Nâng cao chất lượng đại biểu dân cử

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/3/2016 | 8:08:38 AM

Lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân bầu vào Quốc hội và HĐND có ý nghĩa quyết định góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp.

Đại biểu Quốc hội và HĐND là đại diện ý chí, nguyện vọng của cử tri.
Đại biểu Quốc hội và HĐND là đại diện ý chí, nguyện vọng của cử tri.

Ủy Ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vào ngày 22/5/2016. Đây là sự kiện chính trị quan trọng triển khai theo  đường lối Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Những năm qua, Quốc hội và HĐND các cấp đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ trong việc thực hiện chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương. Tuy nhiên, không ít đại biểu dân cử, nhất là  người đứng đầu địa phương, và “tư lệnh ngành”  thường e ngại phát biểu ý kiến tại diễn đàn; một số đại biểu năng lực hạn chế, ít liên hệ mật thiết với nhân dân, thiếu hiểu biết thực tiễn đời sống xã hội nên không phản ảnh được ý kiến, nguyện vọng của cử tri, không tỏ rõ được chính kiến của mình trong các phiên họp của cơ quan dân cử, không làm tròn trách nhiệm là “tiếng nói của nhân dân”, cá biệt do lựa chọn không kỹ nên có đại biểu vi phạm kỷ luật, pháp luật, bị bãi miễn tư cách đại biểu.

Từ thực trạng trên, để cuộc bầu cử đạt kết quả cao, cấp ủy Đảng các cấp cần thực sự phát huy dân chủ đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; gắn kết quả nhân sự đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. “Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng” (Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 4/1/2016).

Trong quá trình chuẩn bị cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, số người tự ứng cử tăng nhiều so với các cuộc bầu cử trước, không những tại các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội …có nhiều đại biểu tự ứng cử mà ở một số tỉnh cũng có người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Điều đó chứng tỏ cuộc bầu cử đã thu hút được sự quan tâm của xã hội, của cử tri, tin tưởng vào tính công khai, dân chủ, minh bạch trong cuộc bầu cử; một số nhà khoa học chân chính và người có tâm huyết với đất nước, với dân tộc, mong muốn được là người đại diện của dân, góp phần vào sự phát triển của nước nhà, trong đó nhiều người trẻ, có trình độ, năng lực, đã và đang tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, được công chúng tin yêu.

Vừa qua, trong hội nghị cử tri giới thiệu ứng cử viên đại biểu HĐND cấp cơ sở, một số nơi vì muốn làm nhanh, nên “làm tắt quy trình”, không theo hướng dẫn của cơ quan cấp trên, đại diện MTTQ đọc danh sách do cơ quan, tổ chức… giới thiệu nên cử tri không dám ứng cử, đề cử; các cử tri nhanh chóng biểu quyết nhất trí, tạo nên tâm lý “dân chủ hình thức”, chiếu lệ. Yêu cầu của việc tổ chức hội nghị cử tri giới thiệu ứng cử viên là bảo đảm công khai, dân chủ, tạo điều kiện để mọi công dân, dù là đảng viên hay chưa là đảng viên đều bình đẳng, được quyền ứng cử, đề cử. Tại hội nghị hiệp thương giới thiệu danh sách ứng cử viên cần có số dư so với số đại biểu được bầu; số người được chọn trong danh sách chính thức để bầu cử dù được các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội… giới thiệu hay người tự ứng cử đều là người đủ tiêu chuẩn, có quyền bình đẳng như nhau, không nên đề ra chủ trương “quân xanh, quân đỏ”, dễ nẩy sinh suy diễn “thiếu dân chủ” trong tâm lý cử tri và trong suy nghĩ giữa các ứng cử viên.

Tổ chức để các ứng cử viên tiếp xúc cử tri là bước rất quan trọng để cử tri hiểu biết các ứng cử viên, đồng thời là cơ hội để ứng cử viên thể hiện rõ năng lực của mình, qua đó có thể thuyết phục sự đồng thuận của cử tri. Vì vậy trước hội nghị này các ứng cử viên cần chuẩn bị phát biểu của mình về những việc sẽ làm nếu được bầu là đại biểu của dân (chương trình hành động) một cách chu đáo, kỹ lưỡng; trong hội nghị cần trình bày rõ ràng, mạch lạc. Nên tạo điều kiện để cử tri trao đổi, đối thoại với ứng cử viên, thông qua báo cáo của ứng cử viên, cử tri sẽ hiểu biết thêm về trình độ, năng lực, kỹ năng thuyết trình, thuyệt phục và bản lĩnh của ửng cử viên đứng trước diễn đàn. Đây là hình thức vận động bầu cử, tranh cử lành mạnh và cần thiết trong khuôn khổ của pháp luật. Sau các vòng hiệp thương theo quy định, danh sách ứng cử viên chính thức để bầu cử phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại thôn, khu phố nơi cư trú, các điểm bầu cử và tại các cơ quan, đơn vị công tác để cử tri mạn đàm, trao đổi, giám sát, lựa chọn, phản ảnh ý kiến khi cần thiết.

Thực sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình bầu cử đi đôi với bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng đối với công tác cán bộ là một trong những nguyên tắc trong xây dựng Đảng, chính quyền. Cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp, trước hết là cơ sở tạo điều kiện để cử tri hiểu rõ về từng ứng cử viên sẽ là động lực quan trọng thu hút sự quan tâm của cử tri đối với cuộc bầu cử, là động lực động viên cử tri  tích cực tham gia bỏ phiếu và tỉnh táo, sáng suốt  lựa chọn, bầu những đại biểu thực sự đủ phẩm chất đạo đức, có năng lực, bản lĩnh, tâm huyết, hành động theo ý chí, nguyện vọng, sẵn sàng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Cử tri sẽ không bầu những người không dám nói tiếng nói của lòng dân hoặc chỉ nói để lấy lòng, nói theo, nói dựa hoặc không nói gì.

Trọng trách lớn nhất của mỗi đại biểu dân cử mang theo trong hành trang làm chức năng đại biểu của mình là đại diện ý chí, nguyện vọng của cử tri. Trong vai trò ấy, tiếng nói của họ không phải là tiếng nói của địa phương, của ngành, lĩnh vực mình mà là tiếng nói của cử tri, tiếng nói của cuộc sống, của lòng dân. Vì vậy, một trong những trọng trách lớn lao nhất đối với ứng cử viên đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp là gắn bó mật thiết với nhân dân, sống hòa mình với cuộc sống của nhân dân, nói tiếng nói của nhân dân.

(Theo Dangcongsan.vn)

Các tin khác

YBĐT - Chiều 21/3, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Yên Bái đã tổ chức hướng dẫn việc tiến hành hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016-2021.

Tính đến ngày 18/3, các cơ quan Trung ương, địa phương trong cả nước đã hoàn thành việc hiệp thương lần hai, thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Toàn cảnh hội nghị.

YBĐT - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) thành phố Yên Bái vừa hoàn thành Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 để giới thiệu và lựa chọn người ứng cử đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2021.

YBĐT - Khiếu nại, tố cáo (KNTC) là những quyền cơ bản của công dân được quy định cụ thể trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục