Yên Bái tăng tỉ lệ nữ ứng cử: Vinh dự, trách nhiệm và niềm tin

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/5/2021 | 1:58:38 PM

YênBái - Đảm bảo tỷ lệ đại biểu là phụ nữ ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), bảo đảm có ít nhất là 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ và phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử là khoảng 30% tổng số đại biểu HĐND là mục tiêu rất được quan tâm trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Bích Nhiệm (thứ 3, phải sang) trao đổi với hội viên phụ nữ huyện Lục Yên về công tác tham gia tuyên truyền bầu cử tại địa phương (ảnh chụp trước ngày 20/4/2021).
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Bích Nhiệm (thứ 3, phải sang) trao đổi với hội viên phụ nữ huyện Lục Yên về công tác tham gia tuyên truyền bầu cử tại địa phương (ảnh chụp trước ngày 20/4/2021).


Suốt thời gian qua, bám sát vai trò, chức năng của mình trong công tác bầu cử, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã nỗ lực rất lớn trong công tác bầu cử nói chung và cho mục tiêu tăng tỷ lệ nữ ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nói riêng. Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội chủ động tham mưu, giới thiệu, đề xuất phụ nữ đủ điều kiện, tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp; rà soát, phát hiện, chuẩn bị danh sách phụ nữ tiêu biểu giới thiệu nguồn nữ ứng cử viên ĐBQH, đại biểu HĐND gửi cấp ủy, thường trực HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp. 

Các lớp tập huấn cho nữ ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp đã được tổ chức để trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng liên quan cho các nữ ứng cử viên. Cấp tỉnh tập huấn cho 270/270 nữ đại biểu tham gia ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện. Cấp huyện, tham mưu cho Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và trực tiếp tổ chức 9 lớp tập huấn cho 1.493 nữ ứng cử viên tham gia lần đầu đại biểu HĐND cấp xã. 

Thông qua hoạt động tập huấn đã trang bị cho nữ ứng cử viên những kiến thức cơ bản về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người ĐBQH và đại biểu HĐND, kỹ năng xây dựng và trình bày chương trình hành động, tiếp xúc cử tri, tiếp xúc với cơ quan truyền thông, kỹ năng xây dựng hình ảnh cá nhân… 

Qua đó, các nữ ứng cử viên tham gia ứng cử đã chuẩn bị tốt chương trình hành động của mình, tự tin trong các hội nghị tiếp xúc cử tri và trình bày chương trình hành động tạo sự tin tưởng, tín nhiệm đối với cử tri tại các địa phương tham gia bầu cử. Cùng với đó, Hội còn chủ động hỗ trợ nữ ứng cử viên trong thu thập thông tin, xây dựng chương trình hành động; phân công cán bộ Hội tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp xúc với truyền thông để hỗ trợ, động viên nữ ứng cử viên. 

Bên cạnh nỗ lực của tổ chức Hội, xác định rõ vinh dự và trách nhiệm của mình đối với mục tiêu tăng tỷ lệ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử cũng như việc nâng cao vị thế của phụ nữ, bản thân các nữ ứng cử viên luôn sẵn sàng tâm thế nhập cuộc tích cực và tự tin. 

Bà Sùng Thị Tường Vy - chuyên viên Hội LHPN huyện Mù Cang Chải, nữ ứng cử viên ĐBQH chia sẻ: "Thật sự phấn khởi, vinh dự và tự hào khi được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, đơn vị nơi công tác giới thiệu tham gia ứng cử ĐBQH khóa XV. Đây đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao của bản thân trước cử tri địa phương và cử tri cả nước. Để xứng đáng với sự tin tưởng, tín nhiệm của cử tri, bản thân tôi sẽ luôn cố gắng nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa, tiếp tục rèn luyện, hoàn thiện bản thân, xứng đáng là người đại biểu dân cử”. 

Bà Hoàng Phương Thúy - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, nữ ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh chia sẻ: "Bản thân tôi xác định tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp cũng như ứng cử vào các cơ quan dân cử là quyền nhưng cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm để từ đó tham gia một cách tích cực nhất. Tôi cho rằng, mục tiêu lớn hơn, quan trọng hơn của nữ ứng cử viên là qua quá trình vận động bầu cử để thể hiện tốt nhất tiếng nói, vị thế và uy tín, phát huy tốt nhất vai trò của mình để góp phần tăng tỷ lệ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử". 

"Là ứng cử viên nữ, với cương vị và trách nhiệm là cán bộ lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, bản thân tôi luôn xác định rõ tinh thần và trách nhiệm của mình là cùng với tập thể lãnh đạo cơ quan làm tốt vai trò tham mưu với Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh triển khai các nhiệm vụ công tác Hội và phong trào phụ nữ đạt kết quả, góp phần vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; đồng thời nỗ lực để mang lại môi trường và chất lượng sống thật tốt cho phụ nữ và trẻ em…”, bà Thúy nói.

Các nữ ứng cử viên đều chia sẻ, sự quan tâm, tin tưởng của Đảng và Nhà nước tạo cơ hội cho phụ nữ thông qua bầu cử chính là trao cho phụ nữ cơ hội được phát huy trình độ năng lực, vai trò, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong quyết định các chính sách, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.



Lớp tập huấn cho nữ ứng cử viên ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện. 

Theo lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, công tác cán bộ nữ nói chung và tỷ lệ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong những năm đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Với việc tạo điều kiện trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và bố trí vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ nữ của tỉnh ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình. Trong công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp trong 2 nhiệm kỳ 2011 - 2016 và 2016 - 2021, tỷ lệ nữ ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp đều đạt trên 30%. 

Và tại Hội nghị hiệp thương lần 3 vừa qua, tỷ lệ nữ trong danh sách ứng cử đều đạt cao, đặc biệt là nữ tham gia ứng cử ĐBQH đạt 75%, nữ tham gia ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện và cấp xã đều đạt trên 38%. Hội LHPN tỉnh tin tưởng, đại biểu nữ trong danh sách ứng cử sẽ là những đại biểu tiêu biểu nhất để cử tri sáng suốt lựa chọn người đủ đức, đủ tài vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Kết quả về tỷ lệ nữ sau Hội nghị hiệp thương lần 3

- Đại biểu Quốc hội: 6/8, đạt 75%
- Đại biểu HĐND tỉnh: 34/97, đạt 35%
- Đại biểu HĐND huyện: 184/479, đạt 38,4%
- Đại biểu HĐND xã: 2379/6107, đạt 38,9%.
- 9/9 đơn vị cấp huyện có tỷ lệ nữ ứng cử viên từ 35% trở lên; trong đó: cao nhất 46,9%; thấp nhất 35,4%.
- 150/173 xã có tỷ lệ nữ ứng cử viên đạt từ 35%; trong đó: cao nhất 65%; thấp nhất 19,4%.

Thu Hạnh

Tags Yên Bái tăng tỉ lệ nữ ứng cử

Các tin khác
Cán bộ Viễn thông Yên Bái kiểm tra hệ thống đường truyền phục vụ công tác bầu cử.

Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng kế hoạch trực đảm bảo thông tin liên lạc (TTLL) và trực tiếp tiến hành việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc tại các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông.

Ban Chỉ đạo bầu cử xã An Thịnh kiểm tra danh sách cử tri tại khu vực trung tâm xã.

Chúng tôi về xứ đạo An Thịnh (xã An Thịnh, huyện Văn Yên) khi ngày bầu cử đang rất gần. Nắng vàng như muốn tô thêm sắc thắm của cờ, hoa, biểu ngữ trên nền xanh thắm của ngút ngàn rừng quế. Tiếng chuông nhà xứ ngân vang trong tiếng loa tuyên truyền về các biện pháp phòng dịch và bầu cử.

Các cử tri được hướng dẫn thực hiện thông điệp 5K trước bầu cử.

Các địa phương đã thành lập tổ y tế cố định tại tất cả địa điểm bỏ phiếu cố định. Các điểm bỏ phiếu lưu động, thực hiện khử khuẩn hòm phiếu, thành lập tổ kiểm phiếu riêng, cán bộ kiểm phiếu sử dụng trang phục phòng, chống dịch...

Đồng chí Nguyễn Thị Bích Nhiệm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại xã Minh Tiến, huyện Lục Yên.

Thực hiện kế hoạch kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 của Ủy ban Bầu cử tỉnh Yên Bái, vừa qua, đồng chí Nguyễn Thị Bích Nhiệm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại xã Minh Tiến, huyện Lục Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục