Chương trình hành động:

Đảng bộ thành phố Yên Bái tổ chức quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã thông qua các văn kiện quan trọng, xác định “5 phương hướng phát triển, 3 đột phá chiến lược, 7 nhiệm vụ trọng tâm” với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững trên 3 trụ cột là kinh tế - xã hội - môi trường theo hướng "phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX diễn ra trong 3 ngày (22 - 24/9) tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Đây là sự kiện quan trọng quyết định hướng phát triển của tỉnh Yên Bái trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo. Báo Yên Bái điểm lại các hoạt động chính trong những ngày diễn ra Đại hội.

Ông Đỗ Đức Duy chia sẻ tâm huyết khi Yên Bái là tỉnh đầu tiên đưa “chỉ số hạnh phúc” vào nghị quyết. Theo ông, đây là điểm mới trong chiến lược phát triển của tỉnh nhiệm kỳ tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục