Yên Bái là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, đổi mới vươn lên trên tất cả các lĩnh vực, đáp ứng tốt mọi yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ cách mạng mới, đặc biệt là công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN), góp phần đưa kinh tế ngày càng phát triển.
Là tỉnh cửa ngõ vùng Tây Bắc, nơi giao thoa những nền văn hóa đa sắc tộc, hình thành nên nền văn minh sông Hồng rực rỡ, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã lập nên nhiều chiến công cùng cả nước giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Từ khi đất nước hòa bình thống nhất, Đảng bộ tỉnh đã chủ động nắm bắt thời cơ, vận dụng sáng tạo các quan điểm, đường lối của Đảng và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước khôi phục phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Từ một tỉnh nghèo, cơ sở hạ tầng thấp kém, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm…
Yên Bái đã phát triển mạnh mẽ sau hơn 30 năm đổi mới theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm khu vực nông nghiệp, tăng khu vực dịch vụ và công nghiệp, cơ cấu lao động chuyển đổi gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Để phát triển kinh tế toàn diện, tỉnh đã tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho các thành phần kinh tế; phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, XĐGN.
Để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh với quy mô lớn như: vùng quế gần 78.000 ha; tre măng Bát độ trên 6.600 ha; sơn tra gần 10.000 ha; lúa đặc sản chất lượng cao trên 3.000 ha; cây ăn quả gần 10.000 ha; chè 8.000 ha; dâu tằm gần 1.000 ha… Giai đoạn 2016 -2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 4,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (3%/năm).
Để thực hiện tốt công tác XĐGN những năm gần đây, Yên Bái đã đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Hàng năm, tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, sát với từng hộ nghèo.
Đồng thời xây dựng Đề án Giảm nghèo bền vững với các nhóm chính sách, dự án và giải pháp tổng thể, trong đó tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề (ĐTN) gắn với tạo việc làm, xuất khẩu lao động, xây dựng và nhân rộng mô hình XĐGN bền vững, thực hiện chính sách hỗ trợ vật chất trực tiếp cho người nghèo, thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ đối với 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải…
Ngoài những chính sách chung của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù về giảm nghèo và an sinh xã hội như: Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vùng đặc biệt khó khăn; Đề án Hỗ trợ gia đình người có công khó khăn về nhà ở; chính sách hỗ trợ chăn nuôi gia súc, gia cầm cho người có công, hộ nghèo…
Giai đoạn 2011 - 2015, tổng nguồn lực huy động cho chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội toàn tỉnh ước đạt trên 6.813 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương hơn 3.505 tỷ đồng, vốn địa phương 578,2 tỷ đồng, vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội 1.720 tỷ đồng…
Từ nguồn vốn trên, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 58.893 người; 26.441 lượt hộ nghèo và 3.200 hộ cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm… Giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn đầu tư cho công tác giảm nghèo đạt 16.894 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách Trung ương 8.926 tỷ đồng; ngân sách địa phương 2.759 tỷ đồng; vốn vay tín dụng ưu đãi 3.354 tỷ đồng; vốn huy động từ các công ty, doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân 415 tỷ đồng; các chương trình, dự án chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác 1.440 tỷ đồng… Do sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 32,1% năm 2016 xuống còn 11,56% năm 2019 (giảm 20,65%), bình quân mỗi năm Yên Bái giảm 5,16% hộ nghèo. Đặc biệt 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải, tỷ lệ giảm nghèo trong 4 năm gần đây trung bình mỗi năm giảm 8,32% hộ nghèo (giảm từ trên 75% hộ nghèo năm 2016 xuống còn 41,82% năm 2019), đạt 138% so với mục tiêu giảm nghèo của tỉnh đề ra.
Nhân dân xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn trồng gừng theo tiêu chuẩn VietGAP, đưa ra thị trường tiêu thụ.
Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai Kế hoạch số 131-KH/TU và năm 2020 Kế hoạch số 170-KH/TU với nội dung trọng tâm là giao chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể cho từng địa phương.
Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, người đứng đầu cấp ủy các cơ quan, đơn vị, địa phương với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác giảm nghèo.
Công khai, minh bạch các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước để người dân được biết, gắn với công tác thanh tra, kiểm tra giám sát trong quá trình triển khai thực hiện; đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng tại các thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn, gắn với cải cách thủ tục hành chính để người dân tham gia tiếp cận các chính sách giảm nghèo…
Từ triển khai thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cấp cơ sở Kế hoạch số 131 của Tỉnh ủy, đã góp phần để năm 2019 toàn tỉnh giảm 6,12% hộ nghèo, tương đương với 12.548 hộ thoát nghèo, đạt 111,27% kế hoạch. Đánh giá việc thưc hiện các mục tiêu giảm nghèo những năm gần đây cho thấy: việc thực hiện chính sách đều phù hợp với từng địa bàn, đối tượng. Đối với các hộ thuộc diện không thể thoát nghèo như: người cao tuổi, mất sức lao động, khuyết tật, ốm đau… được thực hiện trợ cấp xã hội theo quy định.
Thực hiện mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo bền vững, năm 2020, Yên Bái đề ra mục tiêu phấn đấu giảm 4,5% hộ nghèo, giảm từ 11,56% năm 2019 xuống còn 7,06% năm 2020 với nhiều mục tiêu tổng quát như: hạn chế tái nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận thông tin; tiếp tục tăng cường các chương trình dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn; từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong thu nhập giữa thành thị và nông thôn, vùng thấp và vùng cao.
Một số giải pháp tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh như: xây dựng cơ sở hạ tầng tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; trong đó, tập trung đầu tư cải tạo kết cấu hạ tầng thiết yếu như: điện, đường, trường, trạm… gắn với xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính để người dân thuận lợi hơn khi tham gia và tiếp cận các chính sách giảm nghèo. Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường và thông tin nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ sinh kế và các nguồn vốn huy động, cùng với đó là khơi dậy ý chí và khát vọng quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người dân tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước...
Thạch Phong