Kiên cường Hợp Minh
- Cập nhật: Thứ năm, 28/7/2016 | 9:39:28 AM
YBĐT - Năm 1946, Quân khu 2 được thành lập. Năm 1947, Yên Bái sáp nhập làng Bình Phượng, Lũ Điền, Hợp Minh lập ra xã Liên Hiệp, thuộc huyện Trấn Yên (có người gọi xã này là Liên Hợp). Điều đáng nói là vừa ra đời, còn non trẻ, xã đã có đội du kích khá mạnh.
Lúc này, toàn quốc đã kháng chiến, quân Pháp đang kéo từ Sơn La qua đèo Đao sang chiếm châu Văn Chấn, lập đồn Đồng Bồ, Ba Khe, Ca Vịnh, đang kéo ra chiếm Đồng Bằng. Đến đâu, chúng càn quét, cướp bóc, bắn giết…
Dù còn non trẻ, vũ khí thiếu thốn, phần nhiều là giáo mác, súng kíp nhưng Đội du kích xã Liên Hiệp vẫn thường xuyên phối hợp với trung đội chủ lực do anh Tôn chỉ huy, kéo vào đồn Đồng Bằng vây đánh địch. Lúc thì Đội phối hợp với du kích xã Âu Lâu vây phục đánh đồn Đồng Bằng. Có đợt đánh mạnh, lính địch khiếp sợ không dám ra ngoài. Du kích làm chủ cả một vùng rộng lớn từ đồn điền Lê Thế Phương, khu nhà Thư ký Vận, đến Khe Mí. Đội đã tham gia bốn đợt chống càn lớn, rồi cùng với bộ đội chủ lực đánh, giải phóng Đồng Bằng.
Sau đó, Đội tiếp tục vào Ba Khe, Gốc Báng phục đánh địch. Càng chiến đấu Đội du kích xã Liên Hiệp càng lớn mạnh, dày dạn kinh nghiệm. Đội lập ra một tiểu đội cơ động gồm các anh Ngạch, anh Lầm, anh Phẩm… Tháng 10/1946, tiểu đội du kích cơ động này phối hợp với Trung đội 60 của bộ đội huyện Trấn Yên đánh địch ở Đồng Mè, tiêu diệt 10 tên.
Tháng 7/1950, lực lượng đã mạnh, Đội tiến lên một bước chủ động kéo địch ra khỏi đồn mà đánh. Lần ấy, một đại đội của tiểu đoàn anh Vi Văn Giáo có kế hoạch đánh địch. Được biết, tiểu đội cơ động của xã Liên Hiệp nhận kéo địch ra để đánh. Anh du kích Ngạch được giao làm nhiệm vụ. Anh Ngạch mưu kế theo dõi, rồi vào đồn Ca Vịnh lấy lại bốn con trâu mà địch mới cướp của dân. Thấy trâu buộc trong đồn mà bị mất, viên quan chỉ huy địch tức tối, ra lệnh kéo quân đuổi theo. Chờ lũ lính đồn kéo ra, anh Ngạch dũng cảm để cho chúng thấy, rồi nhử chúng đuổi theo về hướng Làng Cọ. Thấy mồi ngon, chúng định bắt sống. Thế là chúng mắc mưu, bị anh Ngạch đưa vào trận địa phục kích của bộ đội ta. Lúc ấy, anh bỗng biến mất, mìn bắt đầu nổ, rồi súng đại liên, các cỡ súng của bộ đội ta cùng nổ liên hồi.
Trận đánh diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. Quân ta an toàn tuyệt đối. Còn dân thì vui mừng báo về, thấy tổng cộng có 25 cái cáng chúng khiêng nhau chạy, chỉ tiếc không phân biệt được trong số đó có bao nhiêu tên chết, bao nhiêu bị thương.
Cay cú bị đánh đau, quân Pháp huy động thêm quân lính đồn Đồng Bồ, đồn Ba Khe cùng càn quét, trả thù. Bị địch đánh bất ngờ, chúng lại quá đông, du kích xã Liên Hiệp bị đánh bạt ra bờ sông Hồng. Túng bí bị địch đuổi sau, một du kích liều bơi qua sông, bị chúng bắn chết. Còn hầu hết, do thông thạo địa hình anh em đã lẩn thoát. Riêng anh Mỹ Trạch - Xã đội phó, bị địch bắt, không biết rõ về anh, đưa về giam ở đồn Ba Khe, hàng ngày bắt anh đi khiêng nước. Mỗi lần đưa anh ra khỏi đồn đều có lính cầm súng cắm lê áp giải. Dù vậy, anh Mỹ Trạch vẫn tìm ra sơ hở của địch. Một lần ra đến khe múc nước, tranh thủ lúc tên lính vục nước rửa mặt, anh chớp thời cơ dùng đòn khiêng nước đánh, cướp được súng, trở về lại tiếp tục chiến đấu.
Những năm kháng chiến ác liệt ấy, xã Liên Hiệp là hậu phương của tỉnh, của Quân khu. Xã là nơi đặt trạm điều trị thương binh. Những thương binh nặng về đây được nhân dân dùng thuyền thoi chở xuôi sông Hồng về trạm quân y lớn ở Hanh Cù. Vũ khí bộ đội ta thu được nhiều của địch, dân Liên Hiệp lại dùng thuyền đưa về Ao Châu. Mỗi khi bộ đội mở chiến dịch lớn, xã lại lập ra cả đại đội vận chuyển. Người của xã còn cầm súng ra chiến trường. Dân xã Liên Hiệp kiên cường, bền bỉ như vậy làm tròn nhiệm vụ vẻ vang mà Quân khu giao, đất nước cần.
Đến cuộc chiến tranh phá hoại, xã lại tiếp tục kiên cường. Lúc này, người dân ở đây đã trưởng thành, xã đổi tên là Hợp Minh. Anh Ngạch nay đã là Xã đội trưởng. Đơn vị du kích của xã được trang bị vũ khí, lập ra trận địa phòng không, đánh máy bay địch tầm thấp, phối hợp cùng bộ đội phòng không - không quân dùng tên lửa, máy bay đánh địch tầm cao.
Yên Bái là trọng điểm đánh phá, chúng đánh liên tục, có ngày chúng tập trung máy bay, đánh ác liệt, đánh kéo dài tới hai giờ liền. Ta lại thắng. Riêng trận địa phòng không của Hợp Minh đã bắn cháy một máy bay phản lực, bắt sống giặc lái.
Lập thành tích, xã được Quân khu mời về dự hội nghị mừng công. Mải với nhiệm vụ, Xã đội trưởng Ngạch về Tỉnh đội tập trung gấp. Đến nơi, anh nhìn lại mình mới thấy chân đất, quần áo lem nhem, thủng rách. Bí quá, không biết làm thế nào, anh đã được Tỉnh đội phát cho đôi giày và bộ quân phục…
Hợp Minh nay đã là một phường sôi động của thành phố Yên Bái. Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn phấn đấu không ngừng để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, xứng đáng với truyền thống hào hùng của cha anh.
Trần Cao Đàm
Các tin khác
YBĐT - Dù đã được nghỉ hưu, sum vầy cùng cháu con, hình ảnh người chiến sĩ trinh sát “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, hết lòng vì đồng đội thân yêu vẫn luôn thắp lên trong ông - Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỳ niềm hy vọng được gặp lại các chiến sĩ thương binh điểm cao 828 Bắc Kon Tum năm nào.
YBĐT - Nhắc đến Đại Lịch là nhắc đến vùng đất anh hùng với biết bao câu chuyện cảm động về một thời đạn lửa. Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những ngày chiến đấu anh dũng ấy luôn vẹn nguyên trong tâm trí ông Hà Văn Tích ở thôn 14 Thanh Bồng, xã Đại Lịch (Văn Chấn).
YBĐT - Ban CHQS huyện Văn Chấn tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ vững chắc, trọng tâm xây dựng xã, thị trấn vững mạnh, an toàn làm chủ, xây dựng thế trận lòng dân là then chốt...
YBĐT - Với 41 trận chiến đấu, trong đó có 16 trận chiến đấu độc lập, 25 trận đánh phối hợp với bộ đội chủ lực, Đội du kích Khau Phạ đã tiêu diệt, bắt sống và gọi hàng 125 tên địch, thu 150 khẩu súng các loại cùng nhiều quân trang, quân dụng khác của địch. Người Đội trưởng Đội du kích Khau Phạ - Lý Nủ Chu đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất; Đội du kích Khau Phạ được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.