Độc đáo văn hóa ẩm thực Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/2/2015 | 3:05:56 PM

YBĐT - Bảo tồn, giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số là một trong những mục tiêu thực hiện Đề án xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ, giai đoạn 2013 - 2020. Năm 2014, lần đầu tiên thị xã Nghĩa Lộ tổ chức Hội thi ẩm thực "Hương vị Mường Lò" nhằm góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa ẩm thực của dân tộc Thái vùng Mường Lò và đã đạt kết quả mỹ mãn.

Ẩm thực Mường Lò tinh tế, đậm đà hương sắc núi rừng Tây Bắc.
Ẩm thực Mường Lò tinh tế, đậm đà hương sắc núi rừng Tây Bắc.

Từ xa xưa, người Thái đen ở Mường Lò đã tích lũy, xây dựng được cho mình một nền văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú và vô cùng hấp dẫn. Việc làm những món ăn để thờ cúng hay chỉ là những món ăn hàng ngày rất được chú trọng. Họ tổ chức chế biến một cách cẩn thận, cầu kỳ theo nhiều phương thức, sử dụng những loại nguyên liệu riêng, các loại gia vị, gia giảm độc đáo, mang đặc trưng phong tục, tập quán của dân tộc mình.

Những món ăn quen thuộc, nổi tiếng của người Thái đen ở Mường Lò như: pa pỉnh tộp, thịt trâu sấy, xôi ngũ sắc, lươn đồng sấy, thịt lợn chua rang, gỏi thịt lợn, cơm lam, các món thịt nướng, rêu đá, hoa ban…  Mỗi món có vị ngon riêng, phản ánh sự đa dạng cũng như những nét văn hóa phong phú trong phong cách ẩm thực của người Thái vùng Mường Lò.

Xôi ngũ sắc thơm ngon từ vị giác với sự béo ngậy của hạt gạo, vị thơm của lá nếp tới sự thỏa mãn của thị giác với những màu sắc đẹp lung linh mà nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên, mang đặc trưng riêng của phong vị miền Tây Bắc.    

Pa pỉnh tộp, được tẩm ướp đủ loại gia vị, đem nướng  khi chín vàng rộm, thơm lừng, mang đầy đủ từng vị ngọt béo của cá, vị cay của ớt, vị thơm của sả, riềng và các loại rau thơm… 

Cơm lam không chỉ là món ăn cổ truyền mà còn là món ăn linh thiêng, gắn với văn hóa tộc người và theo sự tín ngưỡng dân gian gắn với mỗi vòng đời của con người. Hương thơm, vị bùi của cơm dẻo, vị cay của gừng, vị ngọt của ống nứa, vị thanh thanh của lá chuối, mùi của khói bếp lửa thật quyến rũ. 

Thịt trâu khô được chế biến từ thịt bắp của chú trâu, sau khi nướng đủ độ chín, khi ăn xé ra thành từng sợi nhỏ, cọng dài ta cảm nhận được vị ngọt của thịt trâu, mùi khói ngai ngái của núi rừng, sự đậm đà tổng hợp các gia vị tẩm như sả, ớt, tỏi, tiêu… tạo nên sức hấp dẫn cho món đặc sản vùng cao miền Tây Bắc.

Các món nướng được chế biến một cách cẩn thận, cầu kỳ, sử dụng những loại nguyên liệu riêng, các loại gia vị, gia giảm độc đáo.

Có thể nói, các món ẩm thực của đồng bào Thái Mường Lò vô cùng tinh tế, đậm đà hương sắc núi rừng Tây Bắc. Nhiều du khách đến với Mường Lò lưu luyến khó quên cho dù mới chỉ một lần thưởng thức những hương vị đặc trưng của các món ăn.

Vũ Đồng

Các tin khác

YBĐT - Trong thú ẩm thực vùng cao, người ta không thể không nói đến giống gà đen của đồng bào dân tộc Mông.

YBĐT - Từ lâu chuối đã trở thành cây gần gũi, gắn bó với người Tày Lục Yên, bởi những hữu ích từ cây chuối đem lại. Hiểu và đánh giá đúng vị trí của chuối trong đời sống của mình mà người Tày đã sáng kiến tái hiện sự thanh tao, hấp dẫn của hương vị chuối bằng cách chế biến thành một sản vật ngon – bánh chuối - chứa đựng giá trị tinh thần được truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ sau và được dùng làm đồ cúng tế trong những dịp gia đình, dòng họ có việc trọng đại.

YBĐT - Nhắc đến ẩm thực vùng đất Ngọc Lục Yên, người ta thường nhớ đến những đặc sản có tiếng như: cam sành, khoai tím, hồng không hạt, gà trống thiến... thơm ngon nổi tiếng khắp vùng. Nhưng còn có một đặc sản nữa rất dân dã, đó là món cà giòn, chỉ có ở Lục Yên.

Măng sặt rộ nhất là vào tháng Giêng đến tháng Ba.

YBĐT - Mùa xuân - mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc và cũng là lúc những búp măng sặt nuột nà, căng tràn sức sống đang vươn ra từ lòng đất, đón ánh nắng mặt trời. Và măng sặt ở Yên Bái đã trở thành món đặc sản được nhiều thực khách ưa thích và tìm đến thị xã Nghĩa Lộ để tìm mua loại măng này khi mùa măng đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục