Hướng tới sự kiện “Giới thiệu sắc màu văn hóa dân tộc Mông Yên bái” tại Hà Nội:

Dẻo thơm bánh dày người Mông

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/5/2019 | 11:28:50 AM

YênBái - Đến Trạm Tấu công tác đã nhiều lần, cũng nhiều lần ngủ lại nhờ nhà dân, nhưng thật may mắn khi lần này dù không phải dịp lễ, tết tôi lại được tham gia làm bánh dày - loại bánh dẻo, thơm, đậm đà có tiếng, loại bánh góp phần làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực của người Mông với đặc trưng riêng có vô cùng độc đáo.

Giã bánh dày là công đoạn dành cho những người đàn ông Mông khỏe mạnh, khéo léo. (Ảnh: Thu Hiền)
Giã bánh dày là công đoạn dành cho những người đàn ông Mông khỏe mạnh, khéo léo. (Ảnh: Thu Hiền)

Trời vẫn còn mù sương, tôi lục tục dậy theo chị Mùa Thị Dở ở thôn Mù Cao, xã Bản Mù chuẩn bị đồ xôi để giã bánh dày sắm lễ giỗ của gia đình. Từng rá gạo đầy ăm ắp những hạt gạo nếp nương mẩy, tròn, trắng trong đã được vo qua, ngâm, để ráo nước lần lượt được đổ vào ba chõ gỗ, bắc lên bếp để đồ xôi. Những thanh củi khô được mồi lửa chỉ một lát là cháy đượm nổ lép bép xua đi cái lạnh miền sơn cước. 

Trong màn đêm tĩnh mịch, chị Dở thủ thỉ kể: "Bánh dày của người Mông chúng tôi làm chủ yếu để thờ cúng ông bà, cha mẹ, làm trong các dịp lễ, tết, ngày giỗ gia tiên. Với quan niệm, người sống ăn bánh dày, chết đi cũng ăn bánh dày”. 

Vừa chuyện, chị Dở vừa điều chỉnh lại lửa nồi đồ xôi. Chị bảo, làm vậy để tránh để nước sôi trào ướt gạo dưới đáy chõ, cũng như không để nồi xôi bị bí hơi, chín không đều, khi giã thì bánh dày sẽ cứng, lổn nhổn, bùng nhùng. 

Rồi chợt nhớ ra câu chuyện bánh dày đang còn dang dở, chị kể tiếp: "Ngày bé, tôi vẫn nghe già làng kể lại, bánh dày của người Mông gắn với câu chuyện tình yêu của một đôi trai gái. Một ngày nọ, cô gái bị hổ bắt cóc, chàng trai đau buồn đi tìm. 

Để chống đói, người con trai đã nghĩ ra cách lấy gạo nếp xôi lên rồi giã thật mịn, nặn lại thành bánh mang theo. Lặn lội băng núi, đồi, thác ghềnh hiểm trở, cuối cùng thì anh cũng đến nơi trú ngụ của con hổ cướp người yêu mình. Con hổ cảm động trước tình yêu sâu đậm của đôi trai gái mà thả cho cô gái về. Đôi trai tài, gái sắc sống hạnh phúc bên nhau. Từ đó, chiếc bánh dày trở thành biểu tượng của tình yêu thủy chung của trai gái người Mông. Đi vào cuộc sống, bánh dày trở thành món ăn truyền thống và được coi là đặc sản của dân tộc Mông”. 

Trời chuyển sáng cũng là lúc xôi vừa chín, anh Tráng A Của, chồng chị Dở cũng đã chuẩn bị xong chày, máng sẵn sàng cho việc giã bánh. Những chõ xôi còn nóng hôi hổi được đổ ra máng gỗ. Thứ xôi nếp nương thơm ngào ngạt đến lạ lùng. Anh Của cùng người con trai thứ tên Pao tay cầm chắc những chiếc chày gỗ, phối hợp giã bánh nhịp nhàng. Chày gỗ va vào máng xôi tạo ra âm thanh "cắc, bụp, cắc, bụp” đều hòa trong tiếng gió, tiếng nước róc rách, tiếng của những hạt nếp đang biến hình thành dạng bánh. 

Làm bánh dày đòi hỏi sự phối hợp đều đặn, nhịp nhàng của các công đoạn, không công đoạn nào được ngắt quãng. Vung chày giáng xuống đã mệt, nhưng nhấc được chày lên cũng cực nhọc không kém bởi sự kéo dính của xôi. 

Trên khuôn mặt đỏ ửng của bố con anh Của lấm tấm mồ hôi, tiếng thở cũng trở nên nặng nhọc. Chẳng thế mà công đoạn giã bánh dày thường là dành cho đàn ông khỏe mạnh, khéo léo. Khi xôi đã giã nhuyễn, lại đến khâu của những người phụ nữ như chị Dở và tôi. 

Thấy tôi lóng ngóng, chưa biết bắt đầu từ đâu, chị Dở tinh ý hướng dẫn: "Trước khi nặn bánh phải xoa một ít lòng đỏ trứng gà vào tay để khỏi dính tay, vừa tăng độ thơm ngon cho bánh”. Làm theo các công đoạn chị Dở vừa dạy, tôi xoa một ít lòng đỏ trứng gà, lại véo một khối xôi quánh dẻo, lăn qua lăn lại trên tấm lá chuối. 

Khối bánh có đến nửa ký bột khiến tôi chật vật mãi mới nặn thành hình. Thế rồi những chiếc bánh trắng trong nổi bật trên màu xanh của lá được xếp lần lượt vào các mâm cỗ để hòa vị cùng các món ăn như gà luộc, thịt lợn cắp nách nướng, măng, rau dâng lên lễ giỗ. 

Và cũng đến lúc được thưởng thức, cầm miếng bánh dày chấm với mật ong rừng, cảm nhận sự dẻo, thơm ngậy quyện ngòn ngọt như thấy như cả tinh hoa của núi rừng, của vụ mùa bội thu. Bánh dày của người Mông giản dị, mộc mạc mà thanh tao, luôn gợi nhớ đức tính kiên trì, cần cù chất phác của người Mông bao đời nay. Ắt hẳn ai đã một lần được thưởng thức món bánh đặc biệt này sẽ không thể nào quên. 

Lê Huyền

Tags Bánh dày người Mông giã bánh Trạm Tấu

Các tin khác
“Sống lưng khủng long” uốn lượn giữa đất trời tạo nên kỳ quan có một không hai. (Ảnh: Thanh Miền)

Đỉnh Tà Xùa thuộc thôn Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, cao 2.865 m và là đỉnh núi cao thứ 10 của Việt Nam. Đỉnh Tà Xùa có ba đỉnh hợp thành một kỳ quan thiên nhiên vô cùng kỳ vĩ. Đặc biệt, Tà Xùa còn được mệnh danh là "sống lưng khủng long”.

Cùng với sự kiện

Sự kiện "Giới thiệu sắc màu văn hóa dân tộc Mông Yên Bái” được tổ chức tại Hà Nội nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông tỉnh Yên Bái, góp phần tăng thêm niềm tin, tự hào trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh, gắn kết giữa hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Mông, phát triển du lịch trên cơ sở khai thác và tôn vinh các giá trị văn hóa địa phương.

Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài đến 5 ngày, từ 27/4 đến hết ngày 1/5/2019. Đây là thời gian để chúng ta có những phút giây thoải mái bên gia đình, người thân và bạn bè. Báo Yên Bái xin giới thiệu với quý vị và các bạn những điểm dừng chân lý tưởng khi đến với Yên Bái.

Du khách nước ngoài tham quan chợ đá quý Lục Yên.

Chợ đá quý Lục Yên ở thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên mở khoảng 9 giờ sáng kéo dài đến trưa các ngày trong tuần. Chợ đá quý hiện có trên 70 bàn đá. Mỗi bàn đá ở đây có số lượng hàng giá trị vài trăm triệu đồng, thậm chí có những bàn lên tới hàng tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục