Tuổi trẻ Văn Chấn tự hào với Chiến thắng Điện Biên Phủ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/5/2024 | 7:34:31 AM

YênBái - Qua câu chuyện kể của những người lính Điện Biên năm xưa, tuổi trẻ Văn Chấn hôm nay luôn cảm thấy tự hào về tinh thần yêu nước, quyết tâm chiến đấu quả cảm của thế hệ cha ông đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Đoàn viên thanh niên huyện Văn Chấn tái hiện hành trình của những chiếc xe đạp thồ lương thực, đạn dược trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Đoàn viên thanh niên huyện Văn Chấn tái hiện hành trình của những chiếc xe đạp thồ lương thực, đạn dược trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Đèo Lũng Lô, hay có tên gọi khác là đèo Đao thuộc bản Dạ, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, nằm giữa hai huyện Văn Chấn (Yên Bái) và Phù Yên (Sơn La) có chiều dài 15 km, độ dốc trên 10%, nhiều khúc cong cua tay áo.
 
Đây là một địa danh đã đi vào sử sách trong cuộc kháng chiến chống Pháp hào hùng của dân tộc như một huyền thoại, nơi nhà thơ Tố Hữu ghi lại những câu ca vang dội và hào hùng của quân và dân cả nước, dốc sức tiếp tế cho chiến trường Điện Biên Phủ khiến thực dân Pháp phải bất ngờ, khiếp sợ: "Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh". 

Tháng 2/1954, thực dân Pháp tập trung lực lượng đánh phá ác liệt các tuyến đường lên Tây Bắc, hòng ngăn cản sự tiếp viện của hậu phương ra chiến trường. Bất chấp hiểm nguy, sau hơn 200 ngày đêm, quân và dân ta phá đá mở đường, tuyến đường qua đèo Lũng Lô đã thông suốt nối với chiến khu Việt Bắc và các tỉnh Tây Bắc, phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Nhờ có tuyến đường qua đèo Lũng Lô mà ô tô, xe đạp thồ chở hàng vạn tấn quân trang vũ khí đạn dược, hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm tập kết ở khu vực Thượng Bằng La bảo đảm tiếp ứng đầy đủ, kịp thời cho chiến trường Điện Biên Phủ. Với nhiệm vụ nặng nề và thời gian cấp bách, con đường tiếp tế cho Điện Biên Phủ qua đèo Lũng Lô đã hoàn thành trước thời hạn 10 ngày và trở thành một kỳ tích lịch sử, khiến thực dân Pháp bất ngờ, khiếp sợ tinh thần quả cảm của quân và dân ta. 

Để ghi nhận đóng góp to lớn của quân và dân tỉnh Yên Bái tham gia xây dựng tuyến đường 13A trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 2011, công trình đèo Lũng Lô được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. 


Ông Nguyễn Hữu Hương - hội viên Hội Cựu chiến binh xã Thượng Bằng La chia sẻ: "Tôi luôn mong muốn tiếp lửa truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, tạo điều kiện cho các cháu học sinh, đoàn viên, thanh niên hiểu rõ hơn về truyền thống của dân tộc, ôn lại những ký ức hào hùng của thế hệ cha ông để các cháu hiểu rõ hơn về khó khăn, mất mát, hy sinh trong chiến tranh; đồng thời, tiếp thêm động lực và sức mạnh cho thế hệ trẻ hôm nay nỗ lực kiên trì vượt khó, vững chí phấn đấu, cống hiến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Khi nói đến Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong trái tim mỗi người dân Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ nói riêng đều trào dâng niềm kiêu hãnh, tự hào, trở thành động lực tinh thần giúp các em có thêm điểm tựa vững vàng hướng tới tương lai. 

Em Hoàng Thị Thu Hường - học sinh lớp 10A, Trường THPT Văn Chấn chia sẻ: "Thông qua câu chuyện của các cựu chiến binh và tư liệu lịch sử, chúng em hiểu thêm về ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần quyết định đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Biết bao anh hùng liệt sĩ đã dũng cảm hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Chúng em rất kính trọng, tự hào về những người lính đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, đó mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo”.

Thời gian qua, tuổi trẻ Yên Bái đã có nhiều hoạt động sôi nổi chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024). Do đó, được sự quan tâm của tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành tại địa phương, sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, công trình tu bổ Khu Di tích lịch sử quốc gia đèo Lũng Lô được tuổi trẻ Yên Bái khởi công xây dựng vào tháng 3/2024 với nhiều hạng mục như: làm mới lan can và lư hương; san tạo mặt bằng và đổ bê tông mới sân để xe; làm mới 4 cột đèn năng lượng mặt trời; bảng mã quét QR và bảng hướng dẫn… với tổng mức đầu tư hơn 400 triệu đồng. 

Công trình vừa được khánh thành sẽ là công trình văn hóa- lịch sử quan trọng của tuổi trẻ Yên Bái nhằm tri ân công lao, đóng góp to lớn của quân và dân ta. Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình, ngay tại Di tích lịch sử quốc gia đèo Lũng Lô, Đoàn xã Thượng Bằng La, Đoàn Trường THPT Văn Chấn, Đoàn Trường THCS và THPT Nghĩa Tâm đã long trọng tổ chức lễ kết nạp đoàn viên mới cho 70 thanh niên ưu tú. Huyện đoàn Văn Chấn cũng tổ chức Cuộc thi "Tải gạo qua đèo” với 15 đội thi đến từ các tổ chức cơ sở Đoàn và Đoàn trực thuộc tham gia, đã tái hiện hành trình của những chiếc xe đạp thồ lương thực, vũ khí lên chiến trường Điện Biên năm xưa.  

Anh Bùi Ngọc Dũng - Bí thư Huyện đoàn Văn Chấn cho biết: "Thông qua những hoạt động thiết thực thu hút đông đảo đoàn viên, thanh thiếu niên, học sinh trên địa bàn huyện tham gia góp phần phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục rộng rãi về truyền thống lịch sử, ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Từ đó, khích lệ thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, nỗ lực phấn đấu học tập, lao động, công tác, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh”.

Bùi Minh

Tags Tuổi trẻ Văn Chấn Chiến thắng Điện Biên Phủ

Các tin khác

Ngày 7.5.1954 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái - những tư liệu trưng bày gồm hình ảnh và hiện vật gốc về bối cảnh lịch sử, chiến thắng và chiến công của quân dân cả nước cũng như những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã cho nhân dân và du khách có cái nhìn tổng quan về những năm tháng chiến tranh ác liệt mà đầy quả cảm, làm nên chiến thắng lịch sử này.

Bài học về tầm nhìn chiến lược trong trận Điện Biên Phủ còn nguyên giá trị. Ảnh: Tư liệu

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng kiến những kỳ tích, biến cái không thể thành có thể, biến điều chưa từng có tiền lệ trở thành những trang sử hào hùng. Điện Biên Phủ và chuyển đổi số là những kỳ tích như thế…

Đồng chí Ngô Hạnh Phúc  - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thứ tư từ trái sang) cùng lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham quan mô hình vũ khí thực hành huấn luyện tại Lễ ra quân huấn luyện tỉnh Yên Bái năm 2024.

Cho đến tận ngày hôm nay, tôi vẫn còn nhớ như in những hình ảnh mình đã được chứng kiến từ thuở bé, đó là hình ảnh người ông ngoại Phạm Văn Xiển, thương binh 2/4 ở số nhà 14, đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái trở về đời thường làm một người nông dân với rất nhiều công việc.

Tròn bảy thập kỷ đã trôi qua (1954-2024), nhưng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi là biểu tượng sáng ngời của dân tộc Việt Nam quật cường, bất khuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục