Tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Nghĩa Lộ và Chiến dịch Tây Bắc

  • Cập nhật: Thứ bảy, 8/10/2022 | 8:15:05 PM

YênBái - 70 năm đã trôi qua, trên con đường đổi mới, đi đến khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh hạnh phúc thì tầm vóc, ý nghĩa và hào khí của chiến thắng Tây Bắc vẫn ngời sáng và cổ vũ đưa Yên Bái cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Bộ đội ta truy kích quân Pháp trên đường 41 trong chiến dịch Tây Bắc, năm 1952. Ảnh tư liệu
Bộ đội ta truy kích quân Pháp trên đường 41 trong chiến dịch Tây Bắc, năm 1952. Ảnh tư liệu


Cách đây tròn 70 năm, vào Thu Đông năm 1952, dưới sự lãnh đạo của Đảng và tầm nhìn chiến lược Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy Tây Bắc là địa bàn chiến lược quan trọng của Bắc Bộ Việt Nam nói riêng, của Bắc Đông Dương nói chung. Tiến công làm chủ được Tây Bắc, ta không những bảo vệ vững chắc khu đầu não kháng chiến Việt Bắc, tạo thành thế liên hoàn nối liền một dải với hậu phương kháng chiến rộng lớn, mà còn có điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng giao lưu quốc tế, đặc biệt là tăng cường thêm tình đoàn kết chiến đấu Việt – Lào cùng chống kẻ thù chung. 

Vì vậy, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chuyển hướng tiến công chủ yếu của bộ đội chủ lực lên Tây Bắc, nhằm thúc đẩy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp phát triển lên một bước mới mang tính quyết định.

 Với vị trí chiến lược đối với vùng Bắc Đông Dương, quân Pháp đã bố trí lực lượng ở Tây Bắc còn gọi là Khu tự trị Tây Bắc (gọi tắt là ZANO) gồm 4 Phân khu là Phân khu Sông Đà, Phân khu Sơn La, Phân khu Lai Châu và Phân khu Nghĩa Lộ trong đó Phân khu Nghĩa Lộ là Phân khu chỉ huy. 

Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, xác định Nghĩa Lộ có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực miền núi Tây Bắc, thực dân Pháp đã tăng cường lực lượng chiếm đóng, đẩy mạnh xây dựng bộ máy cai trị tay sai của chúng ở vùng đất này. Đến tháng 10/1947, sau khi hoàn thành đánh chiếm lại Nghĩa Lộ (lần 2), thực dân Pháp đã khôi phục ngay hệ thống cai trị của chúng, xây dựng Nghĩa Lộ trở thành phân khu quân sự mạnh nhất trong 4 phân khu của địch án ngữ cửa ngõ phía Đông vùng Tây Bắc. 

Phân khu Nghĩa Lộ gồm 4 tiểu khu là Nghĩa Lộ, Ba Khe, Gia Hội, Thanh Uyên; Tiểu khu Nghĩa Lộ là nơi đặt sở chỉ huy phân khu của địch có hệ thống đồn bốt dày đặc, sân bay, hầm ngầm kiên cố, với cứ điểm  Nghĩa Lộ phố và cứ điểm Pú Chạng (Nghĩa Lộ đồi) bao quát thung lũng Mường Lò với gần 1000 quân chiếm giữ.

Chỉ huy Phân khu Nghĩa Lộ là viên quan tư Ti-ri-ông (Tirillon). Ti-ri-ông là một tên ác ôn thực dân cáo già từ thời kỳ Pháp thuộc, có mặt ở Tây Bắc từ năm 1940. Ti-ri-ông nói được tiếng Thái thành thạo.

Đầu tháng 9-1952, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc, nhằm mục đích: "Tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân vùng Tây Bắc - giải phóng một phần đất đai. Lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm: Các Đại đoàn bộ binh 308, 312, 316, hai Đại đoàn 320 và 304 hoạt động ở vùng sau lưng thuộc Liên khu 3.

Sau  trận mở màn thắng lợi ở Phân khu trung tâm Nghĩa Lộ ta tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 6.029 tên, diệt gọn 4 tiểu đoàn và 28 đại đội địch, giải phóng khoảng 28.500 km2 và 25 vạn dân.

Thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc có ý nghĩa to lớn về chính trị và quân sự, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của quân đội  nhân dân Việt Nam. Về nghệ thuật quân sự chiến dịch Tây Bắc có bước phát triển mới, thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, là tập trung lực lượng tổ chức tiến công liên tục đột phá tiêu diệt từng khu vực phòng ngự gồm nhiều cứ điểm có công sự vững chắc. Địch ở Tây Bắc bố trí trên một khu vực rất rộng, chúng tổ chức thành các cụm cứ điểm then chốt như Nghĩa Lộ, Mộc Châu, Lai Châu tạo lá chắn bảo vệ khu trung tâm Sơn La, Lai Châu. Ngoài ra, để bảo đảm tính cơ động và vững chắc chúng còn tổ chức nhiều cứ điểm nhỏ xung quanh.

Để phá thế phòng ngự, tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, Bộ Chỉ huy chiến dịch đề ra cách đánh: Tập trung lực lượng phá vỡ một số khu vực then chốt, buộc địch rút chạy tạo thời cơ cho ta tiêu diệt địch ngoài công sự, tạo thế phát triển chiến dịch.

Điển hình trong trận mở màn, ta sử dụng 2 đại đoàn, 1 trung đoàn bộ binh và toàn bộ pháo binh chiến dịch tiến công vào một loạt cứ điểm: Ca Vịnh, Sài Lương, Cửa Nhì... phát triển tiêu diệt cụm cứ điểm Pú Chạng - Nghĩa Lộ, đập tan phòng tuyến vòng ngoài của địch ở Tây Bắc. Đồng thời sử dụng lực lượng cơ động tiến công tiểu đoàn dù số 6 khi đổ quân xuống Tú Lệ và truy kích chúng rút chạy đến đèo Cao Phạ. Chọn đúng và tập trung lực lượng ưu thế đập vỡ các khu vực then chốt, hiểm yếu, ta đã nhanh chóng phá vỡ thế trận phòng ngự của địch, làm rối loạn chỉ huy, tạo ra thế phát triển chiến dịch.

Chiến dịch Tây Bắc ta đã hoàn chỉnh các hướng tiến công, phối hợp chặt chẽ giữa các hướng, hình thành thế bao vây địch. Tiêu biểu trong trận đột phá khẩu, hướng chủ yếu tiến công vào sở chỉ huy phân khu ở Nghĩa Lộ, hướng thứ yếu tiến công tiêu diệt tiểu khu Phù Yên ở Bản Mo và hướng phối hợp từ Lào Cai tiến xuống giải phóng Quỳnh Nhai. Như vậy, việc phối hợp chặt chẽ giữa các hướng tiến công đã tạo thế và lực cho chiến dịch phát triển thuận lợi đạt mục đích đề ra.

Thứ hai, là thực hiện nghi binh chiến dịch một cách hoàn hảo. Ở chiến dịch Tây Bắc lần đầu tiên ta có cả một kế hoạch nghi binh hoàn chỉnh. Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã sử dụng lực lượng vũ trang địa phương mang tên các đại đoàn chủ lực và vào vị trí bố trí ở vị trí của các đơn vị này; sử dụng vô tuyến điện với các tần số liên lạc của các đơn vị này để nghi binh lừa địch; đồng thời, tổ chức tập trung dân quân tiến hành các cuộc chuyển quân rầm rộ ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình, cùng thời điểm đó đưa hai Đại đoàn 304 và 320 vào vùng địch hậu hoạt động. 

Trong quá trình thực hành chiến dịch, ta vẫn tiến hành nghi binh, bảo mật làm cho địch bất ngờ về hướng tiến công.  Với nghệ thuật nghi binh chiến dịch một cách hoàn chỉnh, ta đã làm cho quân Pháp mất phương hướng, lúng túng, bị động đối phó dẫn đến thất bại trong chiến dịch Tây Bắc. 

Thứ ba, là Bộ chỉ huy chiến dịch đã sự chỉ đạo phối hợp hoạt động tác chiến rộng khắp của lực lượng vũ trang địa phương với bộ đội chủ lực. 

Ngay từ tháng 5 năm 1952 quân dân tỉnh Yên Bái bước vào chuẩn bị mọi mặt để phối hợp và phục vụ chiến dịch. Dân quân du kích các xã Việt Long, Hưng Khánh, Đại Đồng, Tân Hợp (huyện Trấn Yên), Cát Thịnh, Thượng Bằng La, Minh An, Bình Thuận, Chấn Thịnh (huyện Văn Chấn) cùng các đại đội 85, 87, 97 bộ đội địa phương đã dẫn đường đưa quân báo của Đại đoàn 308 vào vùng địch và bảo vệ an toàn các con đường từ vùng tự do vào Nghĩa Lộ như đường 13A, đường từ Mậu A qua đèo Quế, đèo Khâu Vác, nắm tình hình địch ở các đồn Ba Khe, Ca Vịnh, Sài Lương, Thượng Bằng La, Đồng Bồ. 

Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chiến thắng Tây Bắc đã giành được thắng lợi vẻ vang. Chiến thắng Tây Bắc có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đã giải phóng đồng bào Tây Bắc khỏi ách áp bức của giặc, giải phóng một bộ phận đất đai rộng lớn, một vùng chiến lược quan trọng. Quân và dân ta đã tiêu diệt và chiếm lại 10 vị trí lớn nhỏ của địch ở Tây Bắc còn có tác dụng phá phần lớn âm mưu thâm độc định lập "xứ Thái tự trị”, "xứ Mường tự trị”, "xứ Nùng tự trị” của địch nhằm chia rẽ người Thái và người Kinh, người Thái với các đồng bào dân tộc thiểu số khác. 

Chiến thắng của chiến dịch Tây Bắc đã góp phần làm thay đổi hình thái chiến trường, ta giữ vững và từng bước mở rộng quyền chủ động về chiến lược, lực lượng vũ trang tích lũy thêm kinh nghiệm tác chiến quy mô lớn hơn. Đặc biệt thắng lợi của chiến dịch, rèn luyện bộ đội ta quen với cách đánh hệ thống cứ điểm mạnh của địch, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch làm cơ sở tiến lên mở các chiến dịch trong những năm tiếp theo giành thắng lợi to lớn hơn.

Chiến thắng trong chiến dịch Tây Bắc đã mở thông đường vào Tây Bắc, nối liền với căn cứ địa Việt Bắc; đập tan mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ sông Đà của địch, mở đường cho chiến thắng Thượng Lào, giải phóng Sầm Nưa tháng 5 năm 1953, chiến thắng giải phóng Lai Châu tháng 12-1953,  tạo thế và lực cho trận quyết chiến, quyết thắng ở Điện Biên Phủ sau này.

Riêng với tỉnh Yên Bái chiến dịch Tây Bắc đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Yên bái. Từ đây tỉnh Yên Bái trở thành hậu phương, tiếp tục có những đóng góp quan trọng phối hợp và phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Chiến thắng trong trong chiến dịch Tây Bắc mà thắng lợi mở màn của trận đột phá khẩu  Nghĩa Lộ là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sức mạnh cả về ý chí, tinh thần và vật chất của một dân tộc khát khao độc lập, tự do, không cam chịu nô lệ.

Chiến thắng là một mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn nói riêng. Từ đây đại đa số  nhân dân các dân tộc Tây Bắc trong đó hân dân các dân tộc vùng Văn Chấn, Nghĩa Lộ được giải phóng hoàn toàn  khỏi ách kìm kẹp của chế độ thực dân bao đời nay, làm thất bại âm mưu của địch hòng chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc có ý nghĩa về chính trị, xã hội, quân sự, ảnh hưởng sâu rộng trong toàn tỉnh Yên Bái và các vùng lân cận.

70 năm đã trôi qua, trên con đường đổi mới, đi đến khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh hoạnh phúc thì tầm vóc, ý nghĩa và  hào khí của chiến thắng Tây Bắc vẫn ngời sáng và cổ vũ đưa Yên Bái cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Hà Thị Ngọc Lan (Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử tỉnh Yên Bái)

Các tin khác
Bộ đội xung kích đột phá đồn Pú Trạng trong chiến dịch Tây Bắc, năm 1952.

Chiến thắng Nghĩa Lộ là chiến công oanh liệt, là trận đánh mở màn có tính then chốt trong chiến dịch Tây Bắc. Ta đã tiêu diệt hoàn toàn 1 phân khu quân sự có tính chiến lược của địch, một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ sông Đà, phá vỡ cánh cửa thép che chắn cho Tây Bắc từ phía Đông.

Sáng 7/10, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, thị xã Nghĩa Lộ tổ chức Hội thảo khoa học "Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Nghĩa Lộ, giải phóng hoàn toàn tỉnh Yên Bái” (10/1952 - 10/2022) tại Thị uỷ Nghĩa Lộ.

Nhà văn Hà Lâm Kỳ kính tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chiếc khèn bè của người Thái Nghĩa Lộ, ngày 2/9/2003. (Ảnh tư liệu của tác giả)

Ngày 15/8/1997, nhà văn Hà Lâm Kỳ cùng mấy anh em làm công việc sưu tầm văn hóa - lịch sử vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp để ghi lại những câu chuyện về Chiến dịch Tây Bắc. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết này!

Học sinh các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ tham quan dấu tích lô cốt của Pháp tại Khu Di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ.

Chiến thắng Nghĩa Lộ đã mở toang cánh cửa để lực lượng của ta tiến vào Tây Bắc, tạo thế và đà cho Chiến dịch Tây Bắc toàn thắng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Góp phần làm nên chiến thắng ấy là những người dân hết lòng với cách mạng. Và trong cuộc sống hôm nay, với niềm tự hào về truyền thống lịch sử và tình yêu với mảnh đất này, họ tiếp tục góp sức vào xây dựng quê hương theo những cách riêng của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục